Dùng thuốc, duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý là cực kỳ quan trọng giúp kiểm soát đường huyết và huyết áp. Bên cạnh đó, một số phương pháp tự nhiên thực hiện vào lúc bụng đói buổi sáng cũng mang lại tác động này, theo trang sức khỏe Livestrong (Mỹ).
Lựu là loại trái cây giàu chất chống ô xy hóa polyphenol, có tác dụng kháng viêm và cải thiện sức khỏe tim mạch
ẢNH: AI
Những phương pháp tự nhiên thực hiện vào lúc bụng đói buổi sáng giúp kiểm soát đường huyết và huyết áp gồm:
Uống trà nghệ
Uống trà nghệ khi bụng đói vào buổi sáng là một cách hiệu quả để kiểm soát cả đường huyết lẫn huyết áp. Curcumin là hoạt chất chính trong nghệ, có đặc tính chống viêm và chống ô xy hóa mạnh mẽ.
Nghiên cứu đăng trên chuyên san Diabetes Care cho thấy curcumin giúp cải thiện chức năng của tế bào beta từ đó hỗ trợ kiểm soát lượng insulin và đường trong máu. Tế bào beta nằm trong tuyến tụy, có chức năng tiết ra hoóc môn insulin. Ngoài ra, curcumin cũng có tác dụng cải thiện chức năng nội mô mạch máu. Đây là yếu tố then chốt trong điều hòa huyết áp.
Để pha trà nghệ, hãy pha một chén nước sôi với một nửa muỗng cà phê bột nghệ nguyên chất. Tùy theo sở thích mà người uống có thể thêm một chút tiêu đen để tăng khả năng hấp thụ curcumin. Trà nghệ nên uống trước khi ăn sáng khoảng 30 phút.
Ăn hạt lanh tốt cho người bệnh tiểu đường
Hạt lanh là siêu thực phẩm với hàm lượng cao a xít béo omega-3, chất xơ hòa tan và lignan. Những hợp chất có tác dụng hạ huyết áp và kiểm soát đường huyết. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Hypertension, nạp 30 gram hạt lanh đều đặn mỗi ngày trong 6 tháng có tác dụng giảm đáng kể huyết áp ở bệnh nhân bị huyết áp cao.
Chất xơ trong hạt lanh giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, từ đó ổn định lượng đường huyết. Ngoài ra, lignan có trong hạt lanh cũng được chứng minh có tác dụng cải thiện độ nhạy insulin.
Để dùng hạt lanh, mọi người hãy nghiền nhỏ 1 thìa canh hạt lanh, tương đương khoảng 10 gram, rồi ăn trực tiếp hoặc pha với nước ấm vào buổi sáng khi bụng đói. Tránh dùng hạt lanh nguyên hạt vì khó tiêu và khó hấp thụ.
Uống nước ép lựu
Lựu là loại trái cây giàu polyphenol, một nhóm chất chống ô xy hóa có tác dụng kháng viêm và cải thiện sức khỏe tim mạch. Một nghiên cứu được công bố trên chuyên san Atherosclerosis cho thấy uống nước ép lựu mỗi ngày giúp giảm huyết áp tâm thu và cải thiện lưu thông máu ở người bị huyết áp cao.
Không chỉ dừng lại ở đó, nước ép lựu còn giảm lượng đường trong máu nhờ làm chậm sự hấp thụ đường glucose và cải thiện độ nhạy insulin. Nghiên cứu trên chuyên san Nutrition Research cho thấy bệnh nhân tiểu đường loại 2 khi uống 240 ml nước ép lựu mỗi ngày trong 3 tháng có mức đường huyết lúc đói giảm đáng kể. Để nhận được lợi ích tối ưu của nước ép lựu, mọi người nên uống nước ép nguyên chất, không đường và trong lúc bụng đói, theo Livestrong.
Nguồn: https://thanhnien.vn/3-dieu-can-lam-khi-bung-doi-de-kiem-soat-huyet-ap-tieu-duong-185250517143521481.htm
Bình luận (0)