Bảo tàng Xe tăng ở Anh cung cấp tài liệu để các công ty quốc phòng nước này sửa chữa, chế tạo linh kiện thay thế cho khí tài Ukraine.
Bảo tàng Xe tăng ở Bovington, hạt Dorset tại Anh là điểm đến yêu thích của những người đam mê quân sự. Tại đây trưng bày khoảng 300 chiếc xe tăng tới từ 26 quốc gia, trong đó có các hiện vật nổi tiếng như Little Willie, chiếc xe tăng đầu tiên trên thế giới với niên đại từ năm 1915.
Một số hiện vật đáng chú ý khác bao gồm xe tăng Tiger của Đức, nổi tiếng với bộ giáp "không thể xuyên phá" và khẩu pháo mạnh mẽ, hay dòng Churchill, được sử dụng phổ biến trong Thế chiến II nhờ lớp giáp dày và khả năng leo dốc ấn tượng.
Điều mà không nhiều người biết về bảo tàng này là vai trò của nó trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Cuối năm ngoái, những quyển hướng dẫn, biểu đồ và tài liệu về cách sửa chữa xe tăng thời Liên Xô, vốn bị lãng quên từ lâu trong kho lưu trữ rộng lớn của bảo tàng, đã được ban quản lý lấy ra để chuyển cho một công ty quốc phòng của Anh.
Các tài liệu này đã giúp công ty có thể sản xuất bộ xích mới để thay thế linh kiện bị hỏng trong các xe tăng, thiết giáp đời cũ của Ukraine. "Khi được yêu cầu giúp đỡ, chúng tôi ngay lập tức đi tìm bất cứ thứ gì có thể hỗ trợ được cho họ", David Willey, người phụ trách bảo tàng, nói.
Khí tài trưng bày ở bảo tàng. Ảnh: Bournemouth.co.uk
Kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022, Anh đã chuyển giao cho nước này 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2. Tuy nhiên, quân đội Ukraine hiện vẫn chủ yếu vận hành các dòng xe tăng, thiết giáp đời cũ sản xuất từ những năm 1960 và 1970, thời điểm Ukraine còn thuộc Liên Xô, như thiết giáp đa nhiệm MT-LB, xe chiến đấu bộ binh BMP-1 hay xe tăng T-72.
Nhiều chiếc trong số đó đã bị hỏng xích do dính phải mìn trên tiền tuyến, song lực lượng Ukraine không thể sửa chữa chúng vì thiếu nhân lực.
Willey cho biết các công ty quốc phòng Anh luôn sẵn sàng trợ giúp Ukraine, song việc sửa chữa, chế tạo một số phụ kiện, khí tài nhất định đòi hỏi phải có chuyên gia hoặc kiến thức từ thời Chiến tranh Lạnh, điều mà các công ty này hiện không có.
Công ty quốc phòng Cook Defence Systems, trụ sở tại Stanhope, hạt Durham, năm ngoái được chính phủ Anh và Quỹ Quốc tế cho Ukraine (IFU) đặt hàng 500 linh kiện thay thế cho xe tăng, thiết giáp đời cũ của Ukraine.
Để có thể sản xuất bộ xích mới cho chúng, công ty đã ứng dụng kỹ thuật đảo ngược nhằm phân tích cấu trúc thiết kế và tìm hiểu cách bộ phận này được chế tạo. Cook Defence Systems sau đó liên hệ với Bảo tàng Xe tăng ở Bovington, hỏi xem họ còn giữ biểu đồ hay tài liệu hướng dẫn nào về cách chế tạo loại xích này hay không.
"Chúng tôi có hàng trăm nghìn tài liệu tham khảo, biểu đồ và bản vẽ. Chúng đã được cất kỹ, song chúng tôi không mất nhiều thời gian để có thể tìm thấy thứ mà họ cần", Willey chia sẻ. "Chúng tôi tìm các thông tin chi tiết như góc độ và độ căng cần thiết để chế tạo bộ xích mới, hay tài liệu hướng dẫn và bản vẽ kỹ thuật cũ của xe tăng từ kho lưu trữ để cung cấp cho họ".
"Chuyện này thật sự thú vị", ông nói thêm. "Nhu cầu về những tài liệu này tưởng chừng đã biến mất theo lịch sử, song giờ lại xuất hiện trở lại, giúp nó trở nên hữu ích trong thời kỳ hiện đại".
Biểu đồ về hệ thống bánh xích xe tăng T-72 trong kho lưu trữ của Bảo tàng Xe tăng. Ảnh: Telegraph
Willey cho biết nhân viên của Cook Defense System đã tới bảo tàng để xin một bộ phận từ T-72 (xe tăng chủ lực do Liên Xô sản xuất), đang được trưng bày về làm mẫu. Dù vậy, công ty vẫn gặp khó khăn trong việc chế tạo linh kiện thay thế với thông số kỹ thuật giống phiên bản gốc.
"Chúng tôi đã thực hiện nhiều đơn hàng cung cấp xích thiết giáp cho quân đội Anh và các nước đồng minh, song các hợp đồng với Ukraine là thách thức rất khác biệt", William Cook, giám đốc công ty, cho biết. "Chúng tôi có rất ít tài liệu tham khảo và đang phải thực hiện hợp đồng với mức độ khẩn cấp chưa từng có trong thời bình. Mọi người đều biết rằng mạng sống của những người lính Ukraine ở tiền tuyến phụ thuộc vào điều chúng tôi đang làm".
Trong bối cảnh quân đội Ukraine đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường và đã phải chuyển sang thế phòng thủ, việc có thể đưa xe tăng bị hư hỏng trở lại tiền tuyến sẽ giúp lực lượng nước này có thể chống đỡ tốt hơn các cuộc tấn công của Nga.
Tuy không thực sự hiệu quả trong việc đảm nhiệm vai trò mũi xung kích như các phiên bản hiện đại, xe tăng đời cũ của Ukraine vẫn có thể được dùng làm bệ pháo di động, cung cấp hỏa lực yểm trợ tầm xa cho các đơn vị bộ binh, hoặc tham gia những cuộc đột kích chớp nhoáng vào điểm yếu trong phòng tuyến của đối phương khi có cơ hội.
"Một số dòng xe tăng của Ukraine được sản xuất từ những năm 1950, song chỉ cần vẫn còn động cơ và pháo thì chúng vẫn là mối đe dọa đáng gờm", Willey nhận định. "Chúng không phải là dòng hiện đại nhất, song Ukraine hiện muốn có nhiều xe tăng hết mức có thể. Yêu cầu bây giờ là phải triển khai được càng nhiều khí tài càng tốt trên chiến trường".
Đây không phải lần đầu tiên Bảo tàng Xe tăng ở Bovington sử dụng kiến thức chuyên môn và tài nguyên của mình để giúp đỡ một phe trong chiến tranh hiện đại. Một trong số đó là chiến dịch do NATO phát động tại Libya vào năm 2011, sự kiện có sự tham gia của lực lượng Anh.
Quân đội Libya khi đó chủ yếu vận hành xe tăng T-54 và T-72 đời cũ, hai dòng khí tài được trưng bày tại Bảo tàng Xe tăng. Thông qua các hiện vật ở bảo tàng, không quân Anh đã có cơ hội quan sát và làm quen với xe tăng của Libya , qua đó có thể đối phó với chúng một cách hiệu quả hơn trên môi trường thực tế.
Bảo tàng Xe tăng cũng thường xuyên cung cấp mẫu vật, tài liệu và kiến thức chuyên môn để hỗ trợ hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng các trang thiết bị quân sự mà Anh đã chuyển giao hoặc bán cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Binh sĩ Ukraine tại buổi huấn luyện ở Trai Bovington trong bức ảnh đăng tháng 3/2023. Ảnh: Guardian
Ngoài việc cung cấp linh kiện thay thế cho khí tài Ukraine, Bảo tàng Xe tăng cũng có mối liên hệ mật thiết khác với Kiev. Bảo tàng nằm bên trong Trại Bovington, nơi hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine được huấn luyện những năm gần đây, bao gồm cách lái xe tăng Challenger 2.
Trong chuyến thăm Anh tháng 2 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tới tham quan Trại Lulworth, địa điểm gần Trại Bovington.
"Chúng tôi thường xuyên gặp lính Ukraine", Willey cho hay. "Một số đã có nhiều kinh nghiệm, số khác thì là tân binh. Tuy nhiên, tất cả bọn họ đều ham học hỏi và tràn đầy tinh thần chiến đấu".
Ông cho biết bản thân cảm thấy tự hào khi có thể đóng góp một phần vào cuộc chiến của Ukraine. "Chúng tôi có nghĩa vụ phải hỗ trợ họ. Việc giúp đỡ đồng minh đang gặp khó khăn là lẽ thường tình", Willey nói.
Phạm Giang (Theo Telegraph, AFP, Reuters)
Source link
Bình luận (0)