Nhắc đến nghề đồng nát, nhiều người vẫn nhớ tiếng rao quen thuộc vang lên giữa phố phường Hà Nội. Dù là nghề mưu sinh lâu đời, gắn với sự cần cù của bao thế hệ, nhưng giữa nhịp sống hiện đại, nghề này ít được giới trẻ quan tâm vì vất vả, thu nhập bấp bênh.
Lái xe đi thu phế liệu, không cần phấn son, Cát Phương luôn tự hào khi giúp đỡ gia đình, dù công việc có khó khăn đến đâu.
Khi còn nhỏ, Cát Phương (tên thật là Kim Oanh, SN 2006, Hà Nội) từng thấy xấu hổ mỗi lần có ai hỏi bố mẹ làm nghề gì. Gia đình cô có 3 đời làm đồng nát, từ bà nội, bố mẹ đến chính cô - một cô gái Gen Z (những người sinh từ 1997 đến 2012) đang sống giữa thành phố hiện đại.
Nhưng giờ đây, cô không chỉ tự hào kể về công việc này mà còn chia sẻ mọi khía cạnh của nghề đồng nát trên mạng xã hội, thu hút hàng chục nghìn lượt theo dõi.
Hiện tại, kênh TikTok của Phương đã thu hút gần 50.000 lượt theo dõi và 1,8 triệu lượt thích. Mỗi video về công việc hằng ngày như dọn kho, ép giấy, phân loại sắt vụn… đều nhận được sự quan tâm lớn từ cư dân mạng.
Công việc không hào nhoáng nhưng có tháng kiếm 300 triệu đồng
Làm việc giữa đống phế liệu nhưng chưa bao giờ cô gái trẻ đánh mất nụ cười. Cát Phương chọn cách sống tích cực và truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ.
Cát Phương chia sẻ, thời còn học cấp 2, cô thường xuyên bị bạn bè trêu chọc, thậm chí có những lời lẽ xúc phạm danh dự bố mẹ chỉ vì công việc đồng nát. Những điều đó khiến Phương cảm thấy tự ti và mặc cảm trong thời gian dài.
"Khi đó tôi còn nhỏ, lại hay so sánh nghề của bố mẹ với gia đình bạn bè xung quanh, rồi tự cảm thấy xấu hổ. Tôi từng không dám kể cho ai biết bố mẹ làm nghề gì", Phương tâm sự.
Tuy nhiên, khi lớn lên, có thêm trải nghiệm và suy nghĩ chín chắn hơn, Phương dần thay đổi cách nhìn. Cô hiểu rằng không có nghề nào là thấp kém nếu đó là công việc chân chính.
"Hiện tại, tôi đã nhận thức rõ hơn rằng mỗi nghề đều có giá trị riêng. Bố mẹ đã nuôi tôi và anh trai trưởng thành bằng công việc này. Tôi thực sự biết ơn và yêu thương họ nhiều hơn. Mỗi ngày nhìn thấy bố mẹ vui vẻ, lạc quan, tôi càng thấy cuộc sống thật đáng trân trọng", cô nói.
Cát Phương đang là nhân viên văn phòng, đồng thời cũng hoạt động như một người mẫu ảnh. Sau giờ làm, cô tranh thủ thời gian về nhà phụ giúp bố mẹ phân loại, sắp xếp các loại phế liệu.
Với Phương, nghề đồng nát không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là "cần câu vàng" giúp thay đổi cuộc sống của gia đình cô. Thu nhập trung bình từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng khiến nhiều người bất ngờ, đặc biệt khi họ nghĩ nghề này chỉ là "nhặt nhạnh ba cọc ba đồng".
Công việc thường ngày của gia đình cô bắt đầu lúc 4-5h. Bố mẹ Cát Phương sẽ đi thu gom ve chai, sắt vụn từ các tiểu thương, cửa hàng hoặc các khu công nghiệp nhỏ, sau đó chở đến kho để phân loại.
Những công việc này cứ lặp đi lặp lại, bố mẹ cô thường xong việc khoảng 8-9h. Có hôm ngoại lệ, bố mẹ cô làm việc đến 2-3h sáng hôm sau.
Bên trong kho phế liệu chất cao tới trần nhà, có những lô hàng trị giá hàng chục triệu đồng.
Sau khi thu mua ở các đơn vị nhỏ lẻ, gia đình Cát Phương sẽ tiến hành phân loại phế liệu theo từng nhóm vật liệu để thuận tiện bán lại cho các công ty tái chế.
Nguồn hàng chủ yếu đến từ các cô bác đồng nát đi thu gom lẻ trên khắp các tuyến phố. Gia đình Phương sẽ tập kết, gom lại thành số lượng lớn trước khi bán lại cho các doanh nghiệp chuyên xử lý phế liệu. Mỗi loại vật liệu như đồng, nhôm, sắt... đều được phân chia rõ ràng và định giá kỹ càng, trong đó đồng là loại phế liệu đắt nhất, có thể lên tới 200.000 đồng/kg.
Một số trong đó sẽ được các công ty nung chảy, sau đó đúc lại thành khuôn để tái chế thành chi tiết máy móc hoặc sản phẩm công nghiệp khác. Phía trong kho của gia đình, nhiều khu vực chất đầy phế liệu, có nơi cao đến tận trần nhà. Nhìn qua, nhiều người có thể nghĩ đây chỉ là đống đồ bỏ đi, nhưng thực tế lại có giá trị không nhỏ.
"Chỗ phế liệu đó trị giá khoảng 50 triệu đồng. Thông thường, phải gom đủ vài tấn thì các công ty mới đến thu mua. Có hôm, họ đến lấy tới 5 tấn sắt vụn trong một lần", Cát Phương kể.
Công việc lặp đi lặp lại nhưng không hề nhẹ nhàng. Mùi hôi, bụi bẩn, mồ hôi và cả những nguy hiểm rình rập là điều không thể tránh khỏi, nhưng với Phương, đây vẫn là nghề lao động chân chính mà cô và gia đình luôn tự hào, bởi nó đã giúp họ có được cuộc sống ổn định, nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn.
Cát Phương cho biết thêm, thu nhập mỗi tháng của gia đình cô dao động từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng, nhưng có tháng cao điểm, khi giá phế liệu tăng mạnh hoặc gom được lượng lớn hàng quý hiếm, tổng thu có thể lên tới 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, cô cũng khẳng định mức thu nhập cao này không đều đặn, chỉ xuất hiện 1-2 lần/năm.
Không ít lần nhặt được tiền, thậm chí cả… vàng trong đống phế liệu
Giữa những vất vả, nguy hiểm thường trực, nghề ve chai đôi khi vẫn có những niềm vui rất đời thường. Trong nghề thu phế liệu, việc nhặt được tiền không phải là điều hiếm hoi.
Cát Phương chia sẻ, việc nhặt được tiền là chuyện như "cơm bữa". Thậm chí mỗi ngày, cô đều có thể tìm thấy tiền trong bao lì xì, có khi nằm lẫn trong túi áo cũ, sách vở, hoặc các thùng đồ bỏ đi.
Theo Phương, lý do là bởi khi dọn nhà, đặc biệt là những gia đình làm ăn buôn bán, có nhiều hàng hóa, họ thường cố tình để lại một chút "lộc" trong những món đồ bỏ đi, như một cách san sẻ may mắn. Những khoản tiền này thường khoảng 100.000-200.000 đồng, đôi khi nhiều hơn.
"Tôi từng nhặt được phong bao lì xì trong túi áo cũ có 4,5 triệu đồng, bao gồm cả tiền mặt và những tờ tiền nhỏ khác. Cũng có lần, tôi đập hộp sắt rỉ mà bên trong có 500.000 đồng. Dù không thường xuyên, nhưng mỗi lần như vậy lại là một kỷ niệm không quên", Cát Phương nhớ lại.
Với người ngoài, những thùng giấy, túi vải cũ chỉ là rác, nhưng với Phương, đôi khi là cả một kho báu.
Không chỉ là tiền, Cát Phương còn từng nhặt được cả... vàng thật. Một lần, trong lúc dọn kho cho khách, cô vô tình phát hiện một chiếc nhẫn vàng nằm sâu trong khe bàn gỗ cũ.
"Lúc đầu tôi còn tưởng là đồ chơi, nhưng mang ra hiệu thì mới biết là vàng thật. Tôi báo lại cho khách thì họ nói coi như lộc cho cháu", cô kể lại với nụ cười tươi.
Cát Phương cũng cho biết, việc nhặt được vàng là điều rất hiếm gặp, khoảnh khắc như vậy khiến cô cảm thấy nghề ve chai không chỉ có bụi bặm, cực nhọc mà đôi khi còn mang lại những phần thưởng bất ngờ.
Mất Tết vì nổ bình gas và những rủi ro đằng sau nghề đồng nát
Gắn bó với nghề đồng nát từ bé, Cát Phương từng nhiều lần chứng kiến những tai nạn nghề nghiệp, cả của mình lẫn người thân. Một trong những ký ức ám ảnh nhất với cô là vụ nổ bếp gas vào đêm 28 Tết năm 2016 - thời điểm chỉ còn chưa đầy 2 ngày nữa là sang năm mới.
Đó là một buổi tối định mệnh. Trong lúc dọn dẹp cuối năm, bố Phương - người đàn ông gắn bó gần cả đời với nghề thu mua ve chai - có thói quen kiểm tra lại bình gas sau khi nấu ăn. Dù đã khóa van, ông vẫn bật thử lại để đảm bảo an toàn. Nhưng đúng khoảnh khắc ấy, căn nhà nhỏ bỗng phát ra một tiếng nổ vang trời, khiến mọi người choáng váng.
Phương thấm thía những vất vả của nghề ve chai, cô càng thêm biết ơn bố mẹ.
"Mình nhớ như in lúc đó. Bố chỉ vừa bật lên một chút thôi là cả gian bếp nổ tung. Lửa bùng lên ngay vào mặt, vào người ông. Mẹ chạy ra hét lớn, cả nhà hoảng loạn", Phương kể lại.
Lý do dẫn đến vụ nổ không chỉ là do van ga không chặt, mà còn bởi trong ngày hôm đó, nhà Phương đã ép rất nhiều bình gas mini, bình du lịch - thứ thường có trong đống đồ đồng nát gom về cuối năm. Dù đã cẩn thận, hơi ga vẫn tích tụ kín trong không gian hẹp. Khi có tia lửa, toàn bộ khí ga trong nhà phát nổ, khiến ngọn lửa lan rộng trong chớp mắt.
Bố Phương bị bỏng khoảng 20% cơ thể, đặc biệt là vùng tay và mặt. Tay ông cho đến bây giờ vẫn sần sùi, không thể nắm chặt lại như trước.
"Hồi đó, ông phải nghỉ làm nửa năm, điều trị đau đớn và tốn kém. Thu nhập gia đình gần như bằng không trong suốt thời gian đó. Nhà tôi cũng bỏ luôn bếp gas, chuyển sang dùng bếp điện hoàn toàn và không nhận thu mua bình ga mini nữa", cô chia sẻ.
May mắn thay, đám cháy không thiêu rụi cả căn nhà. Lúc ngọn lửa bùng lên dữ dội, mẹ cô vẫn liều mình lao vào giành lại khoản tiền dành dụm cả năm.
Cũng may, hàng hóa trong nhà thường được xuất hết vào cuối năm, nên những tài sản như giấy vụn, sắt vụn… không còn nhiều vào ngày 28 Tết. Gia đình cô không thiệt hại nhiều về vật chất, nhưng cú sốc tinh thần thì kéo dài rất lâu sau đó.
Vết tích từ vụ nổ bình gas vẫn còn lưu lại trên những bức tường.
Sau sự kiện đó, điều khiến gia đình Phương xúc động nhất là sự giúp đỡ chan chứa nghĩa tình của hàng xóm. Người mang rau, người cho bánh chưng, người lại giúp gom hàng hộ trong lúc bố Phương nằm viện điều trị.
"Tình làng nghĩa xóm quý lắm. Nếu không có mọi người, chắc nhà tôi không vượt qua được thời gian khó khăn đó", Phương xúc động.
Theo Phương, nghề ve chai còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khác: Đứt tay, gãy móng, té xe, đau lưng, trật khớp do khiêng hàng nặng…
"Tôi từng ép bìa mà gãy cả móng tay, đau điếng người. Mẹ thì bị trượt chân, phải bó bột mấy tuần. Nhiều lúc tôi thấy thương bố mẹ ghê gớm. Nắng mưa gì cũng làm, không than vãn gì cả", Cát Phương chia sẻ.
Cô gái cũng cho biết, để tránh rủi ro, gia đình cô tuân thủ phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động theo quy định.
Là con út trong gia đình, Cát Phương thừa nhận, phần lớn vất vả đều rơi vào bố mẹ. Cô may mắn được sinh ra khi công việc đã ổn định hơn, không phải bươn chải như anh chị.
Hiện tại, Cát Phương vẫn phụ giúp bố mẹ những lúc rảnh rỗi. Ngoài thời gian làm nhân viên văn phòng và chụp mẫu ảnh, cô vẫn lăn xả cùng gia đình phân loại, cân hàng, sắp xếp kho.
Cô nàng Gen Z còn đảm nhận nhiều công việc khác nhau, trong đó có làm mẫu ảnh (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Khi được hỏi liệu có theo nghề của gia đình lâu dài hay không, cô gái 10X bộc bạch: "Tôi chưa chắc sẽ theo nghề cả đời vì công việc này khá nặng nhọc và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Bố mẹ cũng không mong tôi tiếp tục, họ chỉ mong tôi có một công việc ổn định và nhẹ nhàng hơn.
Bản thân tôi cũng đang theo đuổi một hướng đi khác trong sự nghiệp. Việc có nối nghiệp hay không thì thực sự chưa thể nói trước, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng tôi luôn sẵn sàng phụ bố mẹ bất cứ khi nào có thể. Nhờ nghề này, tôi có cuộc sống đủ đầy, được học hành đến nơi đến chốn, được là chính mình", cô bày tỏ.
Nguồn:https://dantri.com.vn/doi-song/co-gai-o-ha-noi-3-doi-lam-nghe-dong-nat-co-thang-kiem-ca-tram-trieu-dong-20250508171902675.htm
Bình luận (0)