Với những lợi thế về vị trí, khí hậu, cảnh quan, đến văn hóa, ẩm thực… Thanh Hóa hội tụ đầy đủ tiềm năng để trở thành khu vực du lịch trọng điểm của quốc gia. Thanh Hoá đang khai thác hiệu quả tiềm năng, tập trung nguồn lực để phát triển du lịch theo hướng xanh hoá, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Mảnh đất xứ Thanh mang đầy đủ đặc trưng của 3 vùng: trung du và miền núi, đồng bằng, ven biển với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, độc đáo. Đặc biệt, xứ Thanh có một số khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, đảo nổi tiếng như: Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, vườn quốc gia Bến En, đảo Nẹ, đảo Mê… là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm. Mỗi bản, làng đều là điểm dừng chân lý tưởng cho những du khách ưa thích kh ám phá tự nhiên, trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống, nét đẹp văn hóa bản địa.
Vùng ven biển, với đường bờ biển kéo dài từ huyện Nga Sơn đến thị xã Nghi Sơn, bờ biển phẳng với thềm lục địa tương đối nông và rộng từ lâu đã hình thành nhiều bãi tắm đẹp, hấp dẫn khách du lịch như: Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Hòa, bãi Đông (thị xã Nghi Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa)… Bên cạnh lợi thế về địa lý tự nhiên, các tiềm năng nhân văn cho phát triển du lịch nông thôn cũng rất đa dạng và phong phú. Xứ Thanh – miền di sản, ẩm thực, nghề và làng nghề truyền thống đặc trưng, tiêu biểu. Tất cả như lời mời gọi “xanh mát”, đằm thắm, ân tình… đưa du khách về với xứ Thanh.
Phù Luông, viên ngọc xanh của du lịch Thanh Hoá. Ảnh: Internet
Khu du lịch sinh thái Pù Luông (Bá Thước) không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành, những khu ruộng bậc thang uốn nét mềm mại hay những cánh rừng thăm thẳm, ngọn núi, đồi điệp trùng, nhấp nhô, thác Hiêu ào ào nước đổ, những điệu múa xòe hoa, thanh âm khua luống hay men say rượu cần… Những năm gần đây, sự xuất hiện của những homestay tiện nghi, hiện đại mà vẫn gần gũi, hòa mình với thiên nhiên đã đưa Pù Luông trở thành địa điểm du lịch xanh, du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng nổi tiếng, thu hút không chỉ du khách trong nước mà cả khách quốc tế. Nhiều năm nay, Pù Luông đã trở thành “điểm hẹn” của Giải chạy Marathon băng rừng Việt Nam (Vietnam Jungle Marathon), thu hút sự tham gia của hàng nghìn lượt VĐV, du khách trong nước và quốc tế. Sức hấp dẫn từ Khu du lịch sinh thái Pù Luông đã góp phần quan trọng vào kết quả hoạt động du lịch, các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới của huyện Bá Thước nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung thời gian qua.
Huyện Thường Xuân nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa gần 60km, đây là vùng đất giàu tiềm năng du lịch và phát triển nông, lâm nghiệp. Ảnh: Internet
Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Khu BTTN) Thường Xuân là một trong những trung tâm đa dạng sinh học lớn của Việt Nam với đỉnh Pù Gió cao 1.620m, hồ Cửa Đạt mênh mông, dòng sông Chu hiền hòa, thác Yên thơ mộng, thác Thiên Thủy hùng vĩ tráng lệ… bên những cánh rừng nguyên sinh hoang sơ với nhiều loài động, thực vật quý hiếm… Len lỏi trên những con đường mòn xuyên rừng dưới ánh sáng của vài vạt nắng hắt qua tán cây, du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy những cánh rừng nguyên sinh cổ thụ đường kính đến 4m, vút tầm cao trên 60m, hay những loài nấm lạ, những nhánh hoa rừng mang hương sắc quyến rũ, hàng trăm loài cây dược liệu, phong lan quý… Nếu may mắn, du khách sẽ bắt gặp những loài động vật như: Vượn đen má trắng, Voọc xám… trong đời sống tự nhiên hoang dã.
Khám phá hồ Cửa Đạt – thác Yên trên du thuyền chạy dài hơn 10km hay hành trình chinh phục thác Thiên Thủy hứa hẹn mang đến cho du khách những kỷ niệm khó quên. Sau khi đã háo hức bên những cánh rừng nguyên sinh, mê mải thả hồn trên lòng hồ Cửa Đạt, để tâm mình tĩnh lặng trước di tích lịch sử – văn hóa, tâm linh, bước chân du khách tìm đến những bản làng du lịch cộng đồng bản Mạ (thị trấn Thường Xuân), bản Vịn (xã Bát Mọt) yên bình giữa không gian đại ngàn.
Để “ngành công nghiệp không khói” thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển du lịch với quan điểm nhất quán là “không đánh đổi môi trường”, thu hút đầu tư du lịch phải hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo sự hài hòa giữa mục tiêu kinh tế với mục tiêu xã hội, gìn giữ những giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước – doanh nghiệp- người dân. Ưu tiên phát triển 3 loại hình sản phẩm có thế mạnh gồm: du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch di sản văn hóa, tâm linh.
Trong đó, việc làm thường xuyên là đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch; bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, không ngừng xây dựng uy tín, thương hiệu và sức hấp dẫn của du lịch Thanh Hóa./.
Diêm Giang