Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo vệ môi trường - Trách nhiệm chung

Không ngẫu nhiên mà tại kỳ họp thứ 10 tới đây, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành) được lựa chọn là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, dù rất nhiều vấn đề khác cũng đang “nóng bỏng”. Đúng như Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, đã nêu rõ, những thách thức về môi trường luôn tiềm ẩn rủi ro về kinh tế - xã hội - chính trị nếu không được hóa giải kịp thời.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng24/07/2025

Thực tế là chúng ta đã làm được rất nhiều việc, nhưng vẫn chưa đủ. Tại cuộc làm việc với đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cho biết, giai đoạn 2022-2024, tổng ngân sách sự nghiệp môi trường được giao cho Bộ Công thương chỉ đạt 36,85 tỷ đồng, tương đương hơn 12 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, các ngành công nghiệp do bộ quản lý như hóa chất, thép, nhiệt điện, khai khoáng… phát sinh lượng chất thải lớn và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Với mức kinh phí này, bộ không thể triển khai đầy đủ các nhiệm vụ được giao; nhiều nhiệm vụ bị kéo dài, thậm chí bị loại bỏ, gây lãng phí và giảm hiệu quả thực thi.

Trong khi đó, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, dường như ngân sách đã dành ưu tiên đáng kể cho công tác này. Tổng số thu từ thuế và phí bảo vệ môi trường giai đoạn 2022-2024 là khoảng 141.118 tỷ đồng. Các khoản thu này được hòa chung vào ngân sách nhà nước, song thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kế hoạch ngân sách luôn dành mục chi riêng cho bảo vệ môi trường và số vốn tăng dần qua từng năm, bảo đảm không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước.

Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung nhìn nhận, việc phân bổ, triển khai dự toán còn chậm; dự toán hàng năm bị hủy còn nhiều. Việc thu hút đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân cho hạ tầng xử lý chất thải, nhất là chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt đô thị còn hạn chế. Nhiều bất cập khác cũng được nêu rõ trong hàng loạt cuộc làm việc với các tập đoàn nhà nước lớn như Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Than - Khoáng sản, Tổng Công ty Xi măng…

Về phần mình, đại diện Tập đoàn Hóa chất phản ánh, nhiều vấn đề mới, nhất là tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chưa được các bộ ban hành. Trong đó có tiêu chuẩn, quy chuẩn về việc xử lý thạch cao PG dùng làm vật liệu san lấp, vật liệu làm nền, móng đường giao thông, hoàn nguyên các khu vực đã kết thúc khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; hướng dẫn việc chôn lấp bã thải gyps (thạch cao PG) trong trường hợp bã thải gyps không thể sử dụng, tái chế… Vì thế, cho dù có kinh phí thì việc xử lý các chất thải công nghiệp nêu trên cũng gặp nhiều vướng mắc.

Việc phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển, chính sách tài khóa, các công cụ tài chính cho bảo vệ môi trường không chỉ cần ưu tiên cho lĩnh vực này, mà còn phải chi đúng, chi đủ, chú trọng tính hiệu quả. Để đạt được mục tiêu đó, vấn đề trước tiên là đảm bảo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Chỉ riêng nhiệm vụ này thôi đã đòi hỏi nhiều bộ, ngành cùng vào cuộc.

Chẳng hạn, Bộ Tài chính cần tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm người gây ô nhiễm phải bồi thường tương xứng với mức độ gây hại; đồng thời có chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn cho các hoạt động đầu tư vào công nghệ sạch, tái chế, tái sử dụng và kinh tế tuần hoàn. Trách nhiệm xác định mức độ gây hại như thế nào và đưa ra giải pháp lại là việc của các bộ chuyên ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ KH-CN… Giám sát việc thực hiện để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm là nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra, bảo vệ pháp luật, các cơ quan dân cử, và thậm chí là của mỗi công dân.

Bảo vệ môi trường là thước đo cho sự phát triển bền vững của quốc gia và của cả hành tinh. Trách nhiệm ấy không của riêng ai, nhưng trước hết là của các cơ quan nhà nước: thiết lập khuôn khổ pháp lý, bố trí nguồn lực thực hiện, giám sát và xử lý kịp thời các hành vi lệch chuẩn.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/bao-ve-moi-truong-trach-nhiem-chung-post805144.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm