Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cần tiếp tục "luật hóa" xử lý nợ xấu?

(PLVN) - Sáng nay, tại TP HCM, Báo PLVN - Văn phòng đại diện tại TP HCM tổ chức Tọa đàm “Cần tiếp tục luật hóa một số vấn đề theo tinh thần Nghị quyết 42/2017/QH14 về XLNX”.

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam22/05/2025

Tham dự buổi tọa đàm, phía Báo Pháp luật Việt Nam có Nhà báo Hà Ánh Bình - Phó Tổng biên tập, nhà báo Võ Thị Phương Thảo - Phó Trưởng đại diện phụ trách văn phòng đại diện tại TP HCM.

Tham dự Tọa đàm, có ông Đào Quốc Dũng - Vụ địa phương 3 Ban Tuyên giáo và Dân vận TW, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2, GS.TS. Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh UEH, ông Trần Phương Hồng - Phó Cục Trưởng Cục THADS TP HCM, TS. Sỹ Hồng Nam, Phó Chánh Văn phòng TAND TP HCM, ông Nguyễn Nhật Thanh - Giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM.

Cùng tham dự Tọa đàm còn có đại diện có các TCTD, doanh nghiệp, chuyên gia pháp lý, các cơ quan báo chí - truyền thông...

Các đại biểu tham dự Tọa đàm
Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Phía nhà tài trợ Tọa đàm, có đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) có: ông Nguyễn Công Khoa - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý nợ có vấn đề - Ngân hàng Agribank, Ông Vũ Việt Hưng - Phó trưởng Ban Pháp chế Ngân hàng Agribank; ông Đặng Văn Sang - Phó Trưởng Văn phòng Đại diện khu vực miền Nam Ngân hàng AgribankCông ty Cổ phần Tập đoàn MCV, Công ty Cổ phần Công nghệ Di Động Việt.

Nhà báo Hà Ánh Bình - Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam

Nhà báo Hà Ánh Bình - Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Nhà báo Hà Ánh Bình - Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã từng là một bước đột phá lớn trong hoạt động xử lý nợ xấu tại Việt Nam. Sau hơn 6 năm thực hiện, nghị quyết đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần khơi thông dòng vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào cuối năm 2023, hệ thống các tổ chức tín dụng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu do thiếu cơ chế đặc thù. Chính vì vậy, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần tiếp tục luật hóa những nội dung cốt lõi, hiệu quả của Nghị quyết 42 nhằm bảo đảm tính liên tục, ổn định và bền vững cho quá trình lành mạnh hóa thị trường tài chính – ngân hàng.

Phó tổng biên tập Hà Ánh Bình kỳ vọng tại Tọa đàm hôm nay, các đại biểu cùng chia sẻ những vướng mắc thực tiễn, cùng nhìn lại các bài học kinh nghiệm, và đặc biệt, cùng đề xuất các giải pháp, kiến nghị có giá trị để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tín dụng – tài chính.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2

Chia sẻ về thông tin về vấn đề xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 cho hay: Việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo (TSBĐ) nợ vay để thu hồi nợ vẫn còn nhiều phát sinh tồn tại hạn chế, cũng như trách nhiệm của khách hàng trong vay và trả nợ ngân hàng… Đồng thời từ kết quả thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu theo NQ 42 của Quốc hội- phản ánh sự cần thiết luật hóa một số nội dung của NQ nhằm tạo thuận cho quá trình xử lý nợ xấu và nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, với yêu cầu cao về tốc độ tăng trưởng.

Với ý nghĩa đó, theo ông Lệnh, nhìn ở góc độ quản lý và đánh giá toàn diện, việc luật hóa nghị quyết 42 không chỉ tác động điều chỉnh trực tiếp đối với công tác xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ để thu hồi nợ mà còn mang lại những kết quả to lớn hơn, toàn diện hơn về thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

“Cần luật hóa việc thu giữ tài sản bảo đảm, đây là tác động trực tiếp đến xử lý nợ xấu. Luật hóa vấn đề này là hành lang pháp lý thuận lợi, tiết giản chi phí thời gian, chi phí khác cho ngân hàng trong việc xử lý thu hồi xử lý nợ xấu. Tạo một chính sách trúng - đúng là nguồn lực cho kinh tế phát triển” ông Lệnh cho biết.

GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh - Đại học Kinh tế TP HCM

GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh - Đại học Kinh tế TP HCM

Chia sẻ tại Tọa đàm, GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh - Đại học Kinh tế TP HCM nói: "Trước những thách thức hiện tại và những kết quả tích cực đã đạt được trong giai đoạn thí điểm, việc luật hóa các quy định hiệu quả của Nghị quyết 42 là bước đi chiến lược và cần thiết để tạo lập một khuôn khổ pháp lý vững chắc, đồng bộ và ổn định cho công tác xử lý nợ xấu."

Tuy nhiên, GS.TS Võ Xuân Vinh cho rằng để luật hóa thực sự phát huy hiệu quả và bền vững, cần chú trọng đến việc xây dựng các quy định chi tiết, minh bạch, đảm bảo cân bằng hài hòa giữa quyền lợi của TCTD và người đi vay, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi chủ thể trong nền kinh tế.

Theo ông, xử lý nợ xấu không chỉ là nhiệm vụ của ngành ngân hàng mà là trách nhiệm chung của toàn hệ thống chính trị - pháp luật và cộng đồng doanh nghiệp, người dân, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền tài chính – tín dụng lành mạnh, minh bạch và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.

GS.TS Võ Xuân Vinh đề xuất, để bảo vệ tài sản một cách tốt nhất, minh bạch và công bằng, người dân và doanh nghiệp cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc vay và trả nợ, tuân thủ đầy đủ các cam kết trong hợp đồng tín dụng. Trước khi vay vốn, cần tìm hiểu kỹ về các điều khoản, lãi suất, phí và các quy định liên quan đến tài sản đảm bảo. Trong quá trình vay, cần chủ động theo dõi tình hình tài chính, có kế hoạch trả nợ rõ ràng và thông báo kịp thời cho tổ chức tín dụng nếu gặp khó khăn trong việc trả nợ để cùng tìm hướng giải quyết.

Về phía các cơ quan chức năng, theo GS Vinh, cần tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật trong hoạt động cho vay và xử lý nợ xấu. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tín dụng ngân hàng để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về quyền và nghĩa vụ của mình. Đặc biệt, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả việc thực thi các quy định về thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo để ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền lực từ phía các tổ chức tín dụng. Cuối cùng, việc hoàn thiện hệ thống thông tin tín dụng quốc gia cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các tổ chức tín dụng đánh giá chính xác hơn rủi ro tín dụng và người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức về lịch sử tín dụng của mình.

Khẳng định Nghị quyết 42, Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 đã luật hóa một số quy định về nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm. Hành lang pháp lý này đã giúp việc xử lý nợ xấu diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo ông Trần Phương Hồng - Phó Cục Trưởng Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM, điều này gây khó khăn lớn cho các TCTD trong việc thực thi quyền thu giữ tài sản bảo đảm, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn cũng như tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp, nhất là khi Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.

Ông Trần Phương Hồng - Phó Cục Trưởng Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM

Ông Trần Phương Hồng - Phó Cục Trưởng Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM

Ông cung cấp thông tin tới Tọa đàm: Luật các TCTD lần này, đề xuất ba nhóm chính sách với mục tiêu bảo đảm cân bằng giữa quyền lợi hợp pháp của TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ với các quyền hợp pháp của bên bảo đảm tài sản.

Một là, luật hóa quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Theo đó, quy định rõ TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ được quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp tại hợp đồng bảo đảm đã có thỏa thuận về việc này. Đồng thời, việc thu giữ tài sản bảo đảm phải tuân thủ các điều kiện, trình tự, thủ tục theo quy định. Trong quá trình thu giữ, các TCTD không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.

Hai là, luật hóa quy định về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án. Theo đó, tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại TCTD sẽ không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; trừ trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc trường hợp có sự đồng ý của TCTD.

Ba là, luật hóa quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự và bổ sung quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Theo đó, sau khi hoàn tất thủ tục xác định chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo đề nghị của bên nhận bảo đảm là TCTD.

Nhìn từ góc độ cơ quan tố tụng, TS. Sỹ Hồng Nam - Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu tác động đến nhiều đạo luật quan trọng như: Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai... Do đó, để đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả của chế định này cần phải luật hóa việc xử lý nợ xấu của các TCTD thành đạo luật riêng hoặc trong Luật CTCTD.

TS. Sỹ Hồng Nam - Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

TS. Sỹ Hồng Nam - Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

“Điểm mới của Nghị quyết 42 tháo gỡ khó khăn cho tổ chức tín dụng, khuyến khích tổ chức, cá nhân mua nợ xấu, từng bước hình thành thị trường mua bán nợ. Nội dung này được quy định tại Điều 9: Bên mua khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu mà tài sản bảo đảm của khoản nợ đó là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai. Được quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua; Bên mua khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu mà tài sản bảo đảm của khoản nợ đó là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp.” ông Nam nói

Ông Nam cũng chia sẻ một số thông tin mà ông cho rằng còn nhiều mâu thuẫn liên quan đến vấn đề xử lý Nợ xấu:

Về đăng ký tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của bên mua nợ xấu: Nghị quyết 42 giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản bảo đảm của khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Bộ Tài nguyên và Môi tường đã ban hành Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 nhưng hướng dẫn này không đầy đủ đã dẫn đến tổ chức, cá nhân mua bán nợ được đăng ký giao dịch bảo đảm kế thừa tổ chức tín dụng đã bán nợ xấu nên các cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thường từ chối với lý do chưa văn bản hướng dẫn. Điều này dẫn đến tranh chấp và rủi ro cho bên mua nợ, chưa khuyến khích các tổ chức, cá nhân mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Về xác định điều kiện để thu giữ tài sản đảm bảo: Điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là: “Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật”. Do chưa có hướng dẫn cụ thể cũng như thực tiễn khi tổ chức tín dụng tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của bên đảm bảo thì chủ sở hữu tài sản bảo đảm tạo ra các tranh chấp và có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự Tòa án phải thụ lý giải quyết tranh chấp khi tranh chấp đó thuộc thẩm quyền của Tòa án và người khởi kiện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình; khi thụ lý vụ án ngoài đương sự và cơ quan tiến hành tố tụng, Tòa án không có nghĩa vụ thông báo hay tống đạt Thông báo thụ lý vụ án cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Trong khi đó, giữa Tòa án với cơ quan Thi hành án cũng như cơ quan quản lý đất đai không có sự liên thông để cho phép kiểm tra, trích dẫn thông tin liên quan đến tài sản tranh chấp.

Theo ông Nam, hiện đang còn những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện thủ tục rút gọn như: Sau Nghị quyết 42, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng về thủ tục rút gọn, nhưng thực tế rất khó áp dụng thủ tục này. Tại TP HCM các tranh chấp liên quan đến tín dụng nói chung và tranh chấp có liên quan đến nợ xấu nói riêng rất lớn, nhưng đến nay chưa có vụ nào được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Phá biểu tại Tọa đàm, ông Phan Đình Điền - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB - cho rằng Xử lý nợ xấu là một nội rất quan trọng đối với các TCTD, tinh thần Nghị quyết 42 tạo động lực cho các tổ chức tín dụng nhưng khi hết thời hiệu đến nay, tạo ra khoảng trống pháp lý. Quá trình thực tiễn việc thu giữ tài sản phụ thuộc vào: Bên thế chấp không chống đối.

Ông Phan Đình Điền - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB

Ông Phan Đình Điền - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB

Chống đối ở đây được hiểu là sự phản kháng, ngăn chặn bằng hành vi, lời nói ngằm ngăn cản người khác thực hiện các hành vi đúng đắn, thu giữ tài sản bảo đảm.

Ví dụ như bên bảo đảm khóa cửa, không ra ngoài, không hợp tác hoặc nộp đơn khiếu nại tạm ngưng thu giữ tài sản hoặc ủy quyền cho bên thứ 3 để thực hiện việc phản đối quá trình thu giữ tài sản. Những việc này gây cản trở đến quá trình xử lý nợ xấu.

“Tôi mong qua tọa đàm này, với sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, nhiều chuyên gia, có ý kiến đề xuất thông qua Bộ Tư pháp để sắp tới Quốc hội cần có quy định cụ thể về hành vi chống đối bằng một thông tư hoặc một quy định cụ thể thế nào là chống đối. Những hành vi nào được liệt kê là chống đối, không phải chống đối. Đồng thời, bổ sung thêm đơn vị thứ ba, ví ụ Tư pháp phường để cùng làm việc xác định, lập biên bản hành vi đó có phải chống đối hay không. Từ đó, việc thu giữ tài sản bảo đảm của các TCTD được thuận lợi, không vướng vào điều cấm và rút ngắn được thời gian thu giữ tài sản bảo đảm.” – ông nói.

Gửi ý kiến tới Tọa đàm, TS Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng trường ĐH Luật Tp Hồ Chí Minh khẳng định: Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội ngày 21 tháng 6 năm 2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý tạm thời để TCTD xử lý nợ xấu và TSBĐmột cách nh anh chóng, hiệu quả. Khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, các quy định pháp luật hiện thành không cung cấp một cơ chế đủ rõ ràng và khả thi để thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm. Bài viết đặt ra vấn đề cần thiết phải luật hóa quyền thu giữ TSBĐ để cân bằng lợi ích giữa bên cho vay và bên vay, đồng thời đảm bảo hiệu quả xử lý nợ xấu trong bối cảnh không Nghị quyết 42 hết hiệu lực.

Các đại biểu tham gia phát biểu tại Tọa đàm.

Các đại biểu tham gia phát biểu tại Tọa đàm.

TS Lê Trường Sơn đã đưa ra một số nhận định về tính ưu việt của Nghị quyết 42, như vấn đề “ngoại lệ” trong quyền thu giữ tài sản bảo đảm như: Theo quy định của BLDS 2015, TCTD không có quyền tự mình thu giữ tài sản bảo đảm, trừ khi được sự đồng ý của bên bảo đảm hoặc được pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể. Điều này lý giải vì sao Nghị quyết 42 lại từng được xem là một “ngoại lệ có điều kiện” mang tính đặc thù – khi cho phép TCTD thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm mà không cần thông qua tòa án – và cũng lý giải vì sao khoảng trống pháp lý hiện nay trở nên đáng lo ngại khi văn bản này đã hết hiệu lực.

Một trong những điểm đột phá mang tính “ngoại lệ pháp lý” của Nghị quyết 42 được TS Lê Trương Sơn cung cấp thêm tới Tọa đạm chính là quyền thu giữ tài sản bảo đảm được trao cho các TCTD trong điều kiện nhất định. Cụ thể, Điều 7 Nghị quyết 42 cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán và xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà không cần phải khởi kiện và chờ bản án có hiệu lực thi hành từ Tòa án, với điều kiện như sau:

- Thứ nhất, khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 của Bộ luật Dân sự

- Thứ hai, trong hợp đồng bảo đảm phải có thỏa thuận rõ ràng bằng văn bản về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm khi phát sinh tình huống xử lý tài sản.

- Thứ ba, Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính công khai và đối kháng với bên thứ ba.

- Thứ tư, Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật.

- Thứ năm, việc thu giữ phải được thực hiện theo đúng quy trình công khai: đăng tải thông tin trên phương tiện điện tử, gửi thông báo đến UBND cấp xã và cơ quan công an nơi có tài sản, niêm yết công khai tại trụ sở chính quyền và địa điểm có tài sản, đồng thời gửi thông báo đến bên bảo đảm theo địa chỉ hợp đồng.

- Thứ sáu, chính quyền địa phương và lực lượng công an có trách nhiệm phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự trong quá trình thu giữ khi có đề nghị của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.

Cơ chế thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42 mang bản chất là một ngoại lệ có kiểm soát nghiêm ngặt đối với nguyên tắc xử lý tài sản trong Bộ luật Dân sự như đã được phân tích. Nghị quyết không tạo ra một quyền tuyệt đối cho TCTD, mà chỉ cho phép hành vi thu giữ tài sản bảo đảm khi các điều kiện về mặt pháp lý – thực tiễn – thủ tục được đáp ứng đầy đủ, và đặc biệt, luôn đặt trong khuôn khổ giám sát hành chính từ chính quyền địa phương.

Từ góc độ lý luận, Nghị quyết 42 đã tạo ra một cơ chế linh hoạt, tức là thừa nhận tính đặc thù của chủ thể tín dụng trong môi trường kinh tế nhưng không đánh mất nguyên tắc bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Việc không yêu cầu bản án có hiệu lực khi thu giữ tài sản giúp giảm thiểu thời gian xử lý nợ xấu – vốn là một rào cản lớn trong thực tiễn tố tụng – nhưng đồng thời cũng ràng buộc trách nhiệm công khai, minh bạch, có sự phối hợp của cơ quan nhà nước, tránh lạm quyền và xâm phạm quyền lợi của bên bảo đảm.

Tuy nhiên, do là một cơ chế mang tính thí điểm và không được luật hóa vào một đạo luật có giá trị ổn định lâu dài, quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42 phụ thuộc hoàn toàn vào thời hạn hiệu lực của văn bản, và đã chấm dứt vào ngày 01/01/2024. Việc thiếu cơ chế kế thừa hoặc luật hóa nội dung này hiện đang đặt ra bài toán lớn về khoảng trống pháp lý trong hoạt động xử lý tài sản bảo đảm, đặc biệt khi bên bảo đảm không tự nguyện bàn giao tài sản, dù các bên có thoả thuận rõ ràng bằng văn bản về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm khi phát sinh tình huống xử lý tài sản bảo đảm.

Trong chia sẻ gửi tới Tọa đàm, TS Lê Trường Sơn cũng đã đa ra những nhận định về tác động thực tế khi Nghị quyết 42 còn hiệu lực và khoảng trống pháp lý sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực

Để khắc phục khoảng trống pháp lý hiện nay sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, đồng thời bảo đảm sự cân bằng hài hòa giữa quyền lợi của TCTD và quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp của bên bảo đảm, theo ông, cần thiết phải tiến hành hoàn thiện pháp luật theo hướng luật hóa một cách rõ ràng và chặt chẽ cơ chế thu giữ tài sản bảo đảm. Trước hết, cần bổ sung quy định cụ thể trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 về quyền thu giữ tài sản bảo đảm phương thức có điều kiện như quy định tại Điều 7 của Nghị quyết 42.

Ông đưa quan điểm: TCTD chỉ được thực hiện hành vi thu giữ tài sản bảo đảm nếu có đầy đủ thỏa thuận bằng văn bản trong hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm đã được đăng ký hợp pháp, tài sản không đang bị tranh chấp hoặc kê biên, và quá trình thu giữ tuân thủ đầy đủ các bước công khai, thông báo đến bên bảo đảm cũng như các cơ quan liên quan. Đồng thời, để tránh lạm dụng, việc thu giữ cần được đặt dưới sự giám sát trực tiếp của chính quyền cấp cơ sở nhằm đảm bảo tính minh bạch và trật tự xã hội.

Song hành với đó, cần xác định rõ trách nhiệm của chính quyền cấp xã và cơ quan công an tại địa phương trong việc phối hợp, hỗ trợ và giám sát quá trình thu giữ, đặc biệt trong việc bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, xử lý các tình huống phát sinh. Việc phối hợp này không nên chỉ dừng ở tính khuyến nghị mà cần được cụ thể hóa bằng các quy định pháp luật có tính bắt buộc, ràng buộc trách nhiệm pháp lý rõ ràng.

Ngoài ra, cần thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm. Theo đó, TCTD cần được quyền tra cứu thông tin liên quan đến tài sản trước khi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, nhằm đảm bảo không xảy ra tình trạng thu giữ nhầm tài sản đang bị tranh chấp, kê biên hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Cơ sở dữ liệu này cần được vận hành trên nền tảng kết nối giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự, và Văn phòng đăng ký đất đai nhằm bảo đảm tính cập nhật, chính xác và khả năng tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả và đúng thẩm quyền.

Cuối cùng, để tạo điều kiện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên bảo đảm, đồng thời đảm bảo tính hợp pháp của quá trình thu giữ, cần xây dựng cơ chế kiểm soát và khiếu nại hiệu quả. Trong đó, nên cho phép bên bảo đảm được quyền gửi đơn khiếu nại khẩn cấp khi cho rằng việc thu giữ tài sản bảo đảm vi phạm trình tự hoặc xâm phạm quyền lợi chính đáng. Trường hợp có căn cứ, cơ quan có thẩm quyền cần có thể áp dụng ngay biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm tạm dừng việc thu giữ tài sản bảo đảm.

Phát biểu tham luận tại Tọa đàm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM hoan nghênh Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tọa đàm này, bởi vấn đề nợ xấu gây tác động lớn đến doanh nghiệp, là “cục máu đông” của nền kinh tế.

Ông có đề nghị Luật hóa vấn đề xử lý nợ xấu vào luật đất đai, luật kinh doanh bất động sản, đồng thời mong muốn bảo đảm quyền lợi người thế chấp tài sản khi luật hóa Nghị quyết 42. Đồng thời, cần có quỹ đầu tư để cung cấp cho quỹ trung và dài hạn cho các dự án trung và dài hạn.

Đưa ý kiến về vấn đề có nên “Luật hóa” quy định xử lý nợ xấu, Luật sư Dương Thanh Minh, Công ty Luật DT Law đóng góp ý kiến: Luật phải bảo đảm tính thực thi. Khi đề cập đến việc thu giữ tài sản, trước đây có thông tư liên tịch giữa Bộ Công an về trình tự xử lý tài sản, thông tư quy định rõ cụ thể chi tiết có đưa ra cụm từ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Công an. Dự thảo Nghị định 163 có thông tư liên tịch 03 quy định về trình tự thủ tục thẩm quyền về tài sản, tuy nhiên không được chấp nhận.

Luật sư Dương Thanh Minh, Công ty Luật DT Law

Luật sư Dương Thanh Minh, Công ty Luật DT Law

Qua tọa đàm, LS Minh đề xuất 2 nội dung: Áp dụng cơ chế xét xử rút gọn, kịp thời về các hợp động tín dụng, yêu cầu bàn giao, thu giữ tài sản. Cơ chế phán quyết của tòa là hữu hiệu nhất; Cần cụ thể các loại án, yêu cầu cụ thể và phải có thời hạn nhất định, góp phần xử lý tài sản.

Bên cạnh, quy trình hóa thủ tục hóa trong luật xử lý tài sản, trong đó có thu giữ. Điều kiện thực hiện, trình tự, khi nhìn vào quy định đó các TCTD sẽ làm được ngay.

“Trong quá trình hành nghề, tôi thấm thía 2 vấn đề là đăng ký giao dịch đảm bảo - mặc dù quy định đầy đủ nhưng chúng tôi rất vất vả để đăng ký được giao dịch bảo đảm. Bên cạnh hành vi vật lý về chống đối, không đồng ý, chúng tôi biết có rất đa dạng, ngoài ra họ còn đưa ra cách hành vi pháp lý là tạo ra tranh chấp” LS Minh nêu,

Chia sẻ từ một vụ việc có thật ở tòa nhà Sài Gòn Tết, Tiến sĩ Lê Lâm, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho biết khi bán đấu giá tòa tài sản vụ án này, ông đã tham gia rất hào hứng. Từ vụ việc đó, ông thấy rằng, nếu không luật hóa, không có chế tài mà để con nợ biến khách hàng, người mua tài sản đấu giá thành con tin, con nợ.

Tiến sĩ Lê Lâm, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn

Tiến sĩ Lê Lâm, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn

Ông chia sẻ thêm: "Sau 3 năm theo đuổi các vụ kiện, tôi nhận thấy khách hàng bị bỏ rơi. Chúng tôi phải lấy tài sản của mình ra đánh cược. Sau 3 năm, ngân hàng không đứng về chúng tôi, con nợ chây ì."

"Có thể có biện pháp nào bảo vệ quyền lợi của khách hàng mua tài sản bán đấu giá từ ngân hàng hay không?"ông đặt câu hỏi.

Tham dự tọa đàm, một bác sỹ công tác tại BV của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ tình huống của bản thân, khi ông đi công tác, sử dụng thẻ Visa và bị hack tài sản 100 triệu đồng. Ông đã lập tức báo cáo với ngân hàng nhưng chỉ xử lý ngăn chặn 1 vài giao dịch. Đến nay 5 năm rồi ông vẫn còn “nợ xấu”. Qua vụ việc ông mong muốn có thể bảo đảm cho khách hàng khi đã cố gắng hết sức đã khắc phục xử lý nợ xấu, có cơ chế minh oan cho giao dịch tài chính.

Giải đáp tình huống này, ông Nguyễn Đức Lệnh cho hay: Theo quy định thẻ tín dụng khi có rủi ro bị hacker lợi dụng, khách hàng cần báo kịp thời với Ngân hàng. Nếu còn những vấn đề chưa được xử lý thì tiếp tục phản ánh đến Ngân hàng xử lý. Nếu chưa xử lý được thì có thể báo đến NHNN để tiếp tục xử lý, qua đường dây nóng của NHNN khu vực 2, tiếp nhận thông tin khách hàng chia sẻ, hỗ trợ.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cũng cho biết, hiện nay mức độ bảo đảm an toàn của Ngân hàng đã khá tốt. Do vậy khách hàng cần bảo đảm mức độ an toàn, bảo mật thông tin. Mặc dù đã có nhiều truyền thông về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, nhưng vẫn còn có cá nhân khẩn trọng, trong khi tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, tìm cách để đánh cắp thông tin khách hàng. “Khách hàng cần nâng cao cảnh giác.” – ông cảnh báo.

Cũng tại Tọa đàm hôm nay, các đại biểu cũng đã được lắng nghe các chia sẻ đến từ các đại biểu tham dự như ông Vũ Viết Hưng, Ban pháp chế Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Đại diện NH HDBank, đại diện trường Đại học Ngân hàng… xoay quanh Nghị quyết 42 với các vấn đề trọng tâm là nợ xấu, xử lý nợ xấu.

Kết thúc Tọa đàm, thay mặt đơn vị tổ chức, Nhà báo Hà Ánh Bình – Phó tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam trân trọng bày tỏ lòng cám ơn tới các vị đại biểu đã tớ tham dự và chia sẻ ý kiến tham luận, góp phần làm cho buổi tọa đàm thành công tốt đẹp.

“Nếu quý vị có thêm bất cứ ý kiến nào thì có thể gửi cho Ban tổ chức hội thảo và Báo Pháp luật Việt Nam. CHúng tôi xin sẵn sàng tiếp nhận ý kiến của quý vị không chỉ về các vấn đề của Nghị quyết 42 mà tất cả các vấn đề quý vị quan tâm” – Phó tổng Biên tập Hà Ánh Bình chia sẻ.

Tọa đàm đã chính thức khép lại với phần tặng hoa, tặng kỷ niệm chương của Báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận sự đóng góp của các đại biểu góp phần làm nên thành công của Tọa đàm:

Nguồn: https://baophapluat.vn/can-tiep-tuc-luat-hoa-xu-ly-no-xau-post549303.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm