Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xử lý trụ sở dôi dư, tận dụng tài sản công sau sáp nhập tỉnh

(Chinhphu.vn) - Trong tiến trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là phương án sử dụng, xử lý khối lượng lớn trụ sở, tài sản công dôi dư cũng như việc tổ chức, kiện toàn bộ máy chính quyền sau sáp nhập.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ10/05/2025

Xử lý trụ sở dôi dư, tận dụng tài sản công sau sáp nhập tỉnh- Ảnh 1.

Các địa phương có phương án xử lý trụ sở bị dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh - Ảnh minh họa

Báo cáo tổng hợp của Bộ Nội vụ cho thấy, công tác chuẩn bị đang được các địa phương thực hiện nghiêm túc, chủ động, hướng đến mục tiêu sử dụng hiệu quả nguồn lực, tránh lãng phí và bảo đảm hoạt động thông suốt của hệ thống chính trị trong giai đoạn chuyển tiếp.

Từ số liệu ở các đề án sắp xếp đơn vị hành chính mà Bộ Nội vụ tổng hợp, hiện có tổng cộng 38.182 trụ sở công ở cấp tỉnh. Trong đó, 33.956 trụ sở sẽ được tiếp tục sử dụng, còn lại 4.226 trụ sở được xác định là dôi dư.

Ưu tiên chuyển đổi công năng phụ vụ cho các mục đích cộng đồng

Trước mắt hầu hết các địa phương đều đề nghị tiếp tục sử dụng đồng thời các trụ sở của cơ quan, đơn vị tại địa phương cũ do cơ sở hạ tầng tại trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh mới chưa thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp. Đây là phương án tạm thời, vừa bảo đảm duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, vừa tạo điều kiện để các địa phương có thêm thời gian đánh giá, quy hoạch lại tổng thể.

Trong thời gian tới, các địa phương sẽ tổng rà soát, đánh giá hiện trạng các trụ sở, tài sản công trên địa bàn cấp tỉnh và nhu cầu sử dụng để đề xuất phương án xây dựng bổ sung các trụ sở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh trên địa bàn cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu hoạt động và hạn chế lãng phí.

Bên cạnh đó, thực hiện hoán đổi (điều chuyển) trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan Trung ương trên địa bàn có trụ sở dôi dư; có thể bố trí nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng chung 01 cơ sở nhà, đất để bảo đảm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẵn có trên địa bàn. 

Đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi đã bố trí, sắp xếp được thực hiện theo hình thức xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; trong đó, ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích cộng đồng của địa phương (thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao...).

Ngoài ra, các trụ sở dôi dư có thể bị thu hồi để giao cho các cơ chức năng quản lý đất đai nhà nước của địa phương quản lý, khai thác (quản lý để phục vụ mục tiêu đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất...); giao cho các cơ quan, đơn vị sử dụng tạm thời, cho thuê nhà gắn với đất..; giao cho chức năng phát triển quỹ đất của địa phương quản lý, phát triển và khai thác theo quy định của pháp luật... 

Các Bộ, cơ quan trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bảo đảm nguồn kinh phí bảo vệ, bảo quản, bàn giao, tiếp nhận, tổ chức xử lý tài sản công đối với tài sản dôi dư sau khi sắp xếp, tránh xuống cấp, thấp thoát, lãng phí tài sản. 

Trong đó, quan tâm đến việc kiện toàn, giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp đủ điều kiện (đặc biệt là các Tổ chức phát triển quỹ đất của địa phương) để thực hiện chức năng quản lý, khai thác quỹ nhà, đất là tài sản công dôi dư thông qua quá trình sắp xếp; chỉ đạo việc lập, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phục vụ việc bố trí, sắp xếp, xử lý trụ sở, công trình sự nghiệp là tài sản công; hoàn tất các thủ tục hành chính về đất đai cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị được kế thừa, tiếp nhận trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo phương án sắp xếp. 

Kiện toàn tổ chức bộ máy: Giảm đầu mối, tăng hiệu quả

Bên cạnh xử lý tài sản công, việc tổ chức lại bộ máy chính trị - hành chính cũng là nội dung then chốt trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo Tờ trình của Bộ Nội vụ gửi Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, phương án kiện toàn tổ chức bộ máy cấp tỉnh sau sắp xếp được xác định rõ ràng, bảo đảm tính kế thừa, ổn định và phát huy hiệu quả hoạt động.

Theo đó, đối với khối Đảng, đoàn thể, thành lập Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau sắp xếp trên cơ sở hợp nhất số lượng đảng viên, tổ chức đảng trực thuộc của các tỉnh ủy, thành ủy trước sắp xếp. Chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố sau sắp xếp theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ và hướng dẫn của Trung ương...

Đối với khối chính quyền, chính quyền địa phương của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới gồm có HĐND và UBND, được tổ chức và hoạt động theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

HĐND các tỉnh sau sắp xếp thành lập 3 ban là Ban Pháp chế, Ban Kinh tế Ngân sách, Ban Văn hóa Xã hội (đối với tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có thể thành lập thêm Ban Dân tộc). HĐND thành phố trực thuộc Trung ương thành lập 4 ban (Ban Pháp chế, Ban Kinh tế Ngân sách, Ban Văn hóa Xã hội và Ban Đô thị).

Với các sở, cơ quan tương đương sở, hợp nhất các sở, cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Đối với một số cơ quan chuyên môn đặc thù thuộc UBND cấp tỉnh (không tổ chức đồng nhất giữa các tỉnh, thành phố cùng thực hiện sắp xếp), cơ bản giữ nguyên mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và biên chế để bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sắp xếp. 

Sau sắp xếp, UBND cấp tỉnh tổ chức tối đa 14 sở và tương đương (riêng TPHCM tổ chức tối đa 15 sở và tương đương).

Hợp nhất Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trước sắp xếp thành Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, thành phố sau sắp xếp và tiếp tục hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ.

Về cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong các sở, cơ quan, sẽ hợp nhất các phòng chuyên môn nghiệp vụ, các chi cục có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Chuyển chức năng thanh tra các sở về Thanh tra tỉnh và tổ chức lại Thanh tra tỉnh (theo đề án của Trung ương về sắp xếp cơ quan thanh tra).

Với đơn vị sự nghiệp công lập, giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp công lập y tế, giáo dục trên địa bàn, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc UBND tỉnh và trực thuộc các sở, cơ quan thì thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. 

Sau sau xếp, các địa phương sẽ khảo sát, đánh giá và xem xét tổ chức lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm việc tiếp tục cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo Bộ Nội vụ, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh là một nhiệm vụ lớn, phức tạp, tác động sâu rộng đến tổ chức bộ máy, nhân sự và hệ thống cơ sở vật chất của các địa phương. Tuy nhiên, với sự chủ động, đồng bộ trong xây dựng phương án, xử lý tài sản công, kiện toàn bộ máy và giữ vững hoạt động của các thiết chế sự nghiệp, tiến trình này được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy nguồn lực phát triển địa phương.

Thu Giang



Nguồn: https://baochinhphu.vn/xu-ly-tru-so-doi-du-tan-dung-tai-san-cong-sau-sap-nhap-tinh-102250510154844955.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Lễ duyệt binh Nga: Những góc quay 'tuyệt đối điện ảnh' khiến người xem sửng sốt
Xem lại tiêm kích Nga trình diễn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm