Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cần bãi bỏ thủ tục đầu tư ôm đồm, xung đột

"Một dự án đầu tư có quá nhiều thủ tục, qua quá nhiều cấp mà đôi khi chỉ một vị chuyên viên sở không hài lòng là mọi chuyện bế tắc".

Báo Hải DươngBáo Hải Dương27/05/2025

Quoc hoi khoa XV.jpg
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV. Ảnh: QH

Nỗi nhọc nhằn của doanh nghiệp

Chủ tịch một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn gần đây kể, doanh nghiệp của ông đã phải mất hơn 2 năm trời mà không "chạy nổi" các thủ tục giấy tờ để triển khai một dự án lớn.

"Có quá nhiều thủ tục, qua quá nhiều cấp mà đôi khi chỉ một vị chuyên viên sở không hài lòng là mọi chuyện bế tắc", ông nói.

Ông kể, nhóm nhân viên xin giấy phép oải quá, chán nản vì làm mãi không được. Cuối cùng, ông phải viết một lá thư tay cho Bí thư, Chủ tịch, rằng nếu chính quyền không cấp giấy thì ông xin thôi dự án, vốn thuộc một lĩnh vực công nghệ ưu tiên của quốc gia.

Chỉ khi lãnh đạo thành phố chỉ đạo quyết liệt xuống, thì hệ thống ở dưới mới động đậy. Rốt cuộc, ông cũng hoàn thiện được hồ sơ để bắt tay xây dựng dự án tầm vóc đó.

Một doanh nhân lớn khác lại không có may mắn như vậy. Ông có kế hoạch xây dựng một nhà máy may ở một tỉnh từ năm 2019, đất đai đã có sẵn, phù hợp với quy hoạch, nhưng không thể hoàn thành thủ tục đầu tư.

Nhiều đời lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo, nhưng rồi đến nay, sau 6 năm, dự án của ông vẫn cứ treo đó.

Hai câu chuyện trên chỉ là một trong danh sách dài các câu chuyện dài bất tận của các doanh nghiệp gặp khó khăn khi trải qua các thủ tục đầu tư ở nước ta. Các quy định, thủ tục pháp luật rắc rối đến mức đã trở thành một trong những nguyên nhân chính làm 2.200 dự án với tổng số vốn gần 6 triệu tỷ đồng (235 tỷ USD) và hơn 300.000 ha đất đang ách tắc trên toàn quốc.

Ma trận thủ tục và quy định

Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục liên quan đến quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, khoa học công nghệ, phòng cháy chữa cháy, lâm nghiệp… Đây là giai đoạn chủ đầu tư mất nhiều thời gian nhất và thực hiện nhiều thủ tục nhất, nhiều hơn hẳn so với hai giai đoạn sau là thực hiện dự án và đưa vào vận hành, theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

VCCI đánh giá, qua rà soát, nếu chỉ dựa vào quy định của pháp luật, sẽ không xác định được chính xác số ngày mà chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư (từ khi có đề xuất đến bắt đầu khởi công xây dựng công trình).

Nguyên nhân là do trong quy trình thực hiện dự án đầu tư, có những thủ tục không xác định số ngày do văn bản quy phạm pháp luật không quy định; một số thủ tục hành chính có quy định rõ ràng về thời gian xử lý, nhưng thời gian này có thể kéo dài và không xác định được thời gian kéo dài.

"Chủ trương đầu tư" là một rào cản lớn

Như đã phân tích trong bài viết "Từ ‘chủ trương đầu tư’ đến 235 tỷ USD ách tắc", thủ tục xem xét "chủ trương đầu tư" trong Luật Đầu tư đã và đang tạo ra nhiều rào cản cho các nhà đầu tư tư nhân trong nước trong hai thập kỷ nay.

Tuy vậy, có một tin mừng là, Bộ Tài chính đã gửi công văn hỏa tốc đến nhiều bộ, ngành và hiệp hội doanh nghiệp để lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Đầu tư với hạn chót là vào ngày 25/5 vừa qua.

Đây là nỗ lực của Bộ Tài chính nhằm cải thiện Luật Đầu tư khi luật này đang được trình ra Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội để sửa đổi, sau hai lần sửa đổi gần đây nhất là năm 2024 và 2022. Trong dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư năm 2025, thủ tục này đối với nhiều dự án tiếp tục được phân cấp xuống cho Chủ tịch tỉnh.

Trước đó, Luật sửa đổi Luật Đầu tư năm 2024 đã phân cấp thẩm quyền từ Thủ tướng Chính phủ xuống Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của một số dự án và đã bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt đối với một số lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm.

Theo đó, khi đầu tư vào những lĩnh vực này trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế, nhà đầu tư chỉ cần xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy phép về môi trường, còn lại không phải thực hiện các thủ tục đầu tư thông thường khác (thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định công nghệ, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập quy hoạch chi tiết, cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục để được phê duyệt, chấp thuận, cho phép trong lĩnh vực xây dựng, phòng cháy, chữa cháy).

Đây là một bước đột phá mạnh mẽ trong việc rút ngắn quy trình đầu tư và dự đoán sẽ thu hút được các nhà đầu tư chiến lược trong những lĩnh vực trọng tâm. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao việc phân cấp này.

Tăng thẩm quyền và đề cao tính chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương sẽ tạo không gian điều hành cho chính quyền tỉnh trong việc thu hút đầu tư và sàng lọc các dự án đầu tư. Điều này khiến cho quy trình thực hiện đầu tư rút ngắn và thuận lợi hơn đáng kể.

Mặc dù có những nỗ lực tháo gỡ những điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư, nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đầu tư, đặc biệt là các thủ tục hành chính kéo dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, thậm chí làm đình trệ nhiều dự án quan trọng.

Theo VCCI, trong các phương án về phân cấp và việc sửa đổi các văn bản pháp luật tương ứng, rất nhiều đề xuất phân cấp theo hướng từ người đứng đầu cơ quan xuống cho người đứng đầu đơn vị chuyên môn (từ Bộ trưởng xuống Cục trưởng, Chủ tịch UBND xuống Giám đốc sở) và giữ nguyên về trình tự, thời gian giải quyết thủ tục.

"Dưới góc độ của đối tượng thực hiện thủ tục hành chính, thủ tục sau phân cấp gần như không thay đổi, trong khi đáng lẽ ra, việc phân cấp này sẽ giảm các tầng nấc trung gian và thời gian giải quyết thủ tục sẽ rút ngắn", VCCI nhận xét.

Một đề xuất đột phá

Vấn đề đặt ra, vì sao chỉ một số dự án đầu tư tư nhân được áp dụng "thủ tục đầu tư đặc biệt", trong khi các dự án khác thì không?

Hay nói cách khác, liệu có thể áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt cho tất cả các dự án đầu tư tư nhân ở Việt Nam?

Cuối tuần trước, cổng thông tin điện tử Chính phủ đã đăng bài báo "Dũng cảm cắt bỏ điểm nghẽn trong Luật Đầu tư" của tác giả TS. Nguyễn Sĩ Dũng. Ông Dũng nguyên là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và hiện là thành viên của Hội đồng Tư vấn của Thủ tướng đã đề nghị những cải cách mang tính bước ngoặt khi đề xuất bãi bỏ hẳn Luật Đầu tư.

Theo bài báo, ở các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức hay Anh, không tồn tại một đạo luật đầu tư tổng hợp. Nhà đầu tư chỉ cần tuân thủ pháp luật - họ không cần phải đi "xin đầu tư".

Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, đầu tư là quyền, không phải là đặc ân. Doanh nhân không nên phải "xin được đầu tư" - họ chỉ cần tuân thủ pháp luật và cạnh tranh sòng phẳng.

Ông khẳng định, Luật Đầu tư là một đạo luật "ôm đồm" và nhiều xung đột và đề xuất bãi bỏ hẳn Luật Đầu tư.

Nếu bãi bỏ Luật đầu tư, theo ước tính sơ bộ, hiệu quả sẽ như sau: Cắt giảm 15 - 20% thời gian triển khai dự án nhờ loại bỏ thủ tục chủ trương đầu tư; giảm 5 - 7% thủ tục giấy phép con bằng việc tinh giản danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm 5 - 10% gánh nặng hành chính cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua hợp nhất quy trình đầu tư và đăng ký doanh nghiệp. Tổng cộng, việc bãi bỏ Luật Đầu tư có thể giúp đạt được từ 20 - 25% chỉ tiêu cắt giảm thủ tục hành chính - gần hoàn thành mục tiêu cải cách của Nghị quyết 66/NQ-CP.

Những kiến nghị này rõ ràng rất tương đồng với tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm, người đã ký các Nghị quyết 57, 66 và 68 mang tính cách mạng, theo đó phải tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ, cần bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh hiện có, giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính và chi phí kinh doanh, chi phí không chính thức, phấn đấu trong 2 - 3 năm tới, môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN.

Chính phủ, Quốc hội đang rất quyết liệt triển khai chương trình cải cách theo định hướng này với 2 nghị quyết được ban hành. Vấn đề còn lại là cần đập bỏ ngay những rào cản thể chế để mang lại kết quả thực chất của các Nghị quyết của Đảng để tạo ra những đổi mới mạnh mẽ và thực chất cho doanh nghiệp Việt Nam.

VN (theo Vietnamnet)

Nguồn: https://baohaiduong.vn/can-bai-bo-thu-tuc-dau-tu-om-dom-xung-dot-412508.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm