Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

8 nhóm vấn đề lớn, quan trọng của dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV, sáng 15/5/2025, Quốc hội họp phiên toàn thể và thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thống nhất với việc cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về năng lượng nguyên tử (NLNT) để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành.

Bộ Khoa học và Công nghệBộ Khoa học và Công nghệ16/05/2025

Tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách về NLNT

Mục đích ban hành Luật NLNT (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về NLNT, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; phát triển ứng dụng NLNT; góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.

img

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: quochoi.vn).

Dự án Luật NLNT (sửa đổi) gồm 12 Chương, 73 Điều, bám sát 04 chính sách đã được Chính phủ cơ bản nhất trí tại Nghị quyết số 240/NQ-CP ngày 17/12/2024 tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2024. Dự án Luật NLNT (sửa đổi) được Bộ KH&CN xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Bộ đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật NLNT (sửa đổi) với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học...

Tại phiên họp, các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về NLNT, đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Việc xây dựng luật là bước đi quan trọng nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về NLNT, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phát triển bền vững ứng dụng NLNT, thực hiện cam kết nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam.

Các đại biểu nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển NLNT, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, đưa đất nước phát triển, bứt phá giàu mạnh, đạt được các mục tiêu đề ra trước mắt và lâu dài.

Trong thảo luận, các ĐBQH tập trung góp ý về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, giải thích từ ngữ, các hành vi bị cấm, quy định chuyển tiếp… Nhiều ý kiến đề nghị rà soát để đảm bảo thống nhất với các luật khác, kể cả các luật đang trình Quốc hội sửa đổi, đồng thời hoàn thiện các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong lĩnh vực này.

Các nội dung cụ thể được góp ý gồm: Hoàn thiện quy định về phát triển ứng dụng NLNT, phân cấp trong công tác quản lý Nhà nước, hoạt động thanh sát hạt nhân, ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân, trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân và nghiên cứu xây dựng Quỹ An toàn hạt nhân.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho ý kiến về: Cơ quan pháp quy về hạt nhân; an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân; cấp phép tham gia ý kiến của cộng đồng dân cư trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân; an toàn, bảo vệ bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ hạt nhân, hoạt động thăm dò, khai thác nguồn nhiên liệu hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, các cơ sở lưu trữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân; cẩn trọng với việc xã hội hóa trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Ngoài ra, các đại biểu cũng tham gia các ý kiến quan trọng khác và các điều khoản cụ thể cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo Luật.

Tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Thay mặt Bộ KH&CN, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn các ý kiến tâm huyết của các ĐBQH dành cho Luật NLNT. Bộ trưởng cho biết, tại phiên thảo luận tại tổ ngày 6/5/2025, đã có 104 ý kiến phát biểu, Bộ KH&CN đã nghiên cứu kỹ, và đã có bản giải trình, tiếp thu gửi Quốc hội. Với các ý kiến của đại biểu tại Phiên thảo luận ngày 15/5/2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã giải trình, làm rõ thêm một số nhóm vấn đề lớn. Cụ thể:

Thứ nhất, điện hạt nhân trở thành chiến lược quốc gia, là điện xanh và điện nền. Theo xu hướng chung của quốc tế, điện hạt nhân sẽ chiếm 10-30% tổng điện quốc gia. Sau thời kỳ thoái trào cách đây 10-15 năm, đến nay, điện nhạt nhân trở lại như một chiến lược quốc gia vì các nước đều muốn tự chủ năng lượng, muốn đạt trung hoà các-bon, muốn tái định vị công nghệ quốc gia, và cũng vì công nghệ điện hạt nhân hiện tại là thế hệ III+ và đặc biệt là thế hệ IV có độ an toàn cao. Điện hạt nhân là đối tượng quan trọng nhất của Dự thảo Luật cả về phương diện phát triển ứng dụng và quản lý an toàn, an ninh.

img

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng giải trình tại phiên họp (Ảnh: quochoi.vn).

Thứ hai, hoạt động bảo đảm an toàn trong phát triển ứng dụng NLNT nói chung và an toàn hạt nhân nói riêng do một cơ quan nhà nước có thẩm quyền thống nhất quản lý, bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, nhất là Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), bao gồm cả việc cấp phép an toàn hạt nhân trong mọi giai đoạn của nhà máy điện hạt nhân.

Thứ ba, để triển khai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam được thuận lợi, Dự thảo Luật cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt để triển khai nhanh, như áp dụng cơ chế đặc biệt trong chỉ định thầu, sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của người bán, dự án có khoản chi cho thẩm định và đào tạo. Quản lý an toàn bức xạ hạt nhân toàn bộ vòng đời, qua nhiều giai đoạn của nhà máy điện hạt nhân, từ khâu chọn vị trí, nghiên cứu khả thi, đến giai đoạn đóng cửa, sau đóng cửa. Đây là cách tiếp cận toàn diện, theo kinh nghiệm quốc tế, và là cần thiết.

Thứ tư, để đảm bảo an toàn, an ninh cho các cơ sở hạt nhân, trong đó có nhà máy điện hạt nhân, trong Dự thảo Luật đã thiết lập một chương riêng về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân, một chương riêng về nhà máy điện hạt nhân, trong đó duy trì hoạt động giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân trong suốt vòng đời của nhà máy. Xây dựng các biện pháp và năng lực ứng phó sự cố. Xây dựng văn hoá an toàn, an ninh hạt nhân, vì ứng dụng NLNT, năng lượng hạt nhân sẽ ngày một rộng rãi trong nhiều mặt của đời sống xã hội.

Thứ năm, Dự thảo Luật đáp ứng khung pháp lý cho quản lý nhà nước trong lĩnh vực NLNT bao gồm phát triển ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh. Nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh đã được thể hiện xuyên suốt cho từng đối tượng quản lý từ nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ cho đến vật liệu hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, bổ sung quy định về danh mục hàng hóa phải kiểm xạ khi nhập khẩu. Thêm vào đó, việc quy định một chương riêng về Thanh sát hạt nhân đã thể hiện vai trò phối hợp kiểm soát của IAEA để bảo đảm các hoạt động hạt nhân ở Việt Nam vì mục đích hòa bình, cũng như trách nhiệm tuân thủ các cam kết, nghĩa vụ quốc gia, đặc biệt trong giai đoạn triển khai xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới và sắp tới là dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Thứ sáu, có chính sách phát triển mạnh mẽ các ứng dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích dân sinh. Thực hiện phân loại mức độ rủi ro của tác động bức xạ đối với con người và môi trường để xã hội hoá các ứng dụng một cách phù hợp, thúc đẩy đưa những thành tựu mới nhất của ứng dụng NLNT phục vụ người dân, phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển công nghệ, công nghiệp trong lĩnh vực NLNT, giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước. Nhà nước có chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT; có chính sách ưu đãi, trọng dụng chuyên gia trong và ngoài nước; có chính sách ưu đãi và hỗ trợ người được đi đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực NLNT.

Thứ bảy, tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dần hình thành ngành công nghiệp hạt nhân bao gồm nhà máy điện hạt nhân và phát triển lò phản ứng hạt nhân phục vụ cho nghiên cứu và ứng dụng bức xạ. Phát triển tiềm lực nội địa về công nghệ hạt nhân, về chế tạo trang thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng hạt nhân, quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn. Trong chiến lược về xây dựng năng lực nội địa hóa, giai đoạn đầu ưu tiên năng lực chế tạo trang thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng NLNT, quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn, sau đó tiến tới năng lực nội địa hóa công nghệ hạt nhân.

Thứ tám, chuyển đổi số toàn diện công tác quản lý ứng dụng NLNT, năng lượng hạt nhân. Đẩy mạnh phân cấp về quản lý cho các địa phương theo mức độ rủi ro của nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trên phương diện an toàn, an ninh. Xây dựng hệ thống, năng lực quản trị và cơ sở dữ liệu quốc gia về ứng dụng NLNT, bảo đảm an toàn, an ninh. Nhà nước đầu tư nền tảng số an toàn bức xạ và hạt nhân, là môi trường quản lý và tác nghiệp chính thức để thống nhất quản lý việc khai báo, cấp giấy phép, giấy đăng ký, chứng chỉ, kiểm soát xuất, nhập khẩu thiết bị hạt nhân và vật liệu phóng xạ; quản lý nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, quan trắc phóng xạ và các báo cáo chuyên ngành khác trên môi trường số.

Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ và phiên toàn thể của các ĐBQH, Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, để nghiên cứu, rà soát, tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo Luật nhằm đảm bảo Luật NLNT có tính thực tiễn, khả thi và thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

img

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên họp (Ảnh: quochoi.vn).

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, các ĐBQH đánh giá cao sự tích cực, trách nhiệm của các cơ quan, dự án Luật có nhiều nội dung mới, chuyên sâu về kỹ thuật phức tạp. Chính phủ, Bộ KH&CN, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng các cơ quan của Quốc hội đã rất cố gắng, nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan soạn thảo và cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại Tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Trung tâm Truyền thông KH&CN (tổng hợp)

Nguồn: https://mst.gov.vn/8-nhom-van-de-lon-quan-trong-cua-du-an-luat-nang-luong-nguyen-tu-sua-doi-197250516095911971.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm