Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bác sĩ khuyến cáo cách phòng cúm mùa hiệu quả

Cúm mùa là một trong những bệnh phổ biến và dễ lây lan, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được phòng tránh và điều trị đúng cách.

Báo Nghệ AnBáo Nghệ An23/05/2025

Cẩn trọng với triệu chứng bệnh dễ gây nhầm lẫn

Cúm mùa là một bệnh truyền nhiễm do virus cúm gây ra, lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp. Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có hơn 90 triệu trẻ em mắc cúm. Điều đáng lo ngại là các triệu chứng của cúm mùa như sốt, ho, sổ mũi thường giống với nhiều bệnh lý khác về đường hô hấp, khiến người bệnh và người chăm sóc dễ chủ quan, dẫn đến chậm trễ trong việc điều trị, tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

bs khám người bệnh
Nhiều trẻ nhỏ nhập viện với các triệu chứng của bệnh cúm mùa. Ảnh: PV

Bé Hoàng Minh Khang (27 tháng tuổi, trú tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên) là một trường hợp điển hình. Khi Khang có dấu hiệu sốt cao liên tục kèm ho, gia đình cho rằng bé chỉ bị viêm mũi họng thông thường, tự mua thuốc điều trị tại nhà. Tuy nhiên, sau ba ngày, tình trạng không cải thiện mà còn nghiêm trọng hơn, khiến gia đình phải đưa bé đến Bệnh viện ĐKTP Vinh để thăm khám.

Chị Trần Thị Hương, mẹ bé Khang, chia sẻ: "Lúc đầu, chúng tôi nghĩ cháu chỉ bị cảm cúm thông thường nên mua thuốc hạ sốt, kháng sinh cho dùng tại nhà. Nhưng bệnh không đỡ, đến khi vào viện mới biết cháu bị cúm A, đã biến chứng viêm phổi".

Bé Khang là một trong số rất nhiều trường hợp trẻ mắc cúm mùa nhập viện muộn tại Bệnh viện ĐKTP Vinh thời gian qua.

Trẻ mắc cúm mùa dễ biến chứng nặng

Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm phổ biến có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có bệnh nền là nhóm dễ bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ; đặc biệt là trẻ nhỏ, trẻ có bệnh nền, sức đề kháng kém.

Theo thống kê, bệnh cúm mùa làm tăng nguy cơ viêm phổi lên 8 lần ở nhóm trẻ dưới 14 tuổi. Các biến chứng có thể gặp ở trẻ mắc cúm, gồm: viêm phổi, viêm mũi xoang, viêm cơ tim, viêm não - màng não cùng nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Như trường hợp của bé Nguyễn Hải Đăng (6 tuổi), trú tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ban đầu, bé có các triệu chứng thông thường như sốt, ho, khò khè. Tuy nhiên, chỉ sau hai ngày sốt cao liên tục, tình trạng sức khỏe của bé nhanh chóng chuyển biến xấu. Khi được gia đình đưa đến bệnh viện, bé được chẩn đoán mắc cúm mùa kèm theo biến chứng viêm phổi và viêm đường ruột. Theo chị Cao Thùy Phương - mẹ cháu Đăng, con chị chưa được tiêm phòng cúm trước đó.

bs hướng dẫn
Bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc trẻ khi mắc cúm. Ảnh: PV

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Phương Hồng - Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh, cho biết: “Diễn biến cúm ở trẻ em rất khác nhau, phụ thuộc vào thể trạng và sức đề kháng. Trẻ có miễn dịch tốt thường chỉ bị nhẹ, ít biến chứng. Ngược lại, những trẻ chưa tiêm phòng cúm, có hệ miễn dịch kém hoặc mắc bệnh nền dễ bị biến chứng nặng. Việc tiêm phòng đầy đủ là biện pháp quan trọng để giảm nguy cơ mắc cúm và giúp trẻ hồi phục nhanh hơn nếu nhiễm bệnh”.

Cách phòng bệnh sớm cho trẻ

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Phương Hồng khuyến cáo phụ huynh cần chủ động phòng bệnh cho trẻ bằng cách: giữ gìn vệ sinh, nâng cao sức đề kháng, tiêm vắc-xin phòng cúm định kỳ và tránh tiếp xúc với nguồn bệnh.

Trong trường hợp trẻ có biểu hiện mắc cúm, với các triệu chứng điển hình: sốt cao đột ngột, ho, đau họng, đau nhức cơ, mệt mỏi, cha mẹ cần theo dõi sát sao và chăm sóc đúng cách để nâng cao thể trạng giúp trẻ nhanh hồi phục và tránh biến chứng.

Phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm sau: Khó thở, thở nhanh hoặc co rút lồng ngực, sốt cao không hạ (trên 39°C) dù đã dùng thuốc hạ sốt, co giật, lơ mơ, khó đánh thức; nôn nhiều, bỏ ăn uống, có dấu hiệu mất nước, phát ban da kèm sốt.

Riêng với trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao (trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ mắc bệnh nền, trẻ không tiêm vắc-xin cúm và tiếp xúc với người bệnh) cần đi khám sớm dù chưa có triệu chứng nặng.

Việc phát hiện và xử lý sớm sẽ tránh nguy cơ biến chứng và giúp giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ./.

Nguồn: https://baonghean.vn/bac-si-khuyen-cao-cach-phong-cum-mua-hieu-qua-10298042.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm