Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Độc đáo sản phẩm cà na đập dập đạt 3 sao OCOP

STO - Trái cà na thường được dùng để làm các món ăn vặt như: cà na đập dập, cà na ngào đường hay cà na ngâm chua ngọt… Thấy giá trị kinh tế của loại quả này, nên ông Ngô Tuấn Thanh - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và thương mại thực phẩm Thiên Lộc, Phường 7, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) đã dùng trái cà na tươi để chế biến món cà na đập dập và chỉ thời gian ngắn có mặt trên thị trường, sản phẩm cà na đập dập của công ty đã đạt 3 sao OCOP.

Báo Sóc TrăngBáo Sóc Trăng22/05/2025

Để mục sở thị sản phẩm độc đáo này, chúng tôi đến khu xưởng sản xuất cà na của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và thương mại thực phẩm Thiên Lộc, được ông Ngô Tuấn Thanh đưa đi tham quan vườn cà na nhà ông trồng. Khu vườn có diện tích hơn 7.000m2 được trồng xen canh với một số loại cây trồng khác, nhưng cây cà na nổi bật hơn bởi cây cao lớn và đang giai đoạn ra hoa trắng xóa. Ông Tuấn Thanh chia sẻ: "Cà na có trái thu hoạch quanh năm và chỉ ngưng trái vào tháng 5 để cây ra hoa, kết trái. Cà na có trái rộ vào các tháng 7, 8, 9 và sẽ duy trì lượng trái liên tục trên cây, nhờ đó mà nguồn nguyên liệu có liên tục để sản xuất sản phẩm trái cà na đập dập cung ứng ra thị trường".

Ông Ngô Tuấn Thanh - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và thương mại thực phẩm Thiên Lộc, Phường 7, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) giới thiệu sản phẩm cà na đập dập đạt 3 sao OCOP năm 2022. Ảnh: THÚY LIỄU
Kể về món cà na đập dập, ông Tuấn Thanh tiếp lời: "Vườn cà na của gia đình tôi trước đây trồng chủ yếu dùng để ăn và bán nhỏ lẻ, thu nhập không đáng kể. Mặc dù thấy trái rụng đầy gốc nhưng do bận nhiều việc tôi không để ý đến chúng. Tuy nhiên, thời điểm năm 2021 dịch bệnh xảy ra, mọi công việc của tôi tạm ngưng. Thấy cà na mặc dù ít chăm sóc nhưng trái vẫn đầy cành, tôi chợt nảy ra ý tưởng làm thử món cà na đập dập để bán ra thị trường. Nghĩ là làm, tôi đã bắt tay ngay việc nghiên cứu, chế biến trái cà na làm sao phải giữ độ tươi mới, đặc biệt là không sử dụng bất cứ loại chất bảo quản nào. Để làm được sản phẩm cà na đập dập, tôi đã mua nhiều loại máy móc, trang thiết bị và mất khoảng hơn 1 tháng nghiên cứu, thì chế biến ra thành phẩm trái cà na đập dập. Ban đầu, trái cà na đập dập vẫn còn nguyên hạt nhưng khi đưa ra thị trường, người tiêu dùng vẫn rất ưa chuộng, tôi nghĩ món cà na như vậy đã thành công. Nhưng một lần vào siêu thị, tôi thấy trái mơ ngâm đóng keo đã được rút hạt bên trong, từ đó tôi đã bỏ ra số tiền hơn 400 triệu đồng đầu tư các loại máy móc cần thiết, dùng sơ chế trái cà na đập dập rút hạt bên trong. Ròng rã gần nửa năm nghiên cứu với nhiều lần thất bại, thì sản phẩm cà na đập dập không hạt thành công đưa ra thị trường, khách hàng ưa thích nhiều hơn và lượng hàng bán ra tốt hơn nhiều so với trước".

Sau khi đóng gói sản phẩm, ông không chú trọng nhiều về bao bì bên ngoài, cốt yếu là chất lượng bên trong. Điều may mắn đến với ông là khi biết đến sản phẩm cà na đập dập có nét riêng biệt, mới lạ, ngành chuyên môn của thành phố Sóc Trăng đã hỗ trợ về bao bì sản phẩm, khi có bao bì mới đã góp phần tăng thêm giá trị sản phẩm. Vì vậy, dựa trên sự hỗ trợ đó, ông đã tiếp tục cải tiến bao bì sản phẩm hoàn thiện hơn và đăng ký tham gia đánh giá xếp hạng sao OCOP cho sản phẩm trái cà na đập dập và sản phẩm đã được xếp hạng 3 sao OCOP năm 2022.

Cũng theo lời ông Tuấn Thanh, công ty ông vẫn giữ nhịp độ sản xuất cà na đập dập, với số lượng trái nguyên liệu tươi từ 100 - 150kg/ngày, lao động tham gia sản xuất là 10 người. Để sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng thuận tiện, cà na đập dập được đóng vào hộp có trọng lượng 500g/hộp, giá bán 85.000 - 95.000 đồng/hộp tùy khu vực xa gần. Ngoài bán trực tiếp, ông còn bán trên TikTok, Facebook, Zalo và 2 cửa hàng tại Thành phố Cần Thơ và thành phố Sóc Trăng. Ngoài cà na, ông Tuấn Thanh còn sản xuất sản phẩm chùm ruột không hạt đóng hộp, cũng được người tiêu dùng ưa chuộng và với sản phẩm này, sắp tới ông cũng sẽ đưa đi tham gia đánh giá, xếp hạng sao OCOP.

Ông Trần Hoàng Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông sản và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Sóc Trăng đã có 263 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó có 1 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao, 26 sản phẩm 4 sao OCOP và 236 sản phẩm 3 sao OCOP của 150 chủ thể. Theo đó, hầu hết sản phẩm đạt sao OCOP đều được chế biến từ các loại nông sản, trái cây của địa phương. Riêng với sản phẩm trái cà na là loại trái cây bình dân, nhưng chủ thể sản phẩm đã sử dụng loại trái này để chế biến thành sản phẩm giá trị gia tăng, góp phần tạo đầu ra tốt cho sản phẩm, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

THÚY LIỄU

Nguồn: https://baosoctrang.org.vn/thuong-mai-dich-vu/202505/doc-dao-san-pham-ca-na-dap-dap-dat-3-sao-ocop-cba4902/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm