Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Can thiệp thành công cho bệnh nhân tái hẹp nặng mạch vành sau 15 năm đặt stent

(Dân trí) - Ông Trọng (78 tuổi) bất ngờ phát hiện bị tái hẹp mạch vành nghiêm trọng sau 15 năm đặt stent và được can thiệp thành công bằng dụng cụ can thiệp đặc biệt tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc.

Báo Dân tríBáo Dân trí27/05/2025

Đối mặt với tình trạng tái hẹp mạch vành nguy hiểm vì bỏ qua dấu hiệu cảnh báo

Ông Trọng, 78 tuổi được chẩn đoán tăng huyết áp, đái tháo đường cùng tiền sử nhồi máu cơ tim và được đặt stent động mạch vành vào năm 2010. Từ đó đến nay, ông vẫn uống thuốc theo đơn đều đặn.

"3-4 năm nay, thỉnh thoảng tôi có cơn đau tức ngực kéo dài vài phút rồi tự hết, tưởng là do tuổi già. Bác sĩ có khuyên tôi nên kiểm tra lại mạch vành vì đặt stent đã lâu nhưng do chủ quan nên tôi chưa khám lại", ông Trọng chia sẻ.

Cách nhập viện vài ngày, ông Trọng xuất hiện cơn đau ngực, cơn đau có xu hướng kéo dài và tần suất nhiều hơn khi gắng sức. Đôi khi có cảm giác ngực bị đè nặng.

"Qua thăm khám lâm sàng cùng chỉ số xét nghiệm men tim (Troponin T) có xu hướng tăng nhẹ, chúng tôi nghi ngờ ông Trọng mắc bệnh lý mạch vành tiến triển sau 15 năm đặt stent nên chỉ định chụp mạch vành qua da để kiểm tra", ThS.BSNT Cao Mạnh Hưng - Khoa Tim mạch - Tim mạch can thiệp BVĐK Hồng Ngọc cho biết.

Hình ảnh chụp mạch vành qua da cho thấy ông Trọng bị tái hẹp nặng trong stent. Đây là hiện tượng lòng động mạch vành bị hẹp trở lại tại vị trí đã đặt stent, gây thiếu máu cơ tim, một vấn đề khá thường gặp khi theo dõi lâu dài sau can thiệp. Tái hẹp có thể xuất hiện sau 6 - 12 tháng sau can thiệp, đôi khi lâu hơn như trường hợp của ông Trọng, sau gần 20 năm.

Ngoài tổn thương xơ vữa vôi hóa nặng gây hẹp khít (> 95%) trong stent cũ tại đoạn II, kết quả chụp mạch còn ghi nhận tổn thương vôi hóa lan tỏa gây hẹp khoảng 80% tại đoạn gần của động mạch liên thất trước - nhánh động mạch vành nuôi tim lớn nhất.

Can thiệp thành công cho bệnh nhân tái hẹp nặng mạch vành sau 15 năm đặt stent - 1

Đoạn mạch bị tái hẹp.

Can thiệp tái hẹp stent phức tạp bằng bóng cắt đặc biệt

BSCKII. BSNT Lê Đức Hiệp - Khoa tim mạch - Tim mạch can thiệp BVĐK Hồng Ngọc, người trực tiếp tham gia can thiệp cho ông Trọng cho biết, động mạch nuôi tim của ông Trọng gần như hẹp hoàn toàn - nguyên nhân gây ra các cơn đau thắt ngực của bệnh nhân. Điều này khiến cho việc cung cấp máu cho tim bị thiếu hụt nghiêm trọng, có thể dẫn tới các cơn nhồi máu cơ tim, đe dọa tính mạng bất cứ lúc nào nếu không can thiệp sớm để tái thông mạch vành.

Ê-kíp quyết định nong mạch vành và đặt stent tại đoạn I và II của động mạch liên thất trước - thủ phạm chính gây nên các cơn đau thắt ngực nhằm đảm bảo hồi phục sức co bóp của cơ tim, cải thiện triệu chứng cho ông Trọng.

Khó khăn lớn nhất trong ca can thiệp này là tổn thương tái hẹp nặng trong stent với mức độ vôi, xơ hóa cao gây khó khăn cho việc mở rộng lòng mạch ở vị trí gây hẹp khít.

"Nếu nong bằng bóng thông thường rất dễ bị trượt bóng, hoặc không nong rộng được lòng mạch. Khi đó bắt buộc bác sĩ phải bơm với áp lực rất cao, làm tăng nguy cơ tổn thương thành mạch, gây ra nhiều biến chứng và khả năng tái hẹp rất cao", bác sĩ Hiệp cho biết.

Sau khi hội chẩn kỹ lưỡng, ê-kíp can thiệp quyết định sử dụng 1 thiết bị đặc biệt là bóng cắt (Cutting Balloon). Loại bóng nong này có gắn các lưỡi dao nhỏ trên thân bóng giúp cắt, phá các tổn thương xơ vữa vôi hóa với áp lực vừa phải để mở rộng lòng mạch hiệu quả.

Can thiệp thành công cho bệnh nhân tái hẹp nặng mạch vành sau 15 năm đặt stent - 2

Ảnh minh họa bóng cắt (Cutting Balloon)  (Ảnh: Lepu Medical).

Sau khi từng bước xử lý tốt tổn thương, ê-kíp thuận lợi đưa dụng cụ đặt stent để can thiệp ngừa tái hẹp.

Cùng với sự hỗ trợ của hệ thống siêu âm trong lòng mạch - IVUS, ê-kíp đo đạc chính xác kích thước lòng mạch, chiều dài tổn thương, vị trí phù hợp để đặt stent. Từ đó lựa chọn được bóng và stent với kích cỡ phù hợp để vừa đảm bảo an toàn cho người bệnh, vừa tối ưu hiệu quả can thiệp.

Sau 60 phút cân não, ê-kíp thành công đặt 2 stent vào đoạn I và II của động mạch liên thất trước. Siêu âm trong lòng mạch sau thủ thuật ghi nhận stent nở tốt, áp sát thành mạch.

Can thiệp thành công cho bệnh nhân tái hẹp nặng mạch vành sau 15 năm đặt stent - 3

Mạch được tái thông.

Bác sĩ Hiệp cho biết, sử dụng bóng cắt là một giải pháp hiệu quả để xử lý các tổn thương xơ vữa, vôi hóa, hoặc tái hẹp trong stent như trường hợp của ông Trọng.

Sau can thiệp, ông Trọng cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái, hết đau ngực và có thể đi lại, vận động nhẹ nhàng.

Bác sĩ Hiệp cũng khuyến cáo, tái hẹp có thể diễn biến âm thầm. Do đó, người bệnh cần đi khám sớm nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường như: đau ngực, khó thở, mệt,...

Bác sĩ cũng nhấn mạnh, việc duy trì thuốc đầy đủ theo đơn, tái khám định kỳ đều đặn và thay đổi thói quen sinh hoạt, chế độ ăn và tập thể dục hàng ngày theo chỉ định có vai trò quan trọng trong việc quản lý bệnh mạch vành lâu dài, an toàn, hiệu quả.

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/can-thiep-thanh-cong-cho-benh-nhan-tai-hep-nang-mach-vanh-sau-15-nam-dat-stent-20250522185427391.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm