Nhìn vào chiều dài lịch sử, Bắc Ninh như một chứng tích sống động của dân tộc Việt qua từng thời kỳ biến thiên. Từ thuở sơ khai, nơi đây đã là trung tâm tụ cư đông đúc của người Việt cổ, là cái nôi của văn minh Giao Chỉ, của thành cổ Luy Lâu - thủ phủ đầu tiên của đất nước dưới ách Bắc thuộc. Chùa Dâu, lăng Sĩ Nhiếp, dấu tích đạo Phật và Nho giáo lần đầu du nhập… tất cả không chỉ là di tích mà còn là tâm tích - nơi dòng chảy tín ngưỡng, tư tưởng được bồi đắp và lan truyền, đặt nền móng cho văn hiến Đại Việt sau này.
Bắc Ninh - miền đất mà mỗi tên xóm, tên làng, mỗi mái đình, gốc đa, bến nước…đều là chứng nhân lịch sử, trở thành máu thịt. Nơi đó có tiếng trống hội Lim gọi mùa xuân, có làn điệu quan họ trữ tình, sâu lắng lặn vào từng ngõ xóm, làm nên một di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, nhưng hơn hết, là niềm kiêu hãnh thẳm sâu trong trái tim mỗi người con Kinh Bắc.
Cái cách mà Bắc Ninh tồn tại - vừa cổ kính, vừa sống động - làm người ta liên tưởng đến một người già thông thái, đang kể chuyện với giọng trầm ấm, chậm rãi mà uyên bác. Có thể đó là câu chuyện về Thánh Gióng - cậu bé làng Phù Đổng vươn mình thành người khổng lồ, cưỡi ngựa sắt nhổ tre đánh giặc; là huyền thoại về Cao Lỗ Vương, người thợ tài hoa chế nỏ Liên Châu giúp vua An Dương Vương giữ vững thành Cổ Loa. Hay đơn giản là câu chuyện về những nho sĩ, trạng nguyên của đất học Bắc Ninh - nơi “nhân tài như thể bách hoa”, nơi Khổng môn lung linh ánh sáng dù đi qua bao thăng trầm lịch sử.
Từng dòng sông, những cánh đồng, mỗi con người nơi đây đều chảy trong mình tinh thần hiếu học, dòng máu kiên trung. Dưới thời phong kiến, Bắc Ninh là vùng đất có số lượng tiến sĩ, trạng nguyên vào hàng cao nhất cả nước. Thái sư Lê Văn Thịnh, Trạng nguyên Nguyễn Quán Quang, Nguyễn Thiên Tích, Nguyễn Công Hãng… đều là những ngôi sao lấp lánh trong bầu trời học vấn Đại Việt, làm rạng danh quê hương và đất nước.
Khu công nghiệp Vsip hiện đại tốp đầu miền Bắc.
Nhưng người Bắc Ninh không chỉ biết ngồi bên đèn sách mà “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”. Khi Tổ quốc lâm nguy, những người con nơi đây sẵn sàng khoác áo chiến binh. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Bắc Ninh là hậu phương kiên trung, là chiến tuyến bất khuất. Những làng quê yên bình trở thành căn cứ cách mạng, nơi bao lớp thanh niên lên đường, nơi mỗi tấc đất đều thấm máu và nước mắt, mỗi nếp nhà đều từng in dấu chân chiến sĩ, từng nghe lời thầm thì của lý tưởng.
Và cũng chính nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 18 lần về thăm- một con số đặc biệt đủ để nói lên tình cảm của Người dành cho đất Bắc Ninh- Kinh Bắc. Mỗi lần về, Bác không chỉ gửi gắm kỳ vọng vào một vùng đất học, mà còn thắp lên trong lòng người dân nơi đây một ngọn lửa mới - ngọn lửa của niềm tin và khát vọng đổi thay.
Từ ngày tái lập tỉnh năm 1997, Bắc Ninh như người thanh niên vụt lớn giữa thời kỳ hội nhập. Vẫn là những làng nghề truyền thống rộn ràng dệt thêu, đúc đồng, chạm bạc… nhưng đã có thêm hàng chục khu, cụm công nghiệp hiện đại mọc lên, quy tụ các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Vẫn là những con người cần cù, sáng tạo, nhưng nay được tiếp thêm năng lượng từ công nghệ, từ tư duy hội nhập và chiến lược phát triển bền vững.
Những con đường mở rộng. Những nhà máy rộn rã tiếng máy. Những khu đô thị vươn cao trong ánh đèn… Bắc Ninh đang đi trên một hành trình mới - hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà vẫn không quên cội rễ văn hóa, lịch sử. Nơi đây, người ta vẫn gặp nhau trong hội làng, vẫn thả hồn theo câu quan họ, vẫn dắt con em đến chùa lễ Phật, xin chữ đầu xuân… như một cách để giữ gìn căn cốt văn hóa trong dòng chảy hiện đại.
Có lẽ, điều làm nên sự đặc biệt của Bắc Ninh chính là sự giao hòa giữa quá khứ - hiện tại và tương lai. Giữa mái đình rêu phong và tòa nhà chọc trời, giữa câu ca quan họ cổ và bản hợp xướng thời đại của vùng đất năng động, phát triển, giữa lòng yêu nước nghìn năm và khát vọng vươn lên hiện đại. Đó là sự cân bằng tinh tế mà không phải vùng đất nào cũng có được.
Bắc Ninh - mạch đất tụ linh, nơi con người không chỉ sống với hiện tại mà còn sống cùng ký ức và giấc mơ. Từ vùng quê nhỏ bé ven sông Đuống, sông Cầu, Bắc Ninh đã và đang viết tiếp một chương mới: Trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển, văn minh, giàu bản sắc, xứng đáng là điểm đến của đầu tư, là nơi đáng sống và đáng tự hào.
Nguồn: https://baobacninh.vn/bac-ninh-mien-at-toa-sang-ngan-nam-97246.html
Bình luận (0)