Có bài học áp dụng được ngay, có bài học được chúng tôi tích lũy dần, dùng dần khi trưởng thành
Khi tôi chưa ra đời, mẹ đã là một cô giáo. Mẹ bén duyên với nghiệp phấn trắng bảng đen từ năm 1973. Hơn 35 năm công tác trong ngành giáo dục, mẹ không chỉ giảng dạy mà còn đảm nhận các cương vị khác nhau. Các thế hệ học sinh tại địa phương đều biết tới mẹ: Cô giáo Nguyễn Thị Khanh, Trường THCS Tây Phú ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Ấm áp, gần gũi
Với con cái, mẹ có những quy tắc nghiêm khắc. Mẹ luôn nhắc nhở chúng tôi: “Gia đình mình có truyền thống làm nghề giáo, mẹ hiểu áp lực học hành của các con rất lớn. Nhưng cuộc sống là thử thách, buộc tất cả chúng ta phải vượt qua…”. Hiểu tính mẹ, chúng tôi nỗ lực chăm chỉ học hành, không dám ỷ lại.
Mẹ tôi là mẫu người phụ nữ truyền thống, tận tụy vì chồng con, đặc biệt coi trọng bữa cơm gia đình. Theo mẹ, bữa cơm là khoảng thời gian quý giá nhất và là thời điểm “vàng” để cả gia đình quây quần, kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn sau một ngày lao động, học tập vất vả.
Từ khi chúng tôi còn rất nhỏ, mẹ đã đưa ra nội quy gia đình. Mỗi thành viên sẽ gặp nhau tại bữa cơm chiều vào đúng 17 giờ 30 hằng ngày. Nề nếp này được duy trì cho đến khi chúng tôi tốt nghiệp cấp 3 và tạm xa cha mẹ để vào đại học.
Ngày đó, với đồng lương còm cỏi của mẹ, mảnh vườn đầy nắng của cha, mâm cơm đạm bạc của nhà giáo chỉ xoay quanh đĩa rau, trứng luộc và nước mắm, lâu lâu có chút cá thịt, nhưng cả nhà ăn rất ngon. Bữa cơm thường kéo dài hơn 60 phút, có lúc đến 90 phút mới kết thúc.
Trong suốt bữa ăn, mẹ luôn là người dẫn chuyện. Trước mỗi đề tài cần trao đổi, mẹ trích dẫn một vài tình huống, lời hay ý đẹp… từ kinh sử, sách báo, phim ảnh, ca dao, tục ngữ… rồi chia sẻ những điều gần gũi với cuộc sống, để anh em chúng tôi suy nghĩ và nêu lên ý kiến. Qua đó, mẹ cùng với cha sẽ phân tích, gợi mở cách xử lý vấn đề theo hướng tích cực, dễ hiểu.
Là một Phật tử, mỗi ngày mẹ đều thực hành theo giáo lý, hướng con cái sống thiện và biết sẻ chia. Mẹ giáo dưỡng, đề cao về lòng hiếu thảo. Những câu chuyện “Bó đũa”, “Cây tre trăm đốt”, “Sự tích trầu cau”… cũng được mẹ kể lại nhiều lần, với mong muốn anh em chúng tôi sống hiếu thuận, đoàn kết và giữ trọn đạo làm người, làm con.
Mượn điển tích “Hàn Tín luồn trôn giữa chợ” và cái dũng của kẻ sĩ, mẹ giảng giải tỉ mỉ về đạo đối nhân xử thế. Mẹ dạy rằng trên đường đời, không ai tránh khỏi những thời điểm gặp khó khăn, trở ngại. Nhưng nếu chúng ta sống biết người và biết mình thì mọi chuyện về sau sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn, công ắt thành danh ắt toại.
Ảnh hưởng lớn nhất của chúng tôi từ mẹ là tính kỷ luật với bản thân, chịu trách nhiệm với việc mình làm; là thái độ sống. Sự thiện chí, lòng chân thành của mẹ luôn khiến người khác tin tưởng và tôn trọng. Chúng tôi được học cách chia sẻ – không đợi có nhiều tiền mà bất kể hoàn cảnh nào mẹ cũng có thể cho đi…
Truyền đam mê, trao niềm tin
Mỗi lần về quê, nhìn vào bảng huy chương vì sự nghiệp giáo dục, huy chương vì sự nghiệp tổ chức Công đoàn, cùng nhiều bằng khen vinh danh của mẹ được treo nơi phòng khách, chúng tôi đều cảm thấy tự hào và không ngừng phấn đấu noi theo gương sáng của mẹ.
Là giáo viên, mẹ luôn mong muốn con cái nối nghiệp, để sau này đứng trên bục giảng, thay vì tìm kiếm những nghề thời thượng nhiều cám dỗ. Ngay từ cấp 2, mẹ đã xây dựng một lộ trình bài bản dựa theo thực lực học tập của mỗi đứa con và định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Với con trai, mẹ tập trung ôn luyện các môn toán – lý – hóa. Với con gái, mẹ hướng đến khối chuyên C, D.
Riêng tôi, mẹ chính là người thầy đầu tiên rèn luyện kỹ năng viết bài tập làm văn khi tôi vào lớp 6. Mẹ đã thổi vào tâm hồn non nớt của tôi những vần thơ thắm tình đất nước. Mẹ hun đúc trong tôi những ước mơ, với tinh thần phụng sự và cống hiến. Tôi lớn lên cùng hoài bão của mẹ, trở thành học sinh có điểm môn văn đứng đầu khóa suốt 7 năm phổ thông cơ sở và trung học.
Năm 2002, khi tôi có ước muốn trụ lại TP HCM theo đuổi nghiệp văn chương, báo chí, mẹ ngày đêm lo lắng. Bởi theo mẹ, “cơm áo không đùa với khách thơ”. Thế nhưng, chỉ sau 2 năm thử thách, mẹ đã mở lòng trao gửi niềm tin và cơ hội cho tôi được sống với đam mê chữ nghĩa. Những trang báo, trang văn của tôi luôn có sự động viên, tiếp sức, truyền lửa từ mẹ. Mẹ chính là người thầy đặc biệt nhất của cuộc đời tôi.
Niềm tự hào của nhiều thế hệ học trò
Nhiều anh chị là lãnh đạo, cán bộ huyện, xã; là giáo viên đang công tác tại các trường; là bác sĩ, kỹ sư, luật sư, công an, doanh nhân… từng được mẹ tôi dìu dắt, trao truyền kiến thức… hằng năm đều trở về thăm, tri ân trong niềm hạnh phúc. Chia sẻ về giáo viên dạy năm lớp 8, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND xã Tây Phú, huyện Tây Sơn – bày tỏ: “Tôi thấy may mắn vì được là học trò của cô Khanh. Sự dịu dàng, nhẫn nại, yêu thương học sinh, ngày ngày đem tri thức đến với các thế hệ học trò của cô thực sự là niềm tự hào”.
Dược sĩ Bùi Thị Kiển – người sáng lập Quỹ Trái tim nhỏ từ tâm, Chủ tịch CLB Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn – nhận xét: “Cô Khanh rất nhiệt tình chia sẻ với người nghèo miền núi. Dù lớn tuổi, cô vẫn đồng hành với quỹ, đến các vùng sâu vùng xa giúp đỡ trẻ em”…
Nguồn: https://nld.com.vn/cuoc-thi-viet-nguoi-thay-kinh-yeu-bai-hoc-tu-nhung-bua-com-gia-dinh-196241020210814369.htm