Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Nhánh tươi non hiến cho con trẻ

Nhạc sĩ Thụy Kha nói Phạm Tuyên là nhạc sĩ của tuổi thơ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định Phạm Tuyên là một đại thụ, trong đó có một nhánh tươi non ông dành hiến dâng cho con trẻ.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ29/05/2025


Phạm Tuyên - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và các em thiếu nhi - Ảnh: GĐCC

Phạm Tuyên đã viết hơn 700 bài hát, trong đó 1/3 là ca khúc viết tặng thiếu nhi với rất nhiều ca khúc nổi tiếng được nhiều thế hệ thiếu nhi ngân nga như:

Chiếc đèn ông sao, Tiến lên đoàn viên, Em vui chơi ngày hôm nay, Cô và mẹ, Cả tuần đều ngoan, Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Cánh én tuổi thơ, Chú voi con ở bản Đôn, Bài hát tiếng chuông và ngọn cờ, Bà còng...

Bà Phạm Hồng Tuyến - con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên - nói ông đặc biệt vui với kỷ lục được trao năm 2013: "Nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về thiếu nhi được phổ biến rộng rãi nhất".

Cả đời viết cho thiếu nhi nên người nhạc sĩ ấy luôn giữ trái tim trong sáng và nụ cười tươi hồn hậu ngỡ chỉ có ở trẻ thơ. Gặp ông bây giờ, "ngôn ngữ" giao tiếp chính chỉ là nụ cười tươi ấy, mà ngỡ đủ cho mọi chuyện trò.

Từ anh đại đội trưởng thiếu sinh quân

Sinh năm 1930 tại Hàng Da (Hà Nội), Phạm Tuyên là con thứ chín của ông chủ bút báo Nam Phong Phạm Quỳnh.

Ông có năng khiếu âm nhạc và học nhạc từ sớm ở Huế. Nhưng phải đến khi trở thành anh bộ đội Cụ Hồ tại chiến khu Việt Bắc, Phạm Tuyên mới thực sự phát lộ năng khiếu sáng tác nhạc.

Phạm Tuyên - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Tốt nghiệp sĩ quan lục quân ở Việt Bắc, Phạm Tuyên về làm đại đội trưởng trẻ nhất của Trường Thiếu sinh quân Việt Nam ở Thái Nguyên.

Lúc ấy ông mới mười chín, đôi mươi. Đây là mối duyên để ông cả đời gắn bó với trẻ thơ, sáng tác cho thiếu nhi rất nhiều.

Sau Chiến dịch Biên giới, từ năm 1951, Trường Thiếu sinh quân Việt Nam dời sang Quế Lâm (Trung Quốc), là Trường Thiếu nhi Việt Nam, rồi Khu Học xá trung ương tại Nam Ninh.

Phạm Tuyên trở thành giáo viên văn hóa, đồng thời phụ trách văn - thể - mỹ của Khu Học xá trung ương. Quãng thời gian này ông sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nổi tiếng: Ngày em được quàng khăn đỏ, Tiến lên đoàn viên, Chiếc đèn ông sao, Em làm trực nhật...

Về Việt Nam năm 1958, công tác tại ban âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, làm trưởng đoàn ca nhạc Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam nhiều năm và sau đó là trưởng ban văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam (từ năm 1979), Phạm Tuyên vẫn tiếp tục dành nhiều tâm sức và tình cảm để sáng tác cho thiếu nhi.

Trong những năm Mỹ bắn phá miền Bắc, ông ưu tiên các đề tài nóng bỏng. Nhưng khi hòa bình, nhạc sĩ lập tức trở lại sáng tác cho thiếu nhi như Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh (phổ thơ Bác Hồ), Cháu yêu chú thương binh, Đêm pháo hoa, Trường cháu là trường mầm non...

Đến những bài đồng dao và Doraemon

Không chỉ sáng tác cho thiếu nhi, nhạc sĩ Phạm Tuyên còn cùng vợ là PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết sưu tầm đồng dao để phổ nhạc, cho thiếu nhi được ngân nga những khúc đồng dao của ông cha mình.

41 bài đồng dao phổ nhạc, trong đó có nhiều bài phổ biến rộng rãi và được các thế hệ thiếu nhi yêu thích như Bà Còng đi chợ, Bầu và Bí, Gánh gánh gồng gồng, Mau mau tỉnh dậy, Nhớ ơn, Con chim chích chòe, Cái cò đi đón cơn mưa, Thương con ba ba...

Khi tìm đến những khúc đồng dao cổ truyền để phổ nhạc, ông đã "thầm ước ao những cái hay của cha ông để lại sớm đến được với đông đảo các em nhỏ trong cả nước".

Nhưng với cơ chế thị trường, các bài hát thiếu nhi mới sáng tác không còn được vang trên sóng phát thanh nhiều như trước. Vậy là người nhạc sĩ già chọn cách tự tìm đến với các em thiếu nhi, dạy các em hát.

Bà Hồng Tuyến còn nhớ, năm 1990 khi tốt nghiệp đại học về nước, bà được bố "rủ" đến các trường mầm non ở Hà Nội.

Hai cha con đèo nhau đến các trường mẫu giáo của Hà Nội dạy hát đồng dao. Đầu tiên là Trường mầm non Việt Triều, rồi Trường 20-10... Sau đấy, một số bài được đưa đến thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam và phổ biến rộng rãi.

Bà Tuyến đang cùng bố bắt tay soạn bộ sách 5 tập Khúc đồng dao cho bé, giới thiệu 41 bài đồng dao ấy. Tập đầu tiên đã ra mắt bạn đọc ở NXB Đại học Sư phạm, mang tên Về quê.

Phạm Tuyên còn có công mang nhiều ca khúc thiếu nhi quốc tế đến Việt Nam qua việc dịch lời Việt rất đẹp và sát nghĩa cho các ca khúc này.

Những năm 1970 - 1980 ở miền Bắc có hai ca khúc nổi tiếng của Liên Xô (cũ) rất được yêu thích: Ở trường cô dạy em thếNụ cười.

Đặc biệt là bài Nụ cười với những câu hát quen thuộc với nhiều thế hệ: "Tiếng cười vẫn luôn luôn bên ta, tiếng cười sẽ luôn luôn quanh ta, tiếng cười là bạn thân mến yêu của thời niên thiếu ta...".

Rồi khi chú mèo máy Doraemon từ nước Nhật vào Việt Nam, cũng chính Phạm Tuyên là người dịch lời Việt các ca khúc vui nhộn về Doraemon và những người bạn, được NXB Kim Đồng thu âm và ấn hành.

Ngày nay trẻ em vẫn còn say mê những giai điệu vui nhộn ấy qua lời Việt của Phạm Tuyên.

Có thể nói, các bài hát của Phạm Tuyên giản dị mà thấm sâu trong lòng công chúng mọi lứa tuổi. Cái duyên ấy hẳn là nhờ ông đã kế thừa năng khiếu văn chương từ cha mình - học giả Phạm Quỳnh.

Nhưng người ta yêu Phạm Tuyên không phải chỉ ở tài âm nhạc.

Hơn thế là tâm hồn và bản lĩnh của "cây cúc đắng" trong ông, như trong câu thơ của Phạm Tiến Duật mà mà người ta thường dẫn ra để đúc rút về Phạm Tuyên: "Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay".

THIÊN ĐIỂU

Nguồn:https://tuoitre.vn/nhac-si-pham-tuyen-nhanh-tuoi-non-hien-cho-con-tre-20250528093142635.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm