Theo Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn TP. Hải Phòng, đây không chỉ là lời khẳng định chính trị, đây là một định vị chiến lược có cơ sở sâu sắc mà “Bộ Tứ” này chính là bước khởi động có tính định hình cho một kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
Không phải là “mới” mà là đúng lúc và dẫn dắt
Theo Đại biểu Nguyễn Chu Hồi, 4 nghị quyết trên không phải mới và tách rời, mà đó là kết quả tiếp nối của một chương trình làm việc được hoạch định từ trước, nhằm thực hiện mục tiêu lớn: Tái cấu trúc, chuẩn bị năng lực thể chế và tổ chức bộ máy của Đảng và nhà nước, cùng toàn hệ thống chính trị để bước vào “kỷ nguyên vươn mình” sau Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn TP. Hải Phòng. Ảnh: HC |
Việc ban hành đồng loạt 4 nghị quyết trong thời gian ngắn là hành động chủ động, đúng thời điểm, đồng bộ và không thể chậm trễ hơn. Bởi trong bối cảnh Việt Nam đang đối diện với thách thức mới của một quốc gia muốn thoát bẫy phát triển với thu nhập trung bình thấp, thì cuộc cách mạng thể chế này chính là “bàn đạp” để bứt phá.
Ông cho rằng, 4 nghị quyết trên là một “tổ hợp” chính sách có tính kiến tạo, tính thống nhất và bổ trợ lẫn nhau.
Theo đó, Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ với tính đột phá sẽ là trụ đỡ của tăng trưởng dài hạn. Nhưng để “khoa học đi vào đời sống”, thì cần thể chế đủ linh hoạt và thị trường đủ hấp dẫn.
Còn Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế nhấn mạnh, Việt Nam không thể chỉ “so với chính mình”, mà phải vươn ra thế giới, phải hội nhập thực chất. Chúng ta không chỉ xuất khẩu hàng hóa, mà còn phải thu hút nguồn lực toàn cầu đầu tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, Nghị quyết 68 với mục tiêu đưa kinh tế tư nhân trở thành “động lực của động lực” trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. “Theo tôi đây là một cách nhìn chiến lược đầy thuyết phục, khi nguồn lực trong dân vẫn còn đang phân tán, chưa được khơi dậy và quy tụ thành sức mạnh chung”- đại biểu nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm các gian hàng tại Triển lãm những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc triển khai quán triệt Nghị quyết 66 và 68. Ảnh: QH |
Cuối cùng, Nghị quyết 66 là “chiếc chìa khóa thể chế”. Theo đại biểu Nguyễn Chu Hồi: “Nếu không cải cách triệt để hệ thống và phương thức thực thi pháp luật, thì ba nghị quyết trên sẽ không thể “đi vào cuộc sống”, và ông khẳng định “Nghị quyết 66 là “giải pháp của giải pháp”, là nền móng thể chế để hiện thực hóa đổi mới sáng tạo, dẫn dắt hội nhập và mở cửa phát triển kinh tế tư nhân”.
Đổi mới từ Trung ương, chuyển sang tư duy quản trị bằng mục tiêu
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh, điều đáng chú ý trong loạt nghị quyết lần này không chỉ là nội dung, mà còn là phương pháp tiếp cận. Đó là cách tiếp cận quản trị và kiểm soát bằng mục tiêu cụ thể (Target-based approach), thay vì chỉ hô khẩu hiệu hay ban hành luật rồi để đó.
Chính phủ được trao quyền chủ động hành động, Quốc hội giữ vai trò giám sát tối cao và kiểm định thành tựu bằng những bộ chỉ số đo lường rõ ràng. Cơ chế. chính sách, pháp luật và thi hành đang được tái cấu trúc theo hướng minh bạch, chủ động, trách nhiệm giải trình và có khả năng định lượng được.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm các gian hàng tại Triển lãm những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân |
Đặc biệt, bài toán được đặt theo cách “tiếp cận ngược”: Ví dụ, để đến năm 2030 đạt tăng trưởng GDP tối thiểu 8%, thì hôm nay phải làm gì, thể chế phải thay đổi ra sao? Với tư duy này, “Bộ Tứ chiến lược” chính là lời giải và được thiết kế có chủ đích, vừa đáp ứng nhu cầu ngắn hạn vừa mang tầm vóc chiến lược.
Điều đáng ghi nhận, theo đại biểu Hồi: “Lần này, sự đổi mới bắt đầu từ trên xuống. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng đã dám đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi tầm nhìn và nhận diện đúng vấn đề, dám lựa chọn cách làm mới thay vì níu kéo lối mòn chính sách. Lần đầu tiên chúng ta thấy sự khác biệt không chỉ trong nội dung nghị quyết, mà cả trong cách ban hành, phương cách truyền thông và cách thức thực thi”- ông nhấn mạnh.
Chính bản lĩnh chính trị đã vượt qua “thói quen thích khen hơn thích chê”, vượt qua sức ì tư duy trong chính nội bộ hệ thống, và đó mới là cú hích đầu tiên quan trọng nhất cho công cuộc cải cách lần này.
Tuy nhiên ông cũng thẳng thắn nhận định: thực thi các nghị quyết này sẽ đụng chạm tới mọi ngóc ngách của hệ thống, từ trung ương đến địa phương, từ bộ máy nhà nước đến người dân và doanh nghiệp.
Ông khẳng định, đây là “thời cơ vàng”, là con đường cách mạng mới không thể trì hoãn. Muốn bước vào sân chơi toàn cầu, Việt Nam phải rũ bỏ tư duy nhiệm kỳ hay cách hành xử manh mún, trục giật.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng, nếu không thực hiện đồng bộ, đồng thời; nếu “vẫn con người cũ, phương thức điều hành cũ”, thì chắc chắn các nghị quyết mới và tiến bộ vẫn sẽ không thể đạt mục tiêu đặt ra. Và khi đó, chúng ta sẽ tự đánh mất cơ hội duy nhất để chuyển mình, vươn mình sánh vai với thế giới năm châu. Cho nên, tiếp tục đổi mới giáo dục cơ bản, toàn diện, triệt để và thực chất tiếp tục là chủ trương lớn, cần hành động quyết liệt để có nguồn nhân lực mới, có đức có tài, có kiến thức và kỹ năng đáp ứng được nhu cầu thực tế của đất nước và thời đại.
Từ nhận thức, tư duy đến hành động, “Bộ Tứ chiến lược” thể hiện một bước chuyển căn bản trong tầm nhìn lãnh đạo và quản trị quốc gia, như Tổng Bí thư Tô Lâm từng nói “chuyển từ quản lý sang kiến tạo, phục vụ, gần dân và vì dân”. Nếu được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và quyết liệt, đây sẽ là nền móng để đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới không chỉ hội nhập, mà khẳng định được vị thế vững chắc trong trật tự toàn cầu đang định hình lại.
“Đây không còn là cuộc cách mạng giành độc lập, mà là cuộc cách mạng tự nâng mình, tự khẳng định mình và vượt qua chính mình. Một cuộc cách mạng không có tiếng súng, nhưng đòi hỏi bản lĩnh chính trị cao hơn bao giờ hết.”- Đại biểu Nguyễn Chu Hồi bình luận. |
Nguồn: https://congthuong.vn/bo-tu-chien-luoc-nen-mong-cho-ky-nguyen-phat-trien-moi-cua-dan-toc-388894.html
Bình luận (0)