Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Việt Nam - Pháp mở rộng hợp tác khoa học, công nghệ và đào tạo

(Chinhphu.vn) - Các thỏa thuận cho thấy quyết tâm của Việt Nam và Pháp trong việc đa dạng hóa nội dung, làm sâu sắc cơ chế hợp tác, hướng tới hình thành các chương trình chiến lược chung giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đào tạo nhân lực.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ27/05/2025

Việt Nam - Pháp mở rộng hợp tác khoa học, công nghệ và đào tạo- Ảnh 1.

Ký kết kế hoạch hành động giữa Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam – Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) giai đoạn 2025 - 2028 - Ảnh: VGP/TG

Chiều 27/5, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã có buổi làm việc với Đoàn các viện nghiên cứu quốc gia và trường đại học hàng đầu của Cộng hòa Pháp.

Đây là hoạt động bên lề trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Việt Nam từ ngày 25-27/5/2025.

Phát biểu tại buổi làm việc, GS.VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác lâu dài, bền chặt giữa Viện Hàn lâm và các tổ chức khoa học của Pháp, bắt đầu từ năm 1983 với việc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) trở thành tổ chức khoa học phương Tây đầu tiên ký kết hợp tác với một viện nghiên cứu quốc gia Việt Nam.

Từ đó, quan hệ hợp tác này đã không ngừng mở rộng với các đối tác như: Viện Nghiên cứu vì sự Phát triển (IRD), Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ quốc gia Pháp (CNES), Viện Nghiên cứu quốc gia về Khoa học và Công nghệ biển (IFREMER), Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Pháp, cùng mạng lưới đại học hàng đầu như Paris 6, Sorbonne, Paris-Saclay…

Buổi làm việc là dịp để hai bên cùng nhìn lại những thành quả hợp tác nổi bật trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, môi trường biển, năng lượng, trí tuệ nhân tạo và công nghệ vũ trụ, đặc biệt là các mô hình phối hợp đào tạo giữa Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các trường đại học Pháp.

Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm và có buổi đối thoại cởi mở, thân tình với sinh viên và giảng viên Trường USTH, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và cam kết của Chính phủ Pháp trong việc đồng hành phát triển USTH - một biểu tượng của hợp tác giáo dục và khoa học giữa hai quốc gia.

GS.VS. Châu Văn Minh kỳ vọng buổi làm việc sẽ mở ra những định hướng hợp tác mới, mang tính chiến lược và thiết thực hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang triển khai Kế hoạch hành động Việt Nam - Pháp nhằm hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia. 

Việt Nam - Pháp mở rộng hợp tác khoa học, công nghệ và đào tạo- Ảnh 2.

Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cam kết đồng hành cùng các đối tác Pháp hiện thực hóa các thỏa thuận đã ký kết - Ảnh: VGP/TG

Tại buổi làm việc, GS.TS. Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối giữa đào tạo và nghiên cứu. 

Ông đề xuất hai bên đẩy mạnh mô hình "đào tạo gắn với nghiên cứu", đặc biệt ở bậc sau đại học, gắn kết giữa USTH với các viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm; mở rộng chương trình đồng hướng dẫn tiến sĩ, hướng tới mô hình đào tạo đồng cấp bằng với các đối tác Pháp; duy trì và mở rộng các trường khoa học quốc tế (Science Schools) cùng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp và các đối tác khác, tiến tới hình thành phòng thí nghiệm hỗn hợp trên nhiều lĩnh vực.

GS. Chu Hoàng Hà cũng đề xuất thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ; thí điểm các mô hình kết hợp giữa viện nghiên cứu Việt – Pháp – USTH – doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ; phối hợp phát triển năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng tái tạo, môi trường biển, AI, dữ liệu lớn...

Về phía Pháp, GS. Antoine Petit, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) khẳng định cam kết hợp tác bền vững và ngày càng sâu rộng với Việt Nam. 

GS. Antoine Petit cũng nhắc lại thỏa thuận hợp tác đầu tiên từ hơn 40 năm trước như một minh chứng cho mối quan hệ bền vững giữa hai bên. Đồng thời đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam, đặc biệt là nguồn lực nhân lực trẻ và nhu cầu đào tạo đại học lớn, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng trao đổi học thuật, thu hút du học sinh Việt Nam sang Pháp cũng như khuyến khích sinh viên Pháp đến học tập tại Việt Nam.

Ông đề xuất các hình thức hiệu quả để kết nối giáo dục và nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung, chuyển giao kết quả nghiên cứu, để các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng phát huy được giá trị...

Trong khuôn khổ buổi làm việc, hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng, bao gồm: Kế hoạch hành động giữa Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam – Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) giai đoạn 2025 - 2028; Biên bản ghi nhớ giữa Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam – Đại học Paris Cité; Kế hoạch hợp tác USTH – Viện Nghiên cứu vì sự Phát triển (IRD); Thỏa thuận triển khai dự án nghiên cứu chung giữa USTH, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp và Viện Khoa học vật liệu.

Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cam kết đồng hành cùng các đối tác Pháp để hiện thực hóa các thỏa thuận đã ký, triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác, góp phần vào sự phát triển khoa học, công nghệ và giáo dục của cả hai nước, cũng như tăng cường tình hữu nghị Việt - Pháp ngày càng bền chặt. 

Thu Giang


Nguồn: https://baochinhphu.vn/viet-nam-phap-mo-rong-hop-tac-khoa-hoc-cong-nghe-va-dao-tao-102250527170809754.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm