Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xây dựng các trung tâm dữ liệu: Thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia

Từ năm 2014 đến nay, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam khởi sắc, khi lần lượt các doanh nghiệp lớn ngành viễn thông cho ra đời những trung tâm dữ liệu “Make in Vietnam”. Các trung tâm dữ liệu sẽ đóng vai trò “xương sống” cho quá trình chuyển đổi số, cung cấp nền tảng để lưu trữ, xử lý, phân tích và chia sẻ dữ liệu một cách hiệu quả.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng08/05/2025

Dịch chuyển từ ngoại sang nội

Mới đây tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, TPHCM), Tập đoàn Viettel đã khởi công trung tâm dữ liệu (DC) có công suất thiết kế 140MW, thuộc tốp 10 Đông Nam Á. Dự án được triển khai trên diện tích gần 4 hecta, cho phép lắp đặt khoảng 10.000 tủ rack (tủ lắp đặt servers), dự kiến hoạt động giai đoạn 1 từ quý 1-2026 và hoàn thành toàn bộ dự án trước năm 2030. Khi hoàn thành, đây là trung tâm dữ liệu đầu tiên của Việt Nam đạt công suất trên 100MW, còn gọi là quy mô siêu lớn, tương đương các trung tâm dữ liệu lớn trên thế giới.

H1d.jpg
Một ca làm việc tại khu vực giám sát ở Trung tâm dữ liệu của Tập đoàn CMC tại quận 7, TPHCM

Trước đó, tháng 4-2024, Viettel cũng xây dựng trung tâm dữ liệu với công suất 30MW, đáp ứng quy mô hơn 2.400 tủ rack tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (TP Hà Nội), là trung tâm dữ liệu có công suất lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. “Trung tâm dữ liệu quy mô siêu lớn tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung không phải một công trình đơn lẻ mà là mảnh ghép có tầm quan trọng chiến lược trong bức tranh tổng thể về hạ tầng số mà Viettel đang tiếp tục tạo dựng”, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel, cho biết. Hiện tập đoàn có 15 trung tâm dữ liệu hoạt động ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Dương.

Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam hiện do các công ty viễn thông trong nước “thống trị”, như VNPT, Viettel IDC, FPT Telecom, CMC Telecom, VNG… với sự tăng trưởng đáng kể về nhu cầu dịch vụ đám mây và phân tích dữ liệu lớn. Tốc độ tăng trưởng hàng năm về thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam khoảng trên 15%/năm và Việt Nam đang là một trong 10 thị trường trung tâm dữ liệu mới nổi trên thế giới.

Những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp trong nước đầu tư hàng ngàn tỷ, thậm chí chục ngàn tỷ đồng để xây các trung tâm dữ liệu đạt chuẩn quốc tế, tạo sự chủ động cho hạ tầng internet trong nước cũng như sẵn sàng cạnh tranh quốc tế. Điều này góp phần thay đổi môi trường làm chủ dữ liệu, doanh nghiệp trong nước chứa dữ liệu của mình ngay trong nước thay vì phải chứa dữ liệu ở các công ty nước ngoài.

Chẳng hạn, trung tâm dữ liệu của VNG (VNG Data Center) có diện tích sàn sử dụng lên đến 12.400m2 tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM) đã sẵn sàng các nền tảng dịch vụ kỹ thuật số, lưu trữ dữ liệu an toàn và các giải pháp điện toán đám mây đặc thù cho khách hàng tại Việt Nam. Bước đầu, VNG Data Center sẽ cung cấp 410 tủ rack, tùy nhu cầu sẽ mở rộng lên đến 1.600 tủ rack để đáp ứng kịp thời sự tăng trưởng được kỳ vọng là mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Thực hiện chiến lược tài nguyên số

Cả nước hiện có 33 trung tâm dữ liệu và 49 nhà cung cấp dịch vụ, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam khởi sắc từ năm 2024, khi lần lượt các doanh nghiệp lớn ngành viễn thông đều cho ra đời những trung tâm dữ liệu “Make in Vietnam”. Theo thống kê từ Công ty nghiên cứu thị trường W&S Market Research, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam dự kiến đạt mức 1,03 tỷ USD vào năm 2028, hơn 1,26 tỷ USD năm 2030, tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8% mỗi năm.

H4a.jpg
Kỹ sư của Viettel trong ca làm việc tại Hệ thống giám sát trung tâm dữ liệu

Theo ông Vũ Thế Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, các trung tâm dữ liệu trong nước với quy mô lớn được đưa vào hoạt động đã thúc đẩy tiến trình chuyển đổi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là thúc đẩy chuyển đổi số. Các trung tâm dữ liệu cũng đón đầu những nhu cầu từ nước ngoài chuyển về Việt Nam theo làn sóng đầu tư nước ngoài và xu thế chuyển dịch nội dung về gần người dùng internet Việt Nam của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung toàn cầu.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch điều hành Tập đoàn công nghệ CMC, chia sẻ: “Trung tâm dữ liệu CMC (quận 7, TPHCM) với vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, là trung tâm dữ liệu hiện đại và an toàn bậc nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Trung tâm cũng phục vụ mục tiêu phát triển của TPHCM là đến năm 2030 trở thành thành phố dịch vụ chất lượng cao, công nghệ hiện đại, dẫn đầu về phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Đại diện Viettel cho biết, dự án trung tâm dữ liệu tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung là điểm trung chuyển dữ liệu thu hút các doanh nghiệp nước ngoài về Việt Nam như Microsoft, Google và Amazon… và là điểm kết nối băng thông rộng từ TPHCM đi các điểm trên thế giới. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đánh giá trung tâm dữ liệu của Viettel ở huyện Củ Chi có thể trở thành nơi trung chuyển dữ liệu quan trọng, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ toàn cầu đến đầu tư và hoạt động tại Việt Nam, kỳ vọng sẽ là động lực giúp TPHCM phát triển hạ tầng số, xây dựng đô thị thông minh và chính quyền số…

Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 2-2-2024 phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký có nội dung về phát triển hạ tầng dữ liệu khá cụ thể. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 là 100% các trung tâm dữ liệu quốc gia, trung tâm dữ liệu vùng, khu vực, trung tâm cấp quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao trên cả nước được bảo đảm kết nối thành công, tạo thành một mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của đất nước.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/xay-dung-cac-trung-tam-du-lieu-thuc-day-nhanh-qua-trinh-chuyen-doi-so-quoc-gia-post794205.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm