Tình yêu vượt khoảng cách
“Một người ở Việt Nam, một người ở Ấn Độ, 5 năm yêu xa, 2 lần cưới và giờ là một tổ ấm nhỏ có tiếng con cười”, Đoàn Thị Hồng Thắm (SN 1995, quê Hà Nam, nay là tỉnh Ninh Bình) xúc động kể về chuyện tình vượt 4.000km với người chồng Ấn Độ - anh Ajeet Kumar Verma (SN 1990).
Vợ chồng Hồng Thắm và Ajeet
Năm 2015, khi đang là sinh viên đại học năm thứ 2, Thắm tham gia một kênh học tiếng Anh. Vô tình, Ajeet cũng trau dồi khả năng nói tiếng Anh trên đó nên hai người quen biết nhau.
Trong lớp học trực tuyến, Ajeet là người dạy tiếng Anh, còn Thắm và nhiều người khác là học viên. Mỗi tuần, họ học 2-3 buổi. Sau vài tháng, mọi người dần rời lớp, chỉ còn Thắm và Ajeet học cùng nhau.
Tháng 4/2016, vào ngày sinh nhật Ajeet, Thắm làm một video chúc mừng. Với Thắm, đó chỉ là một video đơn giản nhưng với Ajeet đó lại là món quà khiến tim anh “lỡ nhịp”. Ajeet khéo léo ngỏ lời với Thắm ngay sau đó.
“Ban đầu, tôi lơ đi. Sau này, hai đứa nhắn tin tâm sự nhiều hơn, tôi mới mở lòng.
Thời sinh viên, tôi ở trọ cùng em gái nên bị giám sát rất kỹ. Quen Ajeet, tôi vừa gặp khó khăn khi phải yêu xa, vừa phải lén lút giấu giếm gia đình. Về phía Ajeet, vì anh học xa nhà nên gia đình cũng không biết chuyện”, Thắm kể.
Cả hai cứ thế trải qua tháng ngày yêu đương kín đáo. Khoảng cách 4.000km có những lúc khiến Thắm thấy hoài nghi về tình cảm này. Cho đến khi Ajeet sẵn sàng bỏ dở kỳ thi công chức, đổi sang ngành khác để dễ dàng hơn trong việc đi lại giữa Việt Nam và Ấn Độ, cô mới thực sự tin tưởng anh.
“Anh đã dành 2 năm theo đuổi kỳ thi này. Bố mẹ anh cũng đầu tư nhiều nên khi biết anh bỏ ngang đã rất tức giận. Sự kiên định của anh khiến tình cảm của chúng tôi tiến thêm bước dài”, Thắm kể.
Năm 2017, Ajeet lần đầu sang Việt Nam gặp bạn gái. Quyết định này bị bố mẹ phản đối dữ dội nhưng anh vẫn kiên định với lòng mình.
“Tôi giấu gia đình ra sân bay đón anh. Nhìn thấy người trò chuyện với mình suốt 2 năm qua, tôi càng tin tình cảm này là thật. Còn anh ấy thì nói ‘cái ôm đầu tiên khiến anh nổi da gà vì lần đầu được ôm con gái’”, Thắm cười kể lại.
Năm 2018, Ajeet lần thứ 2 sang Việt Nam. Anh theo Thắm về nhà ra mắt và bị cả gia đình phản đối. Các chị gái của Thắm dùng ứng dụng dịch tiếng nói, cả hai chỉ được làm bạn chứ không được yêu đương. Ajeet ngồi khóc tại chỗ vì hụt hẫng.
Thắm được bố mẹ chồng đón tiếp nhiệt tình trong lần gặp đầu tiên
Nhưng anh không bỏ cuộc, từ sau lần ra mắt đó, mỗi năm anh sang Việt Nam 2 lần để thăm Thắm và gia đình. Sự kiên trì của anh khiến cả nhà Thắm “mềm tim”, ủng hộ mối quan hệ của cặp đôi với điều kiện, anh phải sang Việt Nam sinh sống.
“Gia đình anh khi biết tôi đã có công việc ổn định, là người phù hợp với anh thì cũng ủng hộ. Tháng 5/2022, tôi lần đầu ra mắt bố mẹ anh, cũng là lúc sang Ấn Độ để làm đám cưới.
Gia đình anh đón tiếp tôi nhiệt tình. Mẹ và chị gái anh mua cho tôi 3 bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn. Mọi người không cho tôi động tay vào việc gì, việc duy nhất tôi phải làm là viết thiệp cưới”, Thắm kể.
"Mỗi ngày bên nhau là một ngày mới mẻ"
Tại đám cưới ở Ấn Độ, Thắm được quyết định mọi thứ, từ chọn thiệp mời, trang trí đám cưới cho đến lựa chọn hoa cưới. Cô thấy mình được nhà chồng trân trọng.
Vợ chồng Hồng Thắm được khách khứa bôi nghệ lên mặt trong lễ Haldi
Đám cưới được tổ chức trong 3 ngày, ngày đầu tiên là lễ Haldi, cô dâu và chú rể được quan khách bôi nghệ vàng khắp mặt như một lời chúc phúc. Ngày thứ 2, hôn lễ tổ chức tại khách sạn, mọi người nhảy múa từ tối hôm trước đến rạng sáng ngày hôm sau. Ngày thứ 3, cô dâu, chú rể nhận quà cưới từ họ hàng và đáp lễ lại bằng những tấm vải đẹp.
“Nghi thức tôi bất ngờ và thích nhất là vẽ Mehndi cho cô dâu. Vào buổi tối, khi mọi người nhảy múa, cô dâu sẽ được vẽ lên tay và chân những hoa văn phức tạp nhưng có độ cân xứng cuốn hút.
Thợ vẽ khéo léo viết tên chú rể ẩn vào những hoa văn đó và ở phần trò chơi, anh buộc phải tìm được tên mình nếu không sẽ bị phạt.
Cô dâu được vẽ Mehndi trong đám cưới
Đám cưới ở Việt Nam được tổ chức sau đó 4 tháng, gia đình nhà trai có 12 người tham dự. Mọi người bất ngờ khi đám cưới ở Việt Nam diễn ra quá nhanh và thay vì cô dâu mang của hồi môn về thì nhà trai sẽ phải nạp tài, trao sính lễ.
“Tuy nhiên, cả hai gia đình đều không quá để tâm vào việc này”, Thắm nói.
Cặp đôi hiện sống tại Hà Nội, Ajeet làm trong ngành công nghệ thông tin, còn Thắm tạm nghỉ việc, ở nhà nội trợ. Thời gian sống ở Ấn Độ khá ít nên Thắm không gặp nhiều khó khăn trong việc bất đồng văn hóa.
“Gia đình chồng tôi đều nói được tiếng Anh nên không gặp khó khăn trong giao tiếp. Cách 2, 3 ngày bố mẹ chồng tôi lại gọi video nói chuyện với con cháu nên dù ở xa, tình cảm gia đình vẫn gắn bó.
Bố mẹ chồng tôi hiện đại, tôn trọng mọi quyết định của con. Tư tưởng tiến bộ của bố mẹ khiến tôi khâm phục”, Thắm chia sẻ.
Đám cưới ở Việt Nam của Thắm được tổ chức vui vẻ, trọn vẹn
Về người chồng Ấn Độ, Thắm chỉ có thể nói “tuyệt vời”. Anh là người thông minh, điềm đạm, luôn đặt gia đình lên trên hết. Anh nhiều lần nói với vợ: “Chỉ cần vợ con được sống đủ đầy thì chẳng có gì là vất vả với anh”.
“Nhà tôi có 4 chị em gái. Bố tôi mất khi tôi học đại học nên mẹ ở một mình. Từ khi yêu đến lúc cưới nhau, anh luôn chăm lo cho mẹ tôi và còn nói rằng sẽ đón mẹ đến ở cùng để chăm sóc.
Sự quan tâm của chồng dành cho mẹ khiến tôi thấy mình đã chọn đúng người”, Thắm chia sẻ.
Đối với Thắm, điều tốt đẹp nhất khi được làm vợ, làm dâu Ấn Độ là được tiếp xúc với 2 nền văn hóa. Mỗi ngày với Thắm đều rất mới mẻ, đúng như tính cách yêu thích cái mới, ghét sự gò bó dập khuôn của cô.
“Tôi biết, hành trình này chỉ mới bắt đầu, còn nhiều thứ phải trải nghiệm và tôi sẵn sàng đón nhận chúng với niềm háo hức”, Thắm cười chia sẻ.
Nguồn:https://vietnamnet.vn/chang-trai-bo-giac-mo-cong-chuc-bay-4-000km-cuoi-co-gai-ninh-binh-quen-qua-mang-2424249.html
Bình luận (0)