Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ trong việc nâng cao tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em

Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong công tác bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh phòng ngừa được bằng vaccine, theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và UNICEF.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân16/07/2025

Dữ liệu WUENIC cho thấy vai trò then chốt của Chính phủ, tài chính nội địa và y tế cơ sở trong hiện thực hóa mục tiêu tiêm chủng toàn cầu đến năm 2030. (Ảnh: UNICEF)
Dữ liệu WUENIC cho thấy vai trò then chốt của Chính phủ, tài chính nội địa và y tế cơ sở trong hiện thực hóa mục tiêu tiêm chủng toàn cầu đến năm 2030. (Ảnh: UNICEF)

Theo số liệu ước tính về tỷ lệ tiêm chủng bao phủ quốc gia (WUENIC) ở Việt Nam vừa được WHO và UNICEF công bố, năm 2024, Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng mũi đầu vaccine bạch hầu, uốn ván và ho gà 99%, tăng từ 80% vào năm 2023. Tỷ lệ bao phủ vaccine tại Việt Nam không chỉ phục hồi lên mức cao như trước thời điểm đại dịch Covid-19 mà còn cao hơn tỷ lệ tiêm chủng năm 2019.

Theo đó, số trẻ em chưa được tiêm bất kỳ liều vaccine nào, hay còn gọi là nhóm trẻ “0 liều vaccine”, đã giảm từ 274.000 vào năm 2023 xuống chỉ còn 13.000 vào năm 2024, tương đương với giảm hơn 95%. Mức giảm đáng kể này cho thấy đã có thêm nhiều trẻ em Việt Nam được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine.

Vào năm 2024, Việt Nam có tỷ lệ bao phủ vaccine cao hơn mức trung bình toàn cầu nhờ có sự chỉ đạo mạnh mẽ từ Chính phủ, cung ứng vaccine kịp thời, và nỗ lực to lớn từ phía nhân viên y tế, cha mẹ và cộng đồng.

Theo Tiến sĩ Jennifer Horton, Phó Đại diện WHO tại Việt Nam, những số liệu này là bằng chứng cho thấy nỗ lực của ngành y tế trong đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng sau đại dịch và trong đợt bùng phát dịch sởi năm 2024-2025. Có gần 1,3 triệu trẻ em đã được tiêm chủng trong chiến dịch tiêm phòng sởi năm 2024-2025.

“Những con số đáng khích lệ này của Việt Nam là sự ghi nhận đối với hàng ngàn nhân viên y tế đã chăm chỉ ngày đêm để khôi phục dịch vụ tiêm chủng sau thời gian gián đoạn kéo dài vì đại dịch và thiếu hụt vaccine. Chúng tôi rất cảm ơn các nhân viên y tế vì đã rất cố gắng trong công tác bảo đảm sức khỏe và an toàn cho trẻ em trên cả nước”, Tiến sĩ Jennifer Horton nhấn mạnh.

“Thành tựu này phản ánh mạnh mẽ cam kết kiên định của Việt Nam đối với sức khỏe trẻ em và sức mạnh của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu”, bác sĩ Nguyễn Huy Du, Quyền Trưởng chương trình Vì sự sống còn, phát triển trẻ em, UNICEF Việt Nam cho biết.

“Trong bối cảnh 1,8 triệu trẻ em trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương vẫn chưa được tiêm chủng, thành công của Việt Nam mang đến một thông điệp rõ ràng: với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, khả năng cung cấp kịp thời và đầy đủ vật tư tiêm chủng, tiêm chủng ngoại trạm và sự tham gia của cộng đồng, việc tiêm chủng cho mọi trẻ em là hoàn toàn khả thi", bác sĩ Nguyễn Huy Du chia sẻ.

Việt Nam cũng ghi nhận tỷ lệ trẻ em được tiêm 3 liều vaccine bạch hầu, uốn ván và ho gà tăng 32%, đạt 97% vào năm 2024, tăng so với mức 65% của năm trước. Điều này không chỉ cho thấy khả năng tiếp cận vaccine được cải thiện mà còn thể hiện sự sát sao với việc hoàn thành lịch tiêm đầy đủ.

Thêm vào đó, tỷ lệ tiêm mũi vaccine sởi đầu tiên cũng tăng đáng kể, từ 82% vào năm 2023 lên 98% vào năm 2024, giúp bảo vệ nhiều trẻ em hơn khỏi một trong các căn bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh nhất.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Vẫn còn 40.000 trẻ em chưa được tiêm mũi thứ 3 vaccine bạch hầu, uốn ván, ho gà và 27.000 trẻ em chưa được tiêm chủng mũi 1 vaccine sởi.

Việc trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đủ liều xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm rào cản về khoảng cách địa lý, khả năng tiếp cận dịch vụ còn hạn chế ở vùng sâu vùng xa hoặc các khu vực vẫn còn thiếu các dịch vụ thiết yếu, cũng như những ảnh hưởng kéo dài của Covid-19 đối với hệ thống y tế.

Để giải quyết các thách thức, Chính phủ nên khuyến khích các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân có thể tham gia vào thực hiện tiêm chủng thường xuyên. Chính quyền địa phương cần được hỗ trợ để triển khai các chiến lược tiêm chủng phù hợp để tiếp cận được với những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.

WHO và UNICEF kêu gọi Chính phủ tiếp tục nỗ lực tăng tốc tiêm các mũi vaccine bù cho trẻ em, đặc biệt là ở các cộng đồng khó tiếp cận. Chỉ một khoảng trống nhỏ trong bao phủ vaccine cũng có thể dẫn tới các đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm và gây thêm áp lực cho hệ thống y tế.

Nguồn: https://nhandan.vn/viet-nam-dat-duoc-nhieu-tien-bo-trong-viec-nang-cao-ty-le-tiem-chung-cho-tre-em-post894151.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm