Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo ít nhất 7.500 nhân lực chất lượng cao, đồng thời đầu tư 120 tỷ đồng xây dựng phòng thí nghiệm bán dẫn tại Trường Đại học Quy Nhơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang, địa phương xác định mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ hàng đầu khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Cụ thể, đề án đặt mục tiêu đào tạo 4.020 cử nhân, kỹ sư chuyên ngành thiết kế, đóng gói và kiểm thử vi mạch; 1.900 người trong lĩnh vực AI và ANM; 980 kỹ sư thực hành, 380 kỹ sư thiết kế vi mạch, 800 kỹ sư AI và ANM; bồi dưỡng 2.500 kỹ sư, cử nhân trong các lĩnh vực trên. Ngoài ra, tỉnh cũng hướng tới đào tạo 5 tiến sĩ và nâng cao năng lực cho 95 giảng viên, chuyên gia nhằm hình thành đội ngũ nòng cốt trong đào tạo và nghiên cứu.
Về hạ tầng, một phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung sẽ được xây dựng với kinh phí 120 tỷ đồng, đặt tại Trường Đại học Quy Nhơn, phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu về vi mạch.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai chính sách vay học phí ưu đãi dành cho người học, với mức vay dự kiến 40 triệu đồng/năm, miễn lãi trong thời gian đào tạo. Ngoài ra, Bình Định sẽ có cơ chế hỗ trợ thu hút chuyên gia đầu ngành như miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ nhà ở và điều kiện làm việc.
Tỉnh cũng sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh đặc thù cho các ngành công nghệ cao, đồng thời đề xuất Bộ Tài chính nâng hạn mức vay cho người học và miễn tiền thuê đất cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, AI, ANM tại địa phương.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/binh-dinh-dau-tu-120-ty-dong-xay-dung-phong-thi-nghiem-ban-dan-post796904.html
Bình luận (0)