Từ "Tinh hoa đạo học" đến "Sử đá lưu danh", và mới đây nhất là "Thời đại Hùng Vương", những bộ phim lịch sử ứng dụng công nghệ 4.0 không chỉ lay động lớp trẻ, mà còn mở ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới: học lịch sử bằng ánh sáng, hình ảnh, chuyển động và cảm xúc.
"6 tiếng cho 1 giây lên hình" trong phim hoạt hình làm sống lại sử Việt (Video: Khánh Vi - Thanh Bình - Thương Huyền).
Đằng sau những khung hình huyền ảo là những đêm thức trắng miệt mài dựng phim, những lần thử, sai không đếm xuể để tái hiện từng chi tiết lịch sử cho thật chân thực nhất của những con người chuyên kể chuyện bằng kỹ xảo.
Từng hình ảnh không chỉ có kỹ thuật, còn là lát cắt ký ức, mảnh hồn của dân tộc được gìn giữ và kể lại bằng ngôn ngữ hiện đại.
Loạt công nghệ tái tạo sinh động sử Việt trong từng thước phim
"Ngoài trách nhiệm với quá khứ, phục dựng lịch sử còn mang sứ mệnh với tương lai, chúng tôi góp sức mình để thế hệ sau hiểu và tự hào về cội nguồn dân tộc thông qua ngôn ngữ hình ảnh", anh Bùi Hoài Thanh (SN1973, Hà Nội) trưởng nhóm làm phim chia sẻ.

Anh Hoài Thanh đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dựng phim.
Bộ phim "Thời đại Hùng Vương" không chỉ tái hiện thời đại sinh động, chân thực, mà còn mang đến trải nghiệm hình ảnh mới lạ, kết hợp lối dẫn chuyện độc đáo, giúp thế hệ trẻ khám phá lịch sử theo một cách hoàn toàn mới.
Năm 2012, anh Hoài Thanh bắt đầu hành trình của mình cùng 2 thành viên, mang theo tình yêu to lớn dành cho điện ảnh cùng niềm tin vững chắc "Ba cây chụm lại nên hòn núi cao", họ cùng nhau bước những bước đầu.
Không sở hữu những dàn máy móc hiện đại, họ vừa làm vừa cải thiện cơ sở vật chất.
Hơn một thập kỷ trải qua nhiều biến động, anh Thanh cùng các cộng sự âm thầm đứng sau nhiều dự án ấn tượng như chuỗi phim tái hiện lịch sử trong Nhà tù Hỏa Lò, phim 3D Mapping "Tinh hoa đạo học", "Sử đá lưu danh".
Đặc biệt là bộ phim "Thời đại Hùng Vương" công chiếu vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm 2025.

Nhiều công nghệ được sử dụng trong bộ phim "Thời đại Hùng Vương".
Trong dự án "Thời đại Hùng Vương", ê-kíp đã đưa Unreal Engine 5 - nền tảng đồ họa thời gian thực hàng đầu trong ngành công nghiệp game và điện ảnh vào quá trình sản xuất. Bên cạnh đó là những công cụ mạnh mẽ như: Motion Capture Xsens, phần mềm dựng hình Maya, dựng mô hình 3ds Max và thiết kế môi trường Lumion.
"Chúng tôi rất hào hứng khi được giao dự án Thời đại Hùng Vương nhưng cũng vừa lo sợ, cảm giác như gánh trên vai một trách nhiệm lớn lao. Mang hình ảnh một thời kỳ lịch sử dân tộc đến gần hơn với thế hệ trẻ quả không dễ chút nào", anh Thanh bộc bạch.
Anh cho biết, suốt quá trình thực hiện, cả đội ngũ đã trải qua vô số lần chỉnh sửa, làm việc xuyên đêm, tất cả đều mang một tâm thế sẵn sàng và khát khao tạo ra một tác phẩm xứng tầm.
"Chúng tôi không thể tùy tiện tạo hình nhân vật lịch sử chỉ bằng trí tưởng tượng của mình. Từng chi tiết từ trang phục, vũ khí, đến kiến trúc đều được đội ngũ nghiên cứu kỹ lưỡng qua sách giáo khoa, tượng cổ, tranh vẽ...

Một cảnh trong bộ phim Thời đại Hùng Vương.
Mục tiêu là tái hiện một hình tượng chung, sát nhất với lịch sử, nhưng vẫn phải có hồn.
Về bối cảnh, cả đội phải tìm hiểu từng giai đoạn lịch sử, hoàn cảnh xã hội, để từng khung hình lên phim phải đúng với thời đại mà nó phản ánh. Khán giả có thể không biết hết quá trình đó, nhưng họ sẽ cảm nhận được sự chỉn chu và tôn trọng lịch sử qua từng thước phim", anh kể.
Hơn 6 tiếng để chỉnh sửa 1 giây lên hình
Quy trình trước khi bước vào dự án được xây dựng rất bài bản, ngỡ tưởng sẽ hoạt động trơn tru nhưng khó khăn đến từ sự kỳ vọng lớn lao của nhiều bên.
"Chúng tôi bắt đầu với 12 concept ảo, phác tay tỉ mỉ để thể hiện rõ thần thái, trang phục rồi dựng lại bằng Illustrator. Mỗi mẫu đều được gửi đến hội đồng thẩm định để rà soát sao cho chuẩn xác với sử liệu", anh nói.

Các nhân vật được phác thảo chì trước khi dựng 2D nhân vật.
Chỉ khi nhân vật được duyệt về mặt tạo hình, đội ngũ thiết kế mới bắt đầu dựng 3D. Theo anh Thanh, giai đoạn này đòi hỏi kỹ năng làm chủ phần mềm và sự kiên nhẫn cao, mỗi nhân vật cần khoảng hai tuần để lên lưới, tạo biểu cảm.
Sau đó, thêm gần một tuần nữa để hoàn thiện chất liệu da, vải, kim loại…
"Nói ngắn gọn, để tạo ra một nhân vật lịch sử hoàn chỉnh, chúng tôi mất khoảng ba tuần làm việc liên tục.
Mỗi chỉnh sửa đều là một lần 'nâng lên, đặt xuống', chỉ một chi tiết không như mong muốn, các khâu sau đó sẽ bị đình trệ", anh Thanh chia sẻ.
Quá trình trên mất khoảng 4 tháng để thực hiện.
Không gian dựng nước cũng được kiến tạo tỉ mỉ: từ kiến trúc nhà sàn, rừng cây, sông suối, cho đến ánh sáng, gió thổi trên cánh đồng... Tất cả đều được xử lý bằng các phần mềm dựng hình 3D, đảm bảo tính chân thực tối đa mà vẫn truyền tải được khí chất hào hùng của thời đại.


Khâu animation (chuyển động), một diễn viên sẽ đeo thiết bị Motion Leap nhằm mô phỏng các động tác hành động trong phim. Dữ liệu chuyển động sau đó được đưa vào phần mềm để trau chuốt lại hoạt ảnh.
Đây là giai đoạn "căng não" nhất.
"Chuyển động thu được đôi lúc không đồng bộ với phần mềm, buộc chúng tôi phải can thiệp từng khung hình. Đội ngũ vừa chỉnh máy, vừa nắn tay, để từng cú đánh, dáng đi trở nên mượt mà, chân thực", anh Thanh kể.

Khâu animation (chuyển động), một diễn viên sẽ đeo thiết bị Motion Leap nhằm mô phỏng các động tác hành động trong phim.
Mất thêm 4 tháng làm việc không ngơi nghỉ của đội ngũ thiết kế.
"Khi Thánh Gióng vung gậy, hay những chiến binh Văn Lang sải bước ra trận, khán giả không chỉ thấy hình ảnh, mà có thể cảm nhận được sức mạnh, tinh thần từ chính từng chuyển động", anh Hoài Thanh bày tỏ.

Mỗi chỉnh sửa đều là một lần 'nâng lên, đặt xuống', chỉ một chi tiết không như mong muốn, các khâu sau đó sẽ bị đình trệ", anh Thanh chia sẻ.
Bước cuối cùng là render (kết xuất), bộ phim được thực hiện trên Unreal Engine 5 với khả năng xử lý ánh sáng mạnh mẽ, cho phép xem trước và chỉnh sửa tức thì giúp tối ưu chuyển động, ánh sáng và bối cảnh.
Ê-kíp sử dụng thêm phần mềm Lumion để dựng nước, cây cối, gió… sao cho chuyển động như đời thực.
"Từng chi tiết ngoại cảnh đều được xử lý kỹ lưỡng để tạo không gian thực.
Bản dựng đầu tiên gửi hội đồng thẩm định nhận về hàng loạt góp ý. Mỗi lần phản hồi là một bản 'sớ' dài, khiến cả đội vò đầu bứt tai", anh Hoài Thanh cười.
Để chỉnh sửa một khung hình (frame) mất khoảng 15 phút để xử lý, trong đó một giây có tới 25 khung hình, hơn 6 tiếng làm việc cho vỏn vẹn một giây.
Khối lượng công việc khổng lồ khiến studio lúc nào cũng "nóng như lò", dù điều hòa luôn chạy ở 16 độ.
Công nghệ không thay thế ký ức, nhưng sẽ kể về lịch sử tốt hơn
Xuyên suốt quá trình sản xuất, theo ê-kíp, trí tuệ nhân tạo là một công cụ hữu hiệu trong phác thảo bối cảnh, hậu kỳ.
Ngay từ giai đoạn tiền kỳ, AI đã hỗ trợ đội ngũ thiết kế trong việc phác thảo môi trường, gợi ý bố cục cảnh vật, từ hình dáng dòng sông, thế núi, đến ánh sáng và màu sắc phù hợp với từng thời điểm trong ngày. Những mô hình gợi ý nhanh này giúp nhóm sản xuất có cái nhìn tổng thể về không gian dựng phim, từ đó đưa ra quyết định chính xác hơn khi tiến hành xây dựng chi tiết bằng phần mềm 3D.
Trong khâu dựng nhân vật, AI cũng được sử dụng để phân tích tỉ lệ cơ thể người, đề xuất các biến thể cử động cơ bản, giúp tiết kiệm thời gian khi thiết kế các tư thế chuyển động ban đầu. Điều này đặc biệt hữu ích với những nhân vật có động tác phức tạp như cưỡi ngựa, chiến đấu hay thao tác vũ khí.

Ứng dụng AI trong nhiều công đoạn, anh Hoài Thanh vẫn đặt tính sáng tạo lên hàng đầu.
Ở giai đoạn hậu kỳ, AI tiếp tục hỗ trợ tinh chỉnh ánh sáng và màu sắc tổng thể của khung hình. Các thuật toán tối ưu hóa render đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian xử lý ánh sáng, phản chiếu và độ sâu trường ảnh, đặc biệt trong những phân đoạn có môi trường phức tạp như cảnh rừng rậm hay đại chiến giữa trời đất.
Tuy nhiên, dù AI hỗ trợ mạnh mẽ về mặt kỹ thuật, mọi quyết định cuối cùng về bố cục, cảm xúc nhân vật, và bầu không khí lịch sử trong phim vẫn được thực hiện bởi bàn tay và trí tuệ của con người.
"AI không thay thế được ký ức, chỉ là công cụ để dẫn lối sáng tạo. Điều khiến tác phẩm chạm đến trái tim người xem nằm ở bản sắc văn hóa được truyền tải.


Những chi tiết về trang phục, thần thái nhân vật hay chiều sâu văn hóa không thể giao phó cho máy móc. Những yếu tố đó chỉ có con người với cảm xúc, sự nghiên cứu và lòng tự hào dân tộc mới có thể khắc họa một cách rõ ràng", anh Thanh chia sẻ.
Bộ phim hoàn thiện những chi tiết cuối cùng được gửi cho hội đồng vào ngày 28/3, cả đội không kìm nén được cảm xúc, vỡ òa trong niềm hạnh phúc và tự hào.
Buổi công chiếu tại Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì, vào ngày 31/3 nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả.
"Sau hành trình đầy gian nan, tôi hy vọng mỗi truyền thuyết sẽ được kể qua một bộ phim, để thế hệ trẻ không chỉ học lịch sử, mà còn cảm nhận và yêu mến lịch sử qua cách làm độc đáo", anh Hoài Thanh nói.
Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/6-tieng-cho-1-giay-len-hinh-trong-phim-hoat-hinh-lam-song-lai-su-viet-20250520122349157.htm
Bình luận (0)