Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo tồn di sản vùng Kinh Bắc trước thách thức môi trường

Làng nghề gò đúc đồng Đại Bái thuộc xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh từ lâu đã là một biểu tượng văn hóa – kinh tế đặc sắc của vùng Kinh Bắc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại hóa và đô thị hóa, sự phát triển thiếu kiểm soát đã đặt ra những thách thức nghiêm trọng về môi trường. Làm thế nào để phát triển làng nghề một cách bền vững, hài hòa giữa bảo tồn di sản truyền thống và yêu cầu bảo vệ môi trường sống đang là vấn đề được đặt ra.

Báo Tin TứcBáo Tin Tức27/05/2025

Chú thích ảnh

Giới thiệu sản phẩm đồng mỹ nghệ tại thôn Đại Bái, xã Đại Bái (Gia Bình, Bắc Ninh). Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Di sản quý của vùng Kinh Bắc

Nằm trên dải đất cao bên bờ sông Bái Giang, làng Đại Bái vốn là ngôi làng cổ, xưa còn có tên làng Văn Lãng (hay gòn gọi là làng Bưởi). Nghề gò, đúc đồng tuyền thống nơi đây có từ bao đời, nay vẫn được dân làng gìn giữ, phát triển. Những sản phẩm như đồ thờ cúng, tượng đồng, tranh đồng... không chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc mà còn thể hiện tay nghề tinh xảo, khéo léo của nghệ nhân Đại Bái. 

Với hơn 2.300 hộ hoạt động trong làng nghề, nơi đây là một trong những “thủ phủ” sản xuất thủ công mỹ nghệ kim loại của miền Bắc. Không chỉ là một điểm sáng về bảo tồn văn hóa phi vật thể, làng nghề còn đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế địa phương. Ước tính thu nhập tiểu thủ công nghiệp năm 2024 đạt khoảng 320 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người lên đến 62 triệu đồng/năm - một con số đáng khích lệ đối với khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, phía sau ánh hào quang văn hóa là thực trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Trong dòng chảy hiện đại, làng nghề phát sinh thêm một số nghề mới; trong đó đáng lưu ý là hoạt động cô đúc, tái chế phôi, bã, phế liệu nhôm, đồng, hoạt động tẩy rửa kim loại, mạ kim loại. Quá trình hoạt động chất thải từ hoạt động này lớn, không được xử lý là căn nguyên chính gây ô nhiễm môi trường tại đây.

Theo báo cáo của UBND huyện Gia Bình, đến tháng 3 năm 2025, làng nghề có tới 248 ống khói từ các lò nấu kim loại, nhưng phần lớn không có hệ thống xử lý khí thải. Nước thải từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt cũng thường xuyên xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý. Nhiều hộ tái chế phế liệu nhôm, đồng theo phương thức lạc hậu gây phát sinh tro xỉ, axit, kim loại nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến đất canh tác và sức khỏe cộng đồng.

Không chỉ có vậy, việc sử dụng mặt bằng sản xuất tràn lan, lấn chiếm ao hồ, chuyển đổi đất nông nghiệp thiếu kiểm soát dẫn đến quá tải về không gian sinh thái. Sức chịu tải của môi trường và hạ tầng đã tới giới hạn, khiến tình trạng ô nhiễm trở nên ngày càng trầm trọng.

Trước thực trạng đó, tháng 3/2025, huyện Gia Bình phát động đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất làng nghề. Chỉ trong khoảng 1 tuần, 217 cơ sở đã được kiểm tra, nhiều lò nung trái phép đã bị dừng hoạt động, 107 cơ sở tự nguyện tháo dỡ công trình xả thải không đạt chuẩn.

Ngoài các biện pháp hành chính và xử lý vi phạm, chính quyền huyện Gia Bình cũng đã triển khai chương trình truyền thông nâng cao nhận thức, vận động các hộ tự giác chấp hành. Những nghệ nhân gắn bó lâu năm như ông Nguyễn Xuân Hưởng, chủ cơ sở sản xuất thủ công tại thôn Đại Bái cho biết, người dân nơi đây sẵn sàng tuân thủ, thực hiện tháo dỡ các lò đốt gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, những hộ kinh doanh, sản xuất rất cần sự hỗ trợ của các ngành, địa phương, có hướng dẫn cụ thể để được sản xuất trở lại khi đáp ứng những điều kiện cho phép.

Sau chiến dịch làm sạch môi trường, để đáp ứng đủ điều kiện sản xuất, nhiều cơ sở sản xuất tại Đại Bái đã bắt đầu cho lắp đặt hệ thống bảo vệ môi trường, tuân thủ tiêu chuẩn khí thải, nước thải, hệ thống phòng cháy chữa cháy, đồng thời hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý rác thải.

Hướng tới sự phát triển bền vững

Ông Lương Trung Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Bình nhấn mạnh, quan điểm của địa phương là xử lý nghiêm đối với các vi phạm về môi trường trong hoạt động sản xuất tại làng nghề, cụm công nghiệp. Đồng thời, khuyến khích phát huy và gìn giữ làng nghề truyền thống là làm đồ thủ công mỹ nghệ; không khuyến khích du nhập, phát triển nghề mới về cô đúc, tái chế phế liệu nhôm, đồng. Các cơ sở cô đúc, tái chế phế liệu nhôm đồng không đủ điều kiện hoạt động phải dừng hoạt động và khuyến khích người dân chuyển đổi sang công việc khác.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Bình cũng nhận định: Để phát triển làng nghề đúc đồng Đại Bái theo hướng bền vững, văn minh và hiệu quả, cần một chiến lược kết hợp giữa bảo tồn giá trị truyền thống, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường. 

UBND huyện Gia Bình đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động để các hộ dân thực hiện triệt để việc dừng hoạt động và tháo dỡ công trình xả thải ô nhiễm ra môi trường; tham mưu hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đối với các cơ sở đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Đồng thời, hướng dẫn việc cấp phép và hồ sơ về môi trường, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan khi tái hoạt động sản xuất; tăng cường giám sát, nắm bắt, kiểm tra đảm bảo không tái diễn các cơ sở không đảm bảo điều kiện lén lút hoạt động trái quy định trong làng nghề và trong Cụm công nghiệp…

Theo các chuyên gia, chiến lược lâu dài để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống Đại Bái, cần hỗ trợ các nghệ nhân truyền dạy kỹ thuật cho thế hệ trẻ thông qua các lớp học nghề miễn phí. Đồng thời, phát triển du lịch làng nghề, xây dựng mô hình "làng nghề kết hợp du lịch trải nghiệm”;  ứng dụng công nghệ xanh và xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng hạ tầng xử lý chất thải, chuyển đổi công nghệ sản xuất. 

Bên cạnh đó, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho từng loại sản phẩm như: độ bền, độ tinh xảo, hàm lượng kim loại để tăng tính cạnh tranh và đăng ký nhãn hiệu tập thể; kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và công nghệ mới; đẩy mạnh hợp tác, mở rộng thị trường; tăng cường quảng bá số hóa… hướng tới sự phát triển bền vững của làng nghề trong tương lai.

Phát triển làng nghề Đại Bái theo hướng bền vững không chỉ là yêu cầu của thời đại, mà còn là trách nhiệm với di sản ông cha để lại. Để thực hiện điều đó, cần sự phối hợp từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân; cần vừa bảo tồn tinh hoa văn hóa, vừa kiến tạo mô hình sản xuất thân thiện với môi trường. Đại Bái không chỉ cần sống lại với hào khí của một làng nghề trăm năm mà còn phải vươn lên như một biểu tượng mới của phát triển bền vững trong thời đại 4.0.

Nguồn:https://baotintuc.vn/xa-hoi/bao-ton-di-san-vung-kinh-bac-truoc-thach-thuc-moi-truong-20250526161910016.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm