Phát biểu tại buổi công bố, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương phổ biến giống lúa BL9 vào sản xuất theo đúng quy định hiện hành. Bởi Trung tâm Giống nông nghiệp không thể quảng bá thành công giống lúa này.
Chủ tịch Bạc Liêu cũng đề nghị tăng cường liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong việc xây cánh đồng lớn bao tiêu sản phẩm mới – giống lúa BL9, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, đem lại lợi ích cho nông dân; kêu gọi, tạo môi trường thuận lợi để các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch Bạc Liêu gợi mở, hiện nay mới có giống BL9, ngành nông nghiệp cũng đang tạo thêm giống lúa mới mang thương hiệu Bạc Liêu.
Ông Thiều nhấn mạnh: có thương hiệu rồi thì cần truyền thông, quảng bá đến tay doanh nghiệp, người tiêu dùng xem coi ngon cỡ nào, sản xuất thuận lợi hay không, từ đó giúp người dân sản xuất theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị thương hiệu chứ không phải công nhận xong rồi để đó.
Tỉnh Bạc Liêu có gần 59.000ha chuyên canh lúa 2, 3 vụ/năm, gần 48.000ha lúa – tôm, cho sản lượng hằng năm trên 1,2 triệu tấn, tổng giá trị sản xuất đạt gần 8.000 tỉ đồng mỗi năm.
Theo Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu (đơn vị lai tạo giống lúa BL9), giống lúa BL9 có tiềm năng cho năng suất khá, vụ hè thu và thu đông đạt năng suất 5,5- 6,5 tấn/ha, vụ đông xuân đạt 6,5 – 7,5 tấn/ha, thích nghi rộng, dễ canh tác.
Gạo BL9 trong, ít bạc bụng, thơm nhẹ, cơm dẻo ngọt, để nguội không khô. Đặc biệt, qua thí nghiệm tại đơn vị thì giống BL9 có khả năng chịu mặn ở nồng độ khoảng 4‰ trong nhà lưới.
Hiện giống lúa BL9 được trồng khoảng 150ha tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và đang có kế hoạch phát triển lên khoảng 500ha trong thời gian tới.
Trước đó, tại Đồng bằng sông Cửu Long đã có một giống lúa được công nhận lưu hành đặc cách là giống lúa ST25 cho sản phẩm gạo “ngon nhất thế giới” năm 2019, do nhóm nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua lai tạo.