Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ba con trai liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Chúng tôi thật sự xúc động khi nghe ông Phạm Văn Đoan kể về gia đình mình có 3 liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tay ông vừa run run lần giở những giấy tờ, lá thư của các liệt sĩ từ chiến trường gửi về và những dấu vết còn lại của người thân, vừa nhớ đến bố mẹ đã nuôi dạy con cháu làm chỗ dựa vươn lên trong cuộc sống.

Hà Nội MớiHà Nội Mới22/07/2025


22-me-vn-anh-hung.jpg

Đại diện chính quyền địa phương và con cháu chúc mừng năm mới bà mẹ Việt Nam Anh hùng Vũ Thị Cõn tết Nguyên Đán 1995.

Bố ông là Phạm Phúc Đang (1903-1946) sinh ra trong nhà kinh tế khá giả, có truyền thống nho học ở xóm ngõ Giặng (thôn Giai Lệ, xã Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) được đi học chữ Hán Nôm từ bé, rồi chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Nhờ có kiến thức văn hóa cơ bản, lại hấp thụ gia phong của gia đình đã giúp ông mở lớp dạy học chữ quốc ngữ tại nhà từ những năm thập kỷ 1930. Ban đầu ông dạy cho con trai lớn Phạm Văn Đảng, rồi đến anh em, con cháu trong nhà: Phạm Văn Bất, Phạm Văn Bách, Nguyễn Bá Phù, Bùi Đình Hòa, Vũ Phúc Khoái… cùng một số con, em bạn bè ở các làng bên cạnh.

Năm 1946, học sinh đến học đã đông lại đang nuôi hy vọng vào con trai lớn thông minh hiếu học thì ông Phạm Phúc Đang bị bạo bệnh không qua khỏi, rồi mất, để lại người vợ trẻ bà Vũ Thị Cõn (1908 - 2003) mới 38 tuổi với 7 đứa con hầu hết chưa trưởng thành và mới đẻ: Phạm Thị Cõn, Phạm Văn Đảng, Phạm Văn Đoán, Phạm Văn Đàn, Phạm Thị Tính, Phạm Văn Đoan, Phạm Văn Bằng. Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), thôn Giai Lệ cùng toàn xã không chịu lập tề, xây dựng làng kháng chiến, là chỗ đứng chân của các cơ quan Huyện ủy Tiên Lữ, Huyện ủy Phù Cừ, Trung đoàn 42, Đại đội sông Luộc…, nên dịch bao vây, càn quét, bắn phá không cấy lúa được. Ban ngày dân ở dưới hầm, ban đêm lên làm ruộng đủ thóc ăn và đóng thuế nuôi quân. Giữ nếp nhà, nhớ lời chồng dặn và sự tảo tần, vun vén, mẹ vẫn một mình giữ được ruộng cấy, đủ ăn, đủ mặc, cho các con đi học và học giỏi.

21-la-thu1.jpg

21-la-thu2.jpg

Lá thư anh Phạm Văn Đoán viết về cho mẹ cuối năm 1967.

Người con trai lớn Phạm Văn Đảng sinh năm 1931, được bố dạy học chữ quốc ngữ, rồi học Trường tiểu học Canh Hoạch và năm 1943, lấy vợ là cô Nguyễn Thị Diệt cùng làng. Khi mới 17 tuổi, năm 1948, anh tình nguyện nhập ngũ vào Đại đội sông Luộc (bộ đội huyện Tiên Lữ). Do có vốn văn hóa, anh được cử đi học y tá, rồi về làm y tá của Đại đội sông Luộc. Trong một lần cùng đơn vị hành quân, anh bị giặc Pháp phục kích bắn chết ngày 12 tháng 4 năm 1952, tại đầu làng Suôi (xã Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên), để lại người vợ trẻ chưa có con. Nhận tin con hy sinh mẹ như chết lặng, nén đau đưa thi hài về mai táng tại làng, động viên con dâu đi bước nữa để tìm hạnh phúc lâu dài.

Năm 1960, mẹ cưới vợ cho con trai sinh năm 1935 Phạm Văn Đoán là Vũ Thị Mưa cùng làng. Đầu năm 1963, anh Phạm Văn Đoán đi bộ đội vào Trung đoàn 82 pháo binh đóng quân ở Bần Yên Nhân, tỉnh Hưng Yên. Thời gian này đơn vị đang tuyển chọn cán bộ, chiến sĩ xung phong đi chiến trường để vào làm nòng cốt xây dựng bộ đội pháo binh 3 thứ quân của các địa phương và Phạm Văn Đoán ở trong số đó. Anh cùng một số cán bộ, chiến sĩ hành quân lên tỉnh Hòa Bình huấn luyện, rèn thể lực hành quân xa mang vác nặng, kết hợp với ăn uống bồi dưỡng sức khỏe. Sau đó anh được về phép thăm mẹ, chia tay người vợ trẻ và trả phép đúng hạn để đầu năm 1964 hành quân vào chiến trường B2 - Nam Bộ. Trong những năm chiến đấu anh đã viết nhiều thư về cho mẹ và vợ.

Đây là một trong những lá thư anh Phạm Văn Đoán viết về cho mẹ cuối năm 1967: Phong bì tự làm bằng giấy học sinh kẻ ca rô, đề Phạm Văn Đoán/Thư ra Bắc/kính gửi Phạm Thị Đang thôn Giai Lệ, xã Tây Hồ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Nội dung: “Thưa mẹ đã hơn 3 năm con xa mẹ và gia đình để cất bước trên đường Nam tiến, đã vượt qua bao nỗi khó khăn chông gai hiểm trở, chứa bao nỗi nhớ nhung trong lòng, bao nhiêu suy nghĩ đắn đo về gia đình, mẹ thì mỗi tuổi mỗi già ở nhà các em con thì đã công tác, chỉ sợ: Mẹ già bóng ngả cành dâu/Sợ khi chóng mặt, nhức đầu cậy ai. Những khi gia đình gặp khó khăn lấy ai mà làm đỡ đần cho mẹ và lo nhất mẹ ở nhà cứ lo nghĩ về con không biết ra sao có việc gì không. Con ở trong này con biết mẹ phải rất nghĩ nhiều về con nhất là trong thư của em con gửi cho con cũng đều nói như vậy. Nhưng mẹ đừng nghĩ gì về con cả, ở nhà có mẹ và gia đình, lúc ra đi đã có đồng đội của con trong đơn vị giúp nhau, giúp đỡ tận tình lắm mẹ ạ. Những khi trái gió giở giời đều được anh em thăm hỏi, động viên lẫn nhau, bát cơm, chén nước, có khi giặt cả quần áo nữa là đằng khác. Con cảm thấy ở đây coi nhau như anh em ruột thịt… Và từ khi con ra đi tới nay sức khỏe mà nói vẫn được bình thường, công tác tốt, ăn uống nói chung được đầy đủ. Có điều con mong mẹ đừng nghĩ về con nhiều quá nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ở trong này con thận trọng và hết sức thận trọng về việc làm của con để làm đúng theo lời mẹ dặn… Ngày con hoàn thành nhiệm vụ trở về các cháu bấy giờ đều lớn cả rồi quấn quyít bên con hỏi han tíu tít thật là vui. Mẹ ạ, lúc bấy giờ nước nhà được yên, gia đình được xum họp đầy đủ thật là vui sao kể siết, các cháu được tung tăng dưới mái trường, không còn cảnh chết chóc đe dọa nữa. Thôi thời gian có hạn con tạm ngừng bút. Con của mẹ Phạm Đoán”. (thư được trích nguyên văn bản gửi kèm theo, đoạn đầu thư ghi thời gian, địa danh nơi gửi đã bị đơn vị kiểm duyệt cắt bỏ để giữ bí mật)

Anh Phạm Văn Đoán hy sinh ngày 4 tháng 11 năm 1969, được đơn vị mai táng tại Mặt trận phía Nam. Ngày xã Lệ Xá đến báo tử, làm lễ truy điệu, mẹ thương nhớ con trai, ôm con dâu chưa có con vào lòng khóc không ra tiếng, rồi bình tĩnh trở lại động viên con dâu sớm đi tìm hạnh phúc mới và các con ai vào việc nấy, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Tháng 12 năm 1970, đang học năm thứ 3 Khoa Trắc địa Trường Đại học Mỏ - Địa chất sinh viên Phạm Văn Bằng nhập ngũ vào Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Huấn luyện xong đơn vị hành quân gấp kịp vào tham gia Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (30/1 - 23/3/1971) và sinh viên Phạm Văn Bằng đã hy sinh ngày 15 tháng 3 năm 1971. Sau đó, đơn vị đã gửi giấy báo tử về địa phương. Tại lễ truy điệu liệt sĩ Phạm Văn Bằng mẹ như bị gục ngã: “Ba lần tiễn con đi/Hai lần khóc thầm lặng lẽ/Các anh không về/Mình mẹ lặng im” (Trích bài thơ “Đất nước tôi” của Tạ Hữu Yên, được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ thành bài hát “Đất nước”). Không! thương nhớ con, mẹ chỉ bị ốm nằm liệt mấy ngày, rồi dần gượng dậy, nén đău lại đi làm cùng xã viên hợp tác xã nông nghiệp, hái dâu nuôi tằm, chăm lo học hành đỗ đạt, dựng vợ gả chồng cho những đứa con còn lại.

21-bang-to-quoc-ghi-cong.jpg

Tấm bằng Tổ quốc Ghi công của gia đình liệt sỹ Phạm Văn Đảng.

Hai con trai Phạm Văn Đàn, Phạm Văn Đoan tốt nghiệp Trường trung cấp sư phạm tỉnh Hưng Yên. Anh Phạm Văn Đàn (1937-2014) nhiều năm làm Hiệu trưởng cùng vợ Vũ Thị Lan giáo viên Trường Phổ thông trung học cơ sở xã Đình Cao (huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên), đã nuôi dậy 6 con gái, trai trong những năm thập kỷ 1980-1990 đều thi đỗ và tốt nghiệp các trường đại học: Sư phạm Hà Nội 1, Bách khoa Hà Nội, Mỏ-Địa chất, Xây dựng. Và sau đó, lần lượt mẹ đã có 13 con cháu nội ngoại tốt nghiệp đại học, 10 con cháu dạy học… Cháu nội Phạm Thị Tuyết (con ông Phạm Văn Đoan), sinh năm 1972, cai sữa xong là ở với bà cho đến khi đi dậy học, lấy chồng và đã cảm nhận: “Bà là người phụ nữ kiên cường, dốc lòng vì con cháu, lo ăn, lo học từ bé đến khi trưởng thành. Hằng năm, đến ngày giỗ các con liệt sĩ bà khóc nhiều vào ban đêm, ban ngày đi làm bình thường, không ca thán, chấp nhận sự hy sinh cho đất nước độc lập; đồng thời học cách đối nhân xử thế với mọi người, trong đó động viên 2 con dâu đã sớm tìm được hạnh phúc và hưởng chính sách vợ liệt sĩ tái giá”.

Do những công lao cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, ngày 21 tháng 1 năm 1974, nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì và ngày 22 tháng 12 năm 1986, tặng Huân chương độc lập hạng 3 cho ông Phạm Văn Đang và bà Vũ Thị Cõn. Ngày 1 tháng 12 năm 1994, nhà nước tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho mẹ Vũ Thị Cõn vì có 3 con là liệt sĩ.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/ba-con-trai-liet-si-va-ba-me-viet-nam-anh-hung-709992.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm