Ca sĩ Văn Hậu
Sau 10 năm hoạt động bền bỉ, CLB Sân khấu Lạc Long Quân – đơn vị nghệ thuật trẻ thuộc Nhà hát Trần Hữu Trang – đã trở thành một "vườn ươm" uy tín, góp phần định hình thế hệ nghệ sĩ kế thừa cho sân khấu TP HCM.
Trong số những gương mặt nổi bật từ mái nhà này, ca sĩ Văn Hậu là cái tên được nhắc đến nhiều nhất thời gian gần đây – một nghệ sĩ trẻ không ngừng thử nghiệm và bứt phá trong cả diễn xuất lẫn âm nhạc.
Từ trái sang: Ca sĩ Yến Nhi, Thu Thảo, Văn Hậu, Yến Phương và Vương Quỳnh Anh tại phim trường HTV (nhóm hát nữ "Trái tim trắng" (White heart)
Từng tạo dấu ấn với vai vua Tự Đức trong vở Tự Đức dâng roi – một vai diễn đòi hỏi chiều sâu nội tâm và sự tiết chế trong biểu cảm, Văn Hậu đã chứng minh khả năng hóa thân linh hoạt cùng giọng thoại trầm ấm, giàu kịch tính. Vai diễn này không chỉ nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn mà còn giúp anh định hình phong cách thể hiện riêng, chững chạc và bản lĩnh.
Không dừng lại ở sân khấu kịch nói sử Việt, Văn Hậu còn cho thấy tư duy sáng tạo trong vai trò nhạc sĩ. Ca khúc "Hãy là chiến binh" do anh sáng tác và trình bày cùng nhóm hát nữ "Trái tim trắng" (White heart) đã thu hút sự chú ý đặc biệt tại Lễ hội Tôn vinh Cà phê – Trà Việt lần 3 năm 2025 do Báo Người Lao Động tổ chức. Bài hát không chỉ mang năng lượng trẻ trung, cổ vũ tinh thần cống hiến mà còn góp phần lan tỏa hình ảnh thế hệ nghệ sĩ trẻ của thành phố dấn thân vào dòng chảy văn hóa đương đại.
Từ trái sang: Hoàng Trung Anh, Văn Hậu, Châu Nhật Tín, Huy Trương và La Trần Đức Thiện (nhóm TDB)
Ấn tượng hơn, vừa qua, anh và nhóm hát nữ "Trái tim trắng" (White heart) được HTV mời giao lưu cùng CLB Đờn ca tài tử quận 12 trong chương trình "Đồng hành cùng giải Chuông vàng vọng cổ lần thứ 20 – năm 2025". Ca sĩ Văn Hậu đã hòa âm cùng các nghệ nhân đờn ca tài tử, tại một màn phối âm sinh động. Anh kết hợp Rap hiện đại với âm nhạc ngũ cung của đờn ca tài tử Nam Bộ – bộ môn đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Diễn viên, ca sĩ Văn Hậu phát biểu về cảm xúc khi diễn vai Tự Đức tại Cung Văn hóa Lao động TP HCM trong chương trình "Sắc màu thời gian" do HTV thực hiện
Chính sự kết nối sáng tạo này đã mở ra một lối đi mới cho nghệ thuật truyền thống, thu hút giới trẻ mà vẫn giữ được bản sắc cội nguồn.
Ca sĩ Văn Hậu chia sẻ: "Tôi không nghĩ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và Nghệ thuật cải lương là thứ gì cũ kỹ. Vấn đề là chúng ta tiếp cận khán giả hôm nay như thế nào. Tôi luôn muốn tạo nên sự giao thoa, để khán giả trẻ cảm nhận được cái hay của dân tộc mà không cảm thấy xa lạ".
Phòng thu của ca sĩ Văn Hậu - Yến Nhi trở thành nơi tập luyện, thu âm của các nghệ nhân ĐCTT quận 12 và nhóm hát TDB cùng nhóm hát nữ "Trái tim trắng" (White heart)
Với tư duy nghệ thuật cởi mở, tài năng đa dạng cùng tinh thần cầu thị, Văn Hậu đang góp phần khẳng định vai trò của CLB Sân khấu Lạc Long Quân như một điểm sáng trong công cuộc gìn giữ và phát huy những sáng tạo của thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân TP HCM.
Ngoài ra, Văn Hậu còn là một giọng ca chủ lực của nhóm Rap TDB – nhóm nhạc trẻ đang từng bước định hình phong cách riêng trong làng âm nhạc đô thị Việt. Không chỉ viết, anh còn hát, biểu diễn và sống trọn trong âm nhạc bằng tư duy của một nghệ sĩ muốn kết nối các thế hệ.
Khi ca khúc "Hãy là chiến binh" vang lên trên sân khấu chương trình "Nghệ sĩ và sàn diễn" của HTV kỳ vọng khán giả không chỉ bất ngờ bởi sự táo bạo trong cách thể hiện, mà còn xúc động trước một tinh thần nghệ thuật đầy trách nhiệm: tươi mới nhưng sâu sắc, trẻ trung nhưng đầy chất dân tộc.
Với Văn Hậu, sáng tác không phải để "làm mới cho vui", mà là quá trình tìm kiếm "tiếng nói chung" giữa các thế hệ làm nghệ thuật.
"Tôi không thích chiêu trò. Nếu kết hợp truyền thống với hiện đại chỉ để gây sốc thì chẳng để lại gì. Tôi muốn hai thế giới âm nhạc phải thật sự trò chuyện được với nhau, để người nghe cảm nhận được giá trị từ cả hai phía." – Văn Hậu chia sẻ.
Là thành viên của nhóm TDB – cùng Hoàng Trung Anh, Châu Nhật Tín, La Trần Đức Thiện và Huy Trương – Văn Hậu không chỉ là người sáng tác mà còn trực tiếp thể hiện các ca khúc mang màu sắc xã hội, lịch sử và đô thị rất riêng.
Với chất giọng đặc trưng, khả năng rap nội lực kết hợp cùng lối thể hiện gần gũi, Văn Hậu đã để lại dấu ấn qua các ca khúc như: "Từ TP HCM nhìn về lịch sử"; "Thành phố tôi yêu"; "Góc phố màu cà phê" – tác phẩm được khán giả yêu thích trong Lễ hội Tôn vinh Cà phê – Trà Việt 2025, sau đó tạo hiệu ứng lớn khi được trình diễn lại trong phiên bản kết hợp đờn ca tài tử tại HTV….
"Rap vốn là âm nhạc kể chuyện. Và tôi nghĩ, âm nhạc truyền thống cũng là một kho báu chưa được kể hết. Nếu mình kể bằng cách tử tế, người trẻ sẽ lắng nghe".
Với Văn Hậu, tương lai nghệ thuật Việt không nằm ở việc chọn truyền thống hay hiện đại, mà nằm ở khả năng tạo ra sự kết nối trung thực và cảm xúc giữa hai thế giới ấy.
Nghệ nhân Khánh An – chủ nhiệm CLB ĐCTT Nam Bộ quận 12, TP HCM nhận xét: "Dẫu còn khiêm tốn về mặt danh tiếng nhưng những gì ca sĩ Văn Hậu đang làm – từ sáng tác, biểu diễn đến tư duy kết nối dòng chảy văn hóa – là những bước đi đầy tâm huyết. Anh không vội vã, không đánh đổi chiều sâu lấy độ nổi, mà chọn tiến chậm nhưng chắc, từng bước định hình con đường nghệ thuật riêng biệt".
Còn nghệ nhân Kim Anh nhận định: "Có thể nói, ca sĩ Văn Hậu đang viết nên một chương nhỏ nhưng đẹp trong hành trình nghệ thuật của thế hệ trẻ – nơi Rap không chỉ là khẩu hiệu nổi loạn, mà là nhịp đập đầy suy tư; nơi truyền thống không còn là bảo tàng, mà là một nguồn cảm hứng sống động – nếu ta biết lắng nghe bằng cả trái tim".
Nguồn: https://nld.com.vn/ca-si-van-hau-tu-vai-tu-duc-den-ca-khuc-hay-la-chien-binh-196250526075739923.htm
Bình luận (0)