Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vùng trồng sầu riêng xuất khẩu lớn nhất Đồng Nai

Với diện tích hơn 3,6 ngàn hécta sầu riêng, Tân Phú đang là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất tỉnh Đồng Nai. Huyện hình thành nhiều vùng chuyên canh sầu riêng có quy mô diện tích lớn, chất lượng ngon như: Phú An, Phú Sơn, Phú Lộc, Nam Cát Tiên, Phú Xuân, Thanh Sơn...

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai13/05/2025

Doanh nghiệp thăm vùng trồng sầu riêng xuất khẩu tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phú Sơn (xã Phú Sơn, huyện Tân Phú). Ảnh: B.Nguyên

Trong đó, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Phú Sơn (ở xã Phú Sơn) tuy mới thành lập nhưng đã tập hợp được nhiều thành viên đầu tư trồng sầu riêng với diện tích lớn. Hiện HTX này đã phát triển được khoảng 480 hécta sầu riêng, trong đó 350 hécta đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc. Đây là HTX có diện tích được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu lớn nhất tỉnh, trong đó chủ yếu là giống Dona.

Trồng đặc sản sầu riêng Dona

Dona là đặc sản sầu riêng có tiếng nhất của Đồng Nai, do một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất và đã được đưa vào bộ giống quốc gia. Thương hiệu đặc sản này không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết tiếng, sầu riêng giống Dona còn được xuất khẩu đi những thị trường khó tính, tiêu biểu nhất là xuất khẩu được vào thị trường Hoa Kỳ. Thương hiệu sầu riêng Dona không chỉ được đăng ký sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, mà cả ở nhiều nước trên thế giới.

Theo nhiều nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh, sầu riêng Dona khó chăm sóc hơn một số giống sầu riêng khác. Nhưng thổ nhưỡng ở xã Phú Sơn nói riêng, huyện Tân Phú nói chung khá phù hợp cho giống sầu riêng Dona phát triển. Xã Phú Sơn và huyện Tân Phú đang tập trung phát triển giống sầu riêng đặc sản này. Đây là giống đặc sản cho chất lượng ngon, khó chăm sóc hơn nhiều giống sầu riêng khác nên giá bán hiện cao hơn hẳn so với mặt bằng chung ngoài thị trường. Cụ thể, sầu riêng Dona được thương lái mua với mức giá cao hơn khoảng 20 ngàn đồng/kg so với sầu riêng Ri6.

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thịnh Bách (ở Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng với sản lượng lớn. Doanh nghiệp này đang nỗ lực kết nối với các vùng trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh để tìm nguồn sầu riêng đạt chuẩn cung cấp cho thị trường xuất khẩu.

Đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thịnh Bách nhận xét, sầu riêng Dona cho chất lượng thơm ngon hơn nhiều giống sầu riêng khác; vị thơm đặc trưng, cơm sầu riêng dày và khô ráo, có thể tách hạt khỏi phần thịt quả mà không dính tay, vị ngọt đậm đà. Đặc biệt, lợi thế lớn nhất của giống sầu riêng này là thời gian bảo quản được lâu hơn. Cụ thể, sầu riêng Ri6 đã chín chỉ để được khoảng 2 ngày, trong khi sầu riêng Dona trong môi trường mát có thể để được 10 ngày mà chất lượng vẫn ngon.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Phú NGUYỄN HỮU PHÚC, huyện phát triển nhanh diện tích sầu riêng, nhất là giống đặc sản Dona. Địa phương rất mong thu hút được những doanh nghiệp xuất khẩu đầu tư bài bản với mục tiêu gắn kết lâu dài với nông dân, hướng đến sự phát triển bền vững.

Xây dựng vùng trồng quy mô lớn, an toàn

Chia sẻ câu chuyện xây dựng vùng trồng sầu riêng với quy mô lớn, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Sơn, cho biết HTX thành lập từ năm 2022, có 8 thành viên. HTX đã phát triển được diện tích sầu riêng khoảng 480 hécta, được trồng theo quy trình VietGAP. Trong đó có 350 hécta đã được cấp mã số vùng trồng, diện tích còn lại đang tiếp tục làm mã số vùng trồng. Ngoài ra, HTX đang liên kết với nhiều nông dân trồng sầu riêng tại một số địa phương khác trên địa bàn huyện làm mã số vùng trồng, xây dựng những vùng chuyên canh sầu riêng theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Theo ông Trần Văn Sơn, hiện đa số nông dân trong xã chủ yếu vẫn bán cho thương lái theo hình thức bao vườn. Khi thương lái bao vườn sẽ xảy ra tình trạng sầu riêng được giá thì thương lái cắt non, giá thấp thì họ cắt trễ. Cắt non thì chất lượng sầu riêng không đảm bảo, cắt trễ thì tỷ lệ hao hụt nhiều, điều này đều ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân làm ra sản phẩm. Khó khăn hiện nay là xã Phú Sơn chưa có cơ sở đóng gói, huyện Tân Phú có rất ít cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu. HTX đã tìm được quỹ đất và đang làm mã số cơ sở đóng gói với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến đóng gói, tiêu thụ sản phẩm cho xã viên.

Ông Nguyễn Văn Hiến, nông dân có hơn 3 hécta trồng sầu riêng Dona tại xã Phú Sơn, chia sẻ: “Khi bắt tay vào trồng sầu riêng, nông dân rất quan tâm tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc, quy trình làm ra trái sầu riêng ngon, an toàn. Nông dân nghe nói nhiều đến câu chuyện cắt non sầu riêng gây ảnh hưởng đến chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín sầu riêng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, ở khâu thu mua, thương lái có toàn quyền chi phối. Nông dân rất mong có doanh nghiệp về hợp tác lâu dài, bao tiêu sản phẩm cho nông dân”.

Bình Nguyên

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/trang-dia-phuong/202505/vung-trong-sau-rieng-xuat-khau-lon-nhat-dong-nai-fd51bf5/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm