Giám đốc Sở Y tế Diệp Thị Minh Quyết thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lựu (102 tuổi) ở xã Bến Quan - Ảnh: V.T
- Xin bà cho biết trong quá trình sáp nhập, Sở Y tế Quảng Trị gặp những thuận lợi, khó khăn gì?
Cũng như nhiều đơn vị khác, sáp nhập là một cuộc cách mạng. Đối với ngành y tế tỉnh, đây vừa là thử thách vừa mở ra nhiều cơ hội cho ngành trong quá trình hội nhập và phát triển.
Thách thức lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt là việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy và nhân sự. Sau sáp nhập, ngành y tế có 45 cơ quan, đơn vị. Từ việc thống nhất các quy trình làm việc, chuẩn hóa các văn bản hành chính, đến việc bố trí lại vị trí công tác cho cán bộ, nhân viên y tế... đều phải được cân nhắc, tính toán khoa học, hiệu quả, hợp lý. Ban đầu, có một số xáo trộn nhỏ và sự lo lắng nhất định trong đội ngũ, nhưng đơn vị đã nỗ lực để ổn định tinh thần anh em.
Một vấn đề khác là việc hợp nhất cơ sở vật chất và hệ thống thông tin, chuyển đổi số. Ngành cần thời gian để tích hợp các hệ thống quản lý, đồng bộ dữ liệu bệnh án và bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tốt nhất cho công tác khám, chữa bệnh (KCB).
Việc thay đổi nơi làm việc, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) có những sự xáo trộn ban đầu. Dù còn những vướng mắc và không tránh khỏi sự lúng túng, nhưng sở luôn đặt mục tiêu bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế cho người dân không bị gián đoạn.
Bên cạnh những khó khăn, việc sáp nhập đã mang lại cơ hội rất lớn để ngành tập trung, tối ưu hóa nguồn lực về nhân sự, tài chính, trang thiết bị. Điều này giúp ngành nâng cao năng lực quản lý điều hành một cách tập trung, đồng bộ và có tầm nhìn chiến lược hơn.
Việc hợp nhất cũng tạo điều kiện để phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao, chuyên sâu. Chúng tôi có thể điều phối nhân lực và thiết bị giữa các đơn vị để hình thành những trung tâm chuyên môn mạnh hơn, giảm thiểu tình trạng bệnh nhân phải chuyển tuyến lên trung ương, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân. Từ quá trình này, ngành cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm về công tác tổ chức, quản lý và đặc biệt là tầm quan trọng của việc truyền thông nội bộ để tạo sự đồng thuận trong giai đoạn chuyển đổi.
- Trong bối cảnh mới, những định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm của ngành thời gian tới là gì, thưa bà?
Định hướng chiến lược của ngành là xây dựng một hệ thống y tế đồng bộ, công bằng và hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm. Tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở; phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới tại các cơ sở KCB. Không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu KCB, ngành còn chủ động trong công tác y tế dự phòng, nâng cao năng lực trong việc giám sát, phát hiện, xử lý, tăng cường sức khỏe cộng đồng.
Để cụ thể hóa định hướng này, ngành đề ra các nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là nâng cao chất lượng KCB. Sở sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống trang thiết bị đáp ứng yêu cầu chuyên môn và đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nâng cao “tay nghề”, rèn y đức. Tăng cường các hoạt động học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, chuyển giao kỹ thuật. Mục tiêu là từng bước làm chủ các kỹ thuật khó, giảm thiểu tỉ lệ chuyển tuyến để người dân Quảng Trị có thể điều trị ngay tại tỉnh.
Thứ hai là ưu tiên phát triển y tế cơ sở và y tế dự phòng. Đây là nền tảng của hệ thống y tế. Ngành sẽ tăng cường năng lực cho các trạm y tế xã, phường nhằm bảo đảm y tế gần dân, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình tiêm chủng mở rộng; phòng, chống bệnh không lây nhiễm; nâng cao hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh và sức khỏe cộng đồng.
Nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Ngành sẽ ưu tiên việc số hóa hồ sơ bệnh án, triển khai KCB từ xa, để nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân. Đây là chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Y tế đã giao cho ngành y tế và chúng tôi đang quyết tâm hoàn thành việc triển khai bệnh án điện tử trước 30/9/2025.
Một nhiệm vụ có tính đặc thù đó là tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho vùng khó khăn, khi mà tỉnh Quảng Trị mới có nhiều địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, đặc khu, vùng đặc biệt khó khăn. Ngành sẽ đề xuất các chính sách, giải pháp để hỗ trợ các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa nhằm bảo đảm mọi người dân dù ở đâu, cũng đều được tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản và kịp thời.
Ngành Y tế đang đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ bệnh án - Ảnh: H.L
- Để vận hành ổn định, trôi chảy hệ thống y tế từ tỉnh đến tận thôn, xã, ngành có giải pháp cụ thể gì, thưa bà?
Việc ổn định tình hình sau sáp nhập là vô cùng cấp bách. Phương châm xuyên suốt mà ngành đặt ra là “Đoàn kết - Kỷ cương - Thích ứng - Phát triển”. Vì vậy, chúng tôi tập trung xây dựng khối đoàn kết, tạo sự đồng lòng, chia sẻ giữa toàn thể cán bộ, công chức, viên chức.
Mọi khó khăn, vướng mắc đều được lắng nghe, trao đổi công khai để cùng tìm giải pháp. Duy trì kỷ luật, kỷ cương trong mọi hoạt động, bảo đảm mọi quy trình được thực hiện đúng quy định, tạo sự ổn định và minh bạch.
Mặt khác, sở khuyến khích sự chủ động, linh hoạt của các đơn vị, cá nhân trong việc thích nghi với bộ máy mới, quy trình mới. Đây là yếu tố quan trọng để vượt qua những thách thức ban đầu, sớm ổn định và vận hành trôi chảy hệ thống y tế từ tỉnh đến tận thôn, xã. Cuối cùng, mọi nỗ lực đều hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu CSSK của Nhân dân.
Để sớm ổn định, chúng tôi đã và đang triển khai các giải pháp cụ thể, tập trung giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn và không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn, quy mô hơn, có chiều sâu hơn.
Thời gian tới, chắc chắn sẽ có rất nhiều công việc cần làm, chúng tôi quyết tâm sẽ nỗ lực hết sức để ngành y tế Quảng Trị sớm ổn định, phát triển vững mạnh, xứng đáng là lực lượng chủ công trong thực hiện nhiệm vụ CSSK Nhân dân trên địa bàn.
Trong bối cảnh vừa mới sáp nhập với khối lượng công việc rất lớn, áp lực rất cao và không ít vướng mắc phát sinh, vì vậy rất mong có được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, sự chia sẻ, phối hợp của các ngành, đặc biệt là chính quyền cấp xã trong việc vận hành theo cơ chế mới nhằm bảo đảm công tác CSSK vẫn duy trì ổn định, người dân được tiếp cận với các dịch vụ ngày càng tốt hơn.
- Xin cảm ơn bà!
Hương Lê (thực hiện)
Nguồn: https://baoquangtri.vn/xay-dung-he-thong-y-te-lay-nguoi-dan-lam-trung-tam-196022.htm
Bình luận (0)