Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với bảo vệ môi trường

Những năm gần đây, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn tại tỉnh Phú Thọ. Để hướng tới sản xuất bền vững, các sản phẩm OCOP không chỉ được chú trọng về chất lượng và mẫu mã mà còn quan tâm đến yếu tố môi trường trong quá trình sản xuất, chế biến.

Báo Phú ThọBáo Phú Thọ22/05/2025


Phát triển sản phẩm OCOP gắn với bảo vệ môi trường

HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn) chú trọng các khâu sản xuất an toàn và sử dụng chai, lọ thủy tinh để đóng gói mật ong.

Tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, lồng ghép các chương trình, dự án liên quan để tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn ưu đãi và chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường cho các chủ thể OCOP. Các chủ thể tham gia Chương trình được khuyến khích chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng an toàn, thân thiện môi trường, giảm thiểu tác động xấu đến hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Việc gắn phát triển sản phẩm OCOP với bảo vệ môi trường không chỉ thể hiện trách nhiệm với cộng đồng mà còn mở ra hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Theo thống kê đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có trên 300 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, thuộc nhiều nhóm ngành như thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch cộng đồng... Điểm đáng ghi nhận là ngày càng nhiều chủ thể OCOP, trong đó có các hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp đã ý thức được đảm bảo yếu tố môi trường trong sản xuất.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Lâm (xã Bản Nguyên, Lâm Thao) phát triển chuối tiêu với diện tích trên 40ha theo hướng hàng hóa an toàn, thân thiện môi trường; sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, góp phần nâng giá trị kinh tế và xây dựng thương hiệu nông sản sạch địa phương.

Ông Hán Quang Vinh - Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi xác định rõ muốn phát triển lâu dài thì không thể chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng và môi trường. Do đó, HTX tổ chức sản xuất chuối tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP, trong canh tác giảm thiểu sử dụng hóa chất, ưu tiên phân hữu cơ và các biện pháp sinh học, hướng tới mô hình canh tác thân thiện với môi trường, bảo vệ đất, nước và hệ sinh thái canh tác lâu dài”.

Trong tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP, có một số nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, bao gồm: Việc tuân thủ hồ sơ, thủ tục về môi trường theo quy định pháp luật; minh chứng về công trình thu gom, xử lý chất thải; sử dụng bao bì thân thiện với môi trường; áp dụng công nghệ theo hướng bền vững như công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, xử lý và tái chế chất thải, tận thu phụ phẩm nông nghiệp nhằm giảm thiểu tác động môi trường.

Việc đưa các tiêu chí bảo vệ môi trường vào đánh giá sản phẩm OCOP không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất về tầm quan trọng của phát triển bền vững mà còn thúc đẩy áp dụng các quy trình, kỹ thuật thân thiện với môi trường trong thực tế sản xuất. Nhiều đơn vị đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình để tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn, giảm thiểu phát thải và ô nhiễm. Đặc biệt, việc sử dụng vật liệu bao gói thân thiện với môi trường như bao bì tự phân hủy hoặc có thể tái sử dụng đang dần trở thành xu hướng chung, góp phần giảm áp lực lên môi trường sống và tăng giá trị cảm quan cho sản phẩm.

HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Mỹ Thuận (xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn) đang phát triển nghề nuôi ong lấy mật theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. HTX có khoảng 2.200 đàn ong với sản lượng thu hoạch trung bình khoảng 20.000 lít mật mỗi năm, sản phẩm của HTX đạt OCOP 3 sao. Ông Đinh Trọng Tâm - Giám đốc HTX cho biết: “Trong nuôi ong, môi trường nuôi được xem là yếu tố quyết định đến sức khỏe đàn ong và chất lượng mật. HTX lựa chọn vùng cây nguồn mật nằm xa các khu vực ô nhiễm, vùng phun thuốc trừ sâu để bảo vệ đàn ong. Trong đóng gói, HTX cũng ưu tiên sử dụng chai, lọ thủy tinh thân thiện với môi trường nhằm bảo quản mật tốt hơn và có thể tái sử dụng”.

Những kết quả đạt được cho thấy, việc gắn bảo vệ môi trường với phát triển sản phẩm OCOP đóng vai trò quan trọng trong nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Để tiếp tục phát huy hiệu quả, các cấp, ngành và địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể OCOP tiếp cận công nghệ xanh, đồng thời tăng cường giám sát việc thực hiện các tiêu chí môi trường trong sản xuất. Đây là nền tảng quan trọng để Chương trình OCOP của tỉnh phát triển theo hướng bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm với môi trường, cộng đồng.

Nguyễn Huế

Nguồn: https://baophutho.vn/phat-trien-san-pham-ocop-gan-voi-bao-ve-moi-truong-232970.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm