Người dân làm các thủ tục có bảo hiểm y tế trong bệnh viện tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thời gian qua, các bệnh viện tuyến cuối thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải khi lượt bệnh nhân đến khám và điều trị gia tăng. Trong số đó, không ít người bệnh mạn tính đã được điều trị ổn định phải chờ đợi cả ngày để được cấp thuốc điều trị định kỳ 1 tháng/lần.
Giảm lượt thăm khám, tiết kiệm thời gian
Nhiều người bệnh mạn tính chia sẻ họ thường xuyên phải chờ đợi từ lấy số khám, xét nghiệm (nếu bác sĩ chỉ định), chờ kết quả, lấy thuốc... và thường ở bệnh nhân đã điều trị ổn định thì đơn thuốc này không thay đổi.
Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho hay trong thời gian cách ly do dịch COVID-19, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã hướng dẫn các bệnh viện phát thuốc 2-3 tháng/lần cho người bệnh mắc bệnh mạn tính đã được điều trị ổn định.
Sau dịch, việc cấp thuốc này được thực hiện theo quy định cũ (30 ngày/lần). Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị Bộ Y tế kéo dài thời gian cấp phát thuốc cho nhóm người bệnh này lên 2-3 tháng/lần nhằm bớt thời gian đi lại và chờ đợi cho bệnh nhân, lại giảm quá tải bệnh viện.
Ông Hòa chia sẻ đề xuất này dựa trên ý kiến chuyên môn với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đã ổn định thì không phải đổi thuốc thường xuyên. Ông cũng dẫn chứng tại nhiều nước đã áp dụng kê đơn 60 ngày. Tại Thái Lan, từ 2010 đã cấp thuốc 2 tháng/lần đối với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính điều trị ổn định.
Việc thay đổi thời gian cấp thuốc được BHXH Việt Nam đánh giá sẽ giúp bệnh nhân kéo dài thời gian tái khám, bệnh nhân không mất công đi lại, thời gian, chi phí... và giảm tải cho bệnh viện.
Vào tháng 6-2024, Sở Y tế TP Hà Nội đã kiến nghị về việc triển khai thí điểm cấp thuốc mạn tính 2 tháng tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Trong đó phân tích dữ liệu thời gian dịch COVID-19 cho thấy việc cấp thuốc 2 tháng đối với nhóm bệnh mạn tính ổn định thực sự mang lại hiệu quả cho cả người bệnh và bệnh viện; giảm bớt áp lực chờ đợi cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh cao tuổi, sức khỏe yếu.
Từ tháng 11-2024, Bệnh viện Xanh Pôn đã áp dụng phát thuốc 2 tháng/lần cho người bệnh mạn tính. Ông Lương Đức Dũng - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Xanh Pôn - cho biết tỉ lệ bệnh nhân nhận thuốc 2 tháng/lần phải quay lại tái khám trong vòng 50 ngày (gần 2 tháng) chiếm 3% trong nhóm này; các nguyên nhân chủ yếu là xuất hiện tác dụng phụ, phản ứng không mong muốn, cần điều chỉnh liều hoặc đổi thuốc, phát sinh triệu chứng bất thường...
97% trong 2.300 bệnh nhân được phát thuốc dài ngày hơn điều trị an toàn, không cần phải tái khám trước khi đến đợt khám mới. Ông Dũng cho rằng qua đó giúp tiết kiệm thời gian đi lại, thời gian chờ khám, đặc biệt với người bệnh là người cao tuổi hoặc ở xa bệnh viện.
Theo ông Dũng, với bệnh viện, chính sách này cũng góp phần giảm đáng kể tần suất đến bệnh viện của người bệnh, đặc biệt trong các khung giờ vốn đông người bệnh là 8 - 10h sáng và 13 - 15h chiều, qua đó thuận lợi hơn cho công tác chuyên môn tại các khoa khám bệnh.
Ông cũng nhận định Bệnh viện Xanh Pôn hiện có 230.000 người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, nếu số người bệnh mạn tính đăng ký nhận thuốc 2 tháng/lần gia tăng thì hiệu quả giảm tải có thể còn cao hơn.
Tính toán để phù hợp với trường hợp cụ thể
Trong cuộc họp về đề xuất thời gian kê đơn, cấp thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính của BHXH Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý khám chữa bệnh đã xin ý kiến các chuyên gia về đề xuất của BHXH Việt Nam và Sở Y tế TP Hà Nội.
Theo các bác sĩ, các chuyên khoa và hội chuyên ngành cũng đề nghị xem xét điều chỉnh thời gian kê đơn đối với một số bệnh mạn tính đã điều trị ổn định có thể tối đa là 60 ngày hoặc 90 ngày, thậm chí có thể lâu hơn.
Tuy nhiên thời gian kê đơn thuốc trong mỗi trường hợp phải xem xét cụ thể mặt bệnh, tình trạng người bệnh; cần lấy hiệu quả điều trị và an toàn của người bệnh là ưu tiên hàng đầu.
Một bác sĩ chuyên khoa nội tiết cũng cho rằng hiện nay nhiều người dân đã có hiểu biết về bệnh lý mạn tính mình mắc phải, cấp thuốc dài ngày hơn cũng có thể giảm khả năng bệnh nhân quên thuốc, gián đoạn thuốc. Tuy nhiên cũng phải tư vấn từng người bệnh, hướng dẫn đến cơ sở y tế khi có những triệu chứng chuyển nặng.
"Cũng cần tính trường hợp bệnh nhân chưa sử dụng hết thuốc nhưng đã tái khám do bệnh chuyển nặng, phải đổi thuốc, thuốc cấp trước đó hoàn trả, xử lý ra sao? Bệnh nhân sắp hết hạn thẻ BHYT có được cấp đủ thuốc trong 2 - 3 tháng hay không?
Cũng có thể khi quy định cấp thuốc dài hơn, một số người bệnh dù chưa ổn định nhưng vẫn muốn cấp thuốc kéo dài, bác sĩ không kê đơn bị cho là "khó dễ", gây ra những phản ứng tiêu cực không mong muốn. Những tình huống này đều có thể xảy ra và cần cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể", bác sĩ này cho hay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 21-5, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho hay đơn vị này đang soạn thảo sửa đổi thông tư 52 quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú. Cục đã lấy ý kiến các bệnh viện, chuyên gia và sẽ họp hội đồng chuyên môn để đưa ra nội dung sửa đổi phù hợp trước khi ban hành.
Nhiều người dân kỳ vọng thông tư 52 khi sửa đổi sẽ bổ sung việc tăng thời gian cấp thuốc cho người bệnh mạn tính.
Bảo hiểm y tế phải thuận lợi cho người dân
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Trang, vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), bày tỏ đồng tình với đề xuất của BHXH Việt Nam về việc kéo dài thời gian cấp thuốc cho bệnh nhân mạn tính.
Bà Trang cho hay với nhiều bệnh nhân mạn tính đã điều trị ổn định có thể tăng thời gian cấp phát thuốc, không chỉ thuận lợi người bệnh không phải đi lại, chờ đợi mà còn giúp bệnh viện giảm tải. "Khi bệnh viện giảm bớt được lượng bệnh nhân mạn tính sẽ có thời gian và nhân lực để khám điều trị cho những bệnh nhân nặng hơn", bà Trang nói.
Bên cạnh đó, bà cũng cho rằng việc kéo dài thời gian cấp thuốc còn làm tiết kiệm cho quỹ bảo hiểm y tế khi giảm lượt khám, lượt xét nghiệm (nếu có). Khi tiết kiệm được quỹ bảo hiểm y tế sẽ giúp có nguồn lực để mở rộng quyền lợi cho người bệnh. "Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo điều trị hiệu quả cho người bệnh", bà Trang nhấn mạnh.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cap-thuoc-cho-nguoi-benh-2-thang-lan-dung-chan-chu-nua-20250527225811722.htm
Bình luận (0)