Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Việc học Bác ở ngôi chùa trăm tuổi

Nép mình ở vùng quê lặng lẽ, chùa An Thạnh tọa lạc ở xã Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân) không chỉ là điểm tựa về đời sống tinh thần của các phật tử, mà còn tích cực đồng hành với chính quyền địa phương chăm lo an sinh xã hội.

Báo An GiangBáo An Giang19/05/2025

Đại đức Thích Chí Nguyện được cử về làm trụ trì tại chùa An Thạnh từ năm 2021. Thời điểm đó đến nay, chùa có nhiều hoạt động thu hút phật tử tham gia từ thiện - xã hội. Ngôi chùa nhỏ có tuổi đời hơn 100 năm, không gian khiêm tốn, nhiều chỗ xuống cấp bởi tác động của thời gian. Dù còn nhiều khó khăn, chùa vẫn kết nối được những phật tử giàu lòng hảo tâm, tương trợ kịp thời cho nhiều mảnh đời gặp khó khăn trong xã. Phật tử biết đến chùa ngày càng nhiều hơn thông qua các hoạt động thiết thực. Công tác từ thiện của chùa theo đó lan tỏa và có thêm sự đồng hành.

Vào những dịp lễ, Tết, ngày rằm… nguồn lực tiếp nhận nhiều thì tổ chức trao quà số lượng lớn; tiếp nhận ít thì chùa trích thêm nguồn quỹ sẵn có để phần quà thêm ấm lòng người nghèo. “Tuy mỗi phần quà giá trị không lớn, nhưng thấy bà con đến nhận vui mừng, tôi cũng mừng theo. Theo tôi, khi có điều kiện làm việc thiện mà bà con không ai đến thì cũng không ý nghĩa. Ngay trong việc làm này, tôi đã biết ơn vì phật tử đến với mình một cách vui vẻ. Đó là niềm hạnh phúc của người làm từ thiện nói chung, bản thân tôi nói riêng” - đại đức Thích Chí Nguyện chia sẻ.

Không gian văn hóa Bác Hồ, Bác Tôn trong chùa An Thạnh

Những năm qua, trung bình hàng năm chùa An Thạnh phối hợp xã Bình Thạnh Đông thực hiện công tác xã hội - từ thiện, với kinh phí 150 - 180 triệu đồng. Ngoài các đợt hỗ trợ nhân dịp lễ, chùa phối hợp Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam huyện Phú Tân hỗ trợ người dân khi hỏa hoạn, cất nhà, gây Quỹ Cây mùa Xuân… Sau đại dịch COVID-19, chùa phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện trao 300 phần quà cho trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, vận động phật tử trong và ngoài địa phương tổ chức “Phiên chợ 0 đồng”, trao quà cho hộ nghèo trong xã, phục vụ ăn uống chay miễn phí.

Để duy trì tính bền vững trong giúp đỡ người nghèo, chùa phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện thành lập Tổ phụ nữ Phật giáo xã Bình Thạnh Đông, hàng quý sinh hoạt về ý nghĩa, tự nguyện đóng góp quỹ để hỗ trợ bà con phật tử trong tôn giáo vượt qua khó khăn khi ốm đau, hoạn nạn. “Những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được mô hình này trợ giúp, tạo sức lan tỏa tích cực. Mong rằng ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức chung tay phát triển mô hình, để chăm lo an sinh xã hội ở địa phương” - Chủ tịch UBMTTQVN xã Bình Thạnh Đông Nguyễn Văn Mít bày tỏ.

Chùa An Thạnh là một trong số cơ sở thờ tự ở huyện Phú Tân được Ban Dân vận Huyện ủy (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy) chọn làm nơi thực hiện “Không gian văn hóa Bác Hồ, Bác Tôn”. Sau vài tháng hoàn thiện, không gian này được người dân quan tâm. Đại đức Thích Chí Nguyện cho biết: “Hàng ngày, phật tử đến chùa, trước để lễ Phật, sau là tham quan không gian, hiểu hơn về quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ, Bác Tôn. Từ đó, niềm kính trọng, tôn kính của Nhân dân với các vị lãnh tụ càng cao, mỗi người rút ra bài học riêng cho bản thân để sống tốt hơn trong ngày hôm nay”.

Ông Nguyễn Văn Mít thông tin, trong những năm qua, chính quyền, mặt trận, đoàn thể luôn quan tâm, giúp đỡ tạo mọi điều kiện cho chùa An Thạnh hoạt động. Đặc biệt, thời gian gần đây, trụ trì chùa và các phật tử có nhiều đóng góp trong công tác an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo nhân dịp lễ, Tết, lễ đạo. Địa phương trân trọng ghi nhận nghĩa cử nhân ái đó.

Trước đây, chùa An Thạnh dựa vào việc canh tác 3 công đất ruộng, làm nguồn cung chủ yếu để tự sinh hoạt tu tập. Hiện nay, chùa hướng hoạt động ra xã hội, kết nối với phật tử trong và ngoài địa phương tăng cường hoạt động từ thiện. Dù còn nhiều khó khăn, bằng nguồn lực tiếp nhận tùy lúc, tùy nơi, chùa luôn ưu tiên giúp đỡ người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có ý chí vươn lên trong học tập… Đặc biệt, “Không gian văn hóa Bác Hồ, Bác Tôn” đã mang lại ý nghĩa giáo dục truyền thống cho người dân, phục vụ buổi sinh hoạt của học sinh, trẻ em đến chùa.

MỸ HẠNH

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/viec-hoc-bac-o-ngoi-chua-tram-tuoi-a420946.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm