Phan Sung (Phan Văn Mua), sinh năm 1932, quê quán Vinh Hiền, Phú Lộc,Thừa Thiên Huế. Tên thật của Ông là Phan Văn Mua (Đứa con có mặt trên đời này là cha mẹ đi “mua” đi “xin”) vì trước đó ông có hai chị gái đều đã chết hồi bé, cha mẹ phải đi xin khắp đền chùa mới sinh ra ông. Tên Phan Sung là cha mẹ đặt sau này.
Năm 1948, khi ông được 16 tuổi ông bỏ học đi tham gia cách mạng, học lớp cứu thương ở chiến Khu Dương Hòa. 17 tuổi ông đi lính Vệ Quốc. Cha mẹ thương con đứt ruột nhưng vẫn phải để ông lên đường. Nhập ngũ tháng 5/1950, ông Phan Sung (Phan Văn Mua) biên chế vào tiểu đoàn 231 làm lính biệt động tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1954 ông đã tập kết ra Miền Bắc trong giai đoạn giãm quân bị, lính Vệ Quốc đi xây dựng nhà máy, công xưởng.
Đến tháng 8/1967 sau khi tốt nghiệp Đại Học Y Hà Nội (chuyên khoa Da liễu), ông trong tổng số hai trăm cán bộ được chọn đi huấn luyện những kỹ năng cần thiết để vào chiến trường Miền Nam. Sau đợt đào tạo, ông vào tiếp quản Bệnh viện Đà Nẵng ở đặc khu Quảng Đà. Chiến dịch Mậu Thân 1968 nổ ra, ông là trưởng Đội Phẫu thuật X13 tại Hoà Hải, Hoà Vang, Quảng Đà. Đến cuối năm 1969, ông lại được phân về Đội Phẫu thuật X14 ở Duy Xuyên – Xuyên Thanh – Gò Nổi – Quảng Đà. Trong buổi bàn giao công việc giữa hai đội phẫu thuật, nhóm ông rơi vào trận càn của địch. Ông nằm trong 9 người bị bắt. Đó là chiều ngày 13/5/1970.
Sau khi bị địch bắt năm 1970, chúng giải ông đi hơn 10 nhà tù ở Quảng Đà, vừa tra khảo vừa vận động chiêu hồi nhưng không khuất phục được. Cuối cùng, chúng bất lực chuyển ông rời khỏi Đà Nẵng vào Sài Gòn giam ở nhà lao Cây Me trên đường Bạch Đằng. Do nắm được lý lịch của Bác Sỹ Phan Sung từ trước, nên giờ đây chúng huy động sẵn những người bà con, họ hàng của bác sỹ Phan Sung đang ở trong bộ máy của chính quyền Sài Gòn đến để chiêu hồi ông. Đặc biệt đám người này nhắm vào vấn đề nhạy cảm nhất, là cha mẹ già yếu của Ông đang ở trong vùng kiểm soát của chế độ Sài Gòn, họ hết lời vận động ông rời bỏ hàng ngũ cách mạng, ông sẽ được sống tự do giữa thành phố, cũng sẽ tiếp tục làm bác sỹ chữa bệnh cứu người, không cần tham gia vào một tổ chức chính trị nào, không cần tham gia vào bộ máy công quyền …khi đó sẽ đưa vợ con ông từ ngoài Bắc vào để đoàn tụ…Nếu ông không nghe lời thỉnh cầu này mà cứ một mực chống trả, thì không những bản thân ông mà cha mẹ ông ở địa phương cũng không được yên. Nói rồi bọn người này còn trâng tráo lấy số đo của ông để đi đóng giày, dép, may quần áo chuẩn bị cho ông về với chính nghĩa Quốc gia. Ông xổ toẹt vào cái thứ chính nghĩa đó. Chiêu hồi mãi không được, kẻ địch tức giận lại đưa ông lên máy bay quay trở về Đà Nẵng, lại tiếp tục bị giam vào nhà lao biệt khu chờ ngày ra Tòa án Quân sự Vùng Một chiến thuật để lãnh án.
Ngày 17/5/1971 chúng đưa ông ra toà án binh, kết án 8 năm tù ” cấm cố và lưu đày biệt xứ” can tội phản nghịch Quốc gia và đày Bác sĩ Phan Sung ra Côn Đảo. Tại Côn Đảo, nhiều tù nhân cũng là bác sĩ, phút đầu gặp nhau bác sĩ Minh Triết người Quảng Nam nói riêng với bác sĩ Phan Sung rằng: ” Tổ chức nội bộ nhà tù bảo anh không được tham gia đấu tranh, hãy giữ chừng mực để có đường mà đi lại chữa bệnh cho anh em…”. Nhận được “chỉ thị” sớm nên bác sĩ Phan Sung cứ lặng lẽ chờ thời cơ. Khoảng một tháng sau, bác sĩ Phan Sung được bổ sung vào đội ngũ tù “áo trắng”, thường lui tới Ty Y tế của tỉnh Côn Sơn để liên hệ xin thuốc men về chữa bệnh cho anh em. Mỗi lần đi như vậy đều có ít nhất một cảnh sát và một trật tự viên đi kèm. Cái thứ trật tự viên này đáng gờm hơn cả cảnh sát. Bởi bản thân trật tự viên là tù nhân được kẻ địch tin tưởng giao nhiệm vụ giám sát anh em tù. Cũng có anh em tù chấp nhận hi sinh, chịu khuất phục tuyệt đối để được tin dùng, được chọn làm trật tự viên để có điều kiện ngầm giúp đỡ anh em tù trong sinh hoạt, cơm nước, tắm rữa, khi ốm đau và cả khi chuyển giao tài liệu giữa các trại…Nhưng không khéo, sớm muộn địch phát hiện sẽ triệt tiêu ngay. Ở đây phần lớn trật tự viên đều gian ác, bởi vì những người này ra vào nhà tù như cơm bữa, vì họ là những tên trộm cướp, đâm thuê chém mướn chuyên nghiệp. Chính vì thế nên khi sử dụng những người này làm trật tự viên tại nhà tù Côn Đảo bọn địch rất an tâm và tin tưởng.
Tại Ty Y tế Côn Sơn bác sĩ Phan Sung được gặp và làm quen với nhiều đồng nghiệp đến từ những Trại tù khác trên đảo. Thuốc của y tế cấp cho bệnh nhân tù rất hạn chế mà bệnh của anh em tù nhân thì nhiều. Bệnh nhân ngày một nhiều do chế độ dinh dưỡng nhà tù quá tồi tệ, vừa bị tra tấn dã man, thân thể đầy thương tích. Có người cùng một lúc mắc nhiều bệnh, nên anh em y bác sĩ tù phải luôn tìm thêm những nguồn dược liệu thiên nhiên từ cây cỏ. Trên đường đi xin thuốc rồi về các trại tù để chữa bệnh cho anh em, bác sĩ Phan Sung ông luôn để mắt quan sát từng ngọn cỏ, hoa trái dại dọc ven đường. Một lần ông bắt gặp cây đàn Guitare bị hư người ta vứt bỏ, ông đã nhặt lấy cắt bộ dây rồi tạo thành những bộ kim châm cứu cho anh em tù, kết hợp với xoa bóp, bấm huyệt, nên đã đẩy lùi được một số căn bệnh làm anh em tù rất phấn khởi. Và cũng trên đường đi kiếm thuốc chữa bệnh bác sĩ Phan Sung được ông Bảy Tấn trao cho một tài liệu nói rằng do một bạn tù chính trị người Hoa đưa cho. (Ông Bảy Tấn về sau làm thư ký cho thủ tướng Võ Văn Kiệt). Tài liệu nói về một bác sĩ Trung Quốc đã dùng máu gà tiêm vào người như một thứ Philatop… Nhận được tài liệu, bác sĩ Phan Sung nghiên cứu thật kỹ. Lịch sử ngành huyết học truyền máu thế giới chưa có y văn nào đề cập tới. Máu gà có thể truyền cho người được sao? Nhưng nghiên cứu kỹ y lý này ông thấy có cơ sở để tin tưởng. Trăn trở mãi rồi ông đi đến quyết định sẽ làm thí nghiệm chính trên bản thân mình.
Kim châm cứu
Thế là một hôm ông tìm được một con gà ưng ý rồi bắt đầu làm thủ thuật lấy máu gà tiêm cho mình. Khi mũi kim tiêm sắp cắm vào bắp tay, thì cái ý nghĩ mấy lâu nay cứ lặp đi lặp lại trong ông giây phút này dấy lên hết sức mãnh liệt: Nếu không có sự cố nào xảy ra thì đây là một thành công lớn ngoài tầm mơ ước, ông sẽ dùng máu gà để cứu chữa bệnh cho anh em bạn tù. Nếu có sự cố xảy ra thì sự hi sinh này của ông cũng không có gì ân hận. Là thầy thuốc, ông đã sống chết hết lòng vì người bệnh cho đến phút cuối cùng của cuộc đời…Và…ông đã tiêm hết lượng máu gà vào cơ thể. Rút kim tiêm ra, bác sĩ Phan Sung lắng nghe sự thay đổi trong cơ thể mình và chờ đợi. Nhưng… ông đã không chết. Bác sĩ Phan Sung không biết các nhà bác học đã hét lên sung sướng thế nào khi tìm ra được thành quả phát minh khoa học. Máu gà tiêm cho người không phải là phát minh khoa học của Ông, nhưng ông đã âm thầm thí nghiệm trên chính bản thân mình trong điều kiện hết sức khắc nghiệt…và ông lại tiếp tục tiêm máu gà vào cơ thể mình lần thứ hai, lần thứ ba…ông lắng nghe cơ thể mình đang dần dần chuyển hóa theo chiều hướng tích cực. Với niềm hạnh phúc to lớn này, ông đã đem niềm sung sướng đó chia sẽ với các đồng nghiệp, được các đồng nghiệp ủng hộ, bác sĩ Phan Sung bắt đầu đưa máu gà truyền vào cơ thể tù nhân. Nhưng ông vẫn dè dặt, chỉ chọn những bạn tù sức khỏe đã tận cùng suy kiệt, ngoắc ngoải, như một giải pháp tình thế, giải pháp cuối cùng. Nhưng ai cũng hết sức bất ngờ khi thấy sức khỏe của bạn tù này dần dần hồi phục. Từ đó ông mạnh dạn dùng máu gà truyền cho nhiều anh em tù, nhưng trên đảo tù nhân rất nhiều, gà đâu có đủ để láy máu truyền cho anh chị em? Từ đó đi đâu, làm gì ông cũng để mắt coi chổ đó người ta có nuôi gà không.
Tỉnh Côn Sơn lúc bấy giờ có một bệnh viện ở khu trung tâm để chăm lo sức khỏe cho công chức, binh lính và gia đình họ. Nhưng một số cảnh sát nhà tù mỗi khi mắc bệnh, hoặc vợ con họ mắc bệnh họ thường gọi các bác sĩ tù đến khám. Chữa lành bệnh xong họ thường có sự ưu ái với các bác sĩ tù. Cũng bằng con đường này mà bác sĩ Phan Sung được cậu con trai nhỏ yêu quí của viên cảnh sát được ông chữa khỏi bệnh biếu cho nguyên một ổ gà con mới nở mười hai con tròn trĩnh mạnh khỏe. Ông đã đem bầy gà con này về phân cho các trại nuôi để có việc mà dùng, kể cả Chuồng Cọp, Trại Bảy. Những tù nhân trong chuồng cọp rất đau đớn và căm phẫn chế độ nhà tù, họ đã ôm từng chú gà con làm bạn mà ngủ, họ trò chuyện, chia sẽ phần thức ăn tồi tệ, ít ỏi của mình để nuôi cho gà lớn lên…nhìn thấy cảnh này ông càng biết ơn cậu quí tử của viên cảnh sát. Ở Côn Đảo, Ông thường đi tới các trại giam để khám bệnh cho tù nhân, những lần đi về như vậy đều có cảnh sát và trật tự viên đi kèm để giám sát, nhưng anh em bạn tù vẫn mở được ” hộp thư” và đóng gửi vào ” hộp thư” những tài liệu mới để kịp thông tin giữa các trại tù với nhau. Hộp thư là ruột bút bi trên túi áo, là giấy bọc viên kẹo, là đế giày… dưới chân ông bác sĩ Phan Sung…
Tại nhà tù Côn Đảo đa số là tù chính trị chưa đến mức tử hình mà bị đày đi biệt xứ, lao động khổ sai, ăn uống thiếu chất, bị tra tấn dã man…những thứ thứ ấy tạo cho tù nhân mắc phải nhiều bệnh mà tự chết dần trong nhà tù là điều mà kẻ địch rất mong muốn. Nhưng thời gian gần đây một số tù nhân bệnh nặng, ngoắc ngoải, tận cùng kiệt sức, bỗng nhiên khỏi bệnh, sống mạnh mẽ và lao vào những đợt đấu tranh mới, làm cai ngục bắt đầu để ý và quan sát; Các trật tự viên tăng cường mật phục mọi lúc mọi nơi…Thế rồi, một báo cáo đầy đủ về bác sĩ Phan Sung do các trật tự viên gởi lên Ban An ninh. Một hôm ông bị gọi lên, bị một cảnh sát đánh phủ đầu trước khi đưa ra cho ông xem những văn bản tố cáo. Từ đó ” Hộp thư di động” – bác sĩ Phan Sung không được lui tới khám chữa bệnh cho anh em tù ở các trại như trước nữa, mà chỉ chuyên lo cho tù ở Trại bảy (Chuồng cọp kiểu Mỹ).
Với tinh thần là đồng nghiệp, vị bác sĩ trước của đảo được đưa về đất liền đã nắm tay ông dặn dò: “Nhiệm vụ của anh là chăm lo sức khoẻ cho anh em. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được để bị đưa vào biệt giam”. Ngày đó, anh em tù Côn Đảo sôi nổi đấu tranh chống chào cờ, chống thi hành kỉ luật nhà lao, đấu tranh để anh em được quản lý cấp dưỡng và trạm y tế, để bác sĩ của ta chữa bệnh. Là người tù “áo trắng”, đứng ngoài những cuộc đấu tranh anh dũng ấy, ông không khỏi day dứt, chỉ biết bù đắp bằng lòng tận tuỵ của một thầy thuốc, hết lòng cứu chữa cho những anh em tù binh bệnh tật, bị đánh đập dã man. Nhưng trong hoàn cảnh lao tù khắc nghiệt, ông không khỏi đau đớn nhìn nhiều đồng chí của mình chết dần, chết mòn.
Tháng 10/1971, chúa đảo bấy giờ là trung tá Cao Minh Tiếp cho gọi bác sĩ Phan Sung lên ban an ninh. Những người lên đó, lúc về được khiêng hoặc bò lết và thân hình đẫm máu.Tin nhanh chóng truyền vào Chuồng cọp, anh em ai cũng đều lo lắng cho bác sĩ Phan Sung. Nhưng ông Sung thì nguyên vẹn trở về, lại có kẹo và thuốc cho anh em. Có người nhìn ông đầy nghi ngờ.
Tại Dinh tỉnh trưởng, bác sĩ Phan Sung đã cố giữ bình tĩnh khi bước vào phòng khách. Cao Minh Tiếp đã mời ông ngồi và bắt đầu bằng câu hỏi: “Nghe nói bác sĩ có phương thuốc chữa bệnh bằng máu gà hay lắm, có đúng không?
-Dạ, đúng ạ.
– Cao Minh tiếp lại hỏi tiếp: ” Thuốc men Ty Y tế cấp cho tù nhân không đủ hay sao mà bác sĩ phải dùng đến phương thuốc lạ lùng ấy?”.
-Dạ thuốc được cấp đủ để chữa cho những bệnh thông thường, nhưng anh em tù phần đông mắc bệnh nặng, lại bị tra tấn dữ quá nên thương tích nhiều, cơ thể suy sụp, không thuốc men nào cứu nổi, nên tôi phải mò mẫm tìm kiếm…
….Và nhiều câu hỏi khác cũng như yêu cầu của bác sĩ xin được nuôi gà, qua trao đổi giữa bác sĩ Phan Sung và Cao Minh Tiếp. Sau một lúc đắn đo suy nghĩ Cao Minh Tiếp nói: “Ông là bác sĩ hết lòng lo cho bệnh nhân, lẽ nào tôi lại từ chối? Được! các ông cứ nuôi gà để lấy máu mà chữa bệnh, lấy thịt để làm thức ăn…”…
Nín lặng hồi lâu, Cao Minh Tiếp mới bảo: “Từ rày, bác sĩ cần gì cứ nói trực tiếp với tôi”. Nhân đó, bác sĩ Phan Sung đã yêu cầu Cao Minh Tiếp ra lệnh cho trưởng Trại 1 là Bảy Đức mở cửa cho hơn 1.000 tù binh đấu tranh tuyệt thực để họ được ra ngoài tắm giặt. Yêu cầu được thực hiện ngay. Từ đó về sau, việc khám chữa bệnh cho anh em tù binh của bác sĩ Sung được thuận lợi, nhiều anh em được cứu sống cũng nhờ đó. Mãi sau này, ông Sung mới có dịp thổ lộ cùng anh em cuộc đối mặt giữa ông với chúa đảo năm nào.
Theo tinh thần của Hiệp Định Paris 1973, thì ngày 14/2/1974 ông được trao trả về Lộc Ninh. Ông tiếp tục làm việc tại Bệnh viện Phong. Nhưng anh em, đồng nghiệp và bạn tù Côn Đảo cứ gọi ông là ” Bác sĩ máu gà“.
Ngày nay, tại Thành phố Huế Bác sĩ Phan Sung tóc nay đã bạc trắng nhưng vẫn chuyên tâm chữa bệnh cứu người. Cái tên “Bác sĩ máu gà” cùng những tình cảm của anh em cựu tù Côn Đảo năm xưa, giờ nhớ lại khiến ông cảm động. “Anh em vẫn hay đùa, chắc không phải tôi bị địch bắt mà Đảng cử tôi ra đảo để chăm sóc và cứu chữa cho anh em”./.
( Sưu tầm Nhà Tù Côn Đảo 1954-1975; Chuyện kể từ những Cựu tù chính Trị và của Hội Người tù yêu nước TP Huế).
Hằng Lê