Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Người “canh giữ” báu vật của Tây Nguyên

Trong căn nhà dài nép mình bên hồ Lắk thơ mộng có một người đàn ông lặng lẽ sưu tầm và gìn giữ những hiện vật, di sản của cha ông.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk02/07/2025


    Đó là ông Y Kiêm Ayun (thường gọi là Yo Thọ) ở buôn Lê, xã Liên Sơn Lắk, được mệnh danh là người “canh giữ” báu vật vô giá của văn hóa Tây Nguyên.


    Trong không gian khiêm nhường nhưng tràn đầy hơi thở văn hóa của gia đình nghệ nhân Yo Thọ, nổi bật nhất có lẽ là 9 thanh đàn đá cổ. Đây không chỉ là một hiện vật khảo cổ, mà còn là một câu chuyện đầy duyên kỳ ngộ, minh chứng cho sự tồn tại của một nền văn minh cổ xưa, ẩn mình sâu trong lòng đất.

    Trong đó, có 1 bộ hoàn chỉnh gồm 6 thanh có âm vực tương đồng với bộ chiêng 6 chiếc của người M’nông, 3 thanh còn lại (1 thanh đã bị gãy đôi) chưa ghép âm được. Theo ông, có thể đây là các thanh của một bộ đàn đá khác.

    Nghệ nhân Yo Thọ thẩm âm với những thanh đá trong bộ sưu tập đàn đá cổ.

    Bộ đàn đá này được phát hiện hoàn toàn tình cờ tại xã Krông Nô, cách trung tâm xã Liên Sơn Lắk khoảng 40 km.

    Nghệ nhân Yo Thọ kể rằng, cách đây 15 năm, một người đàn ông ở xã Krông Nô trong quá trình đào bắt dúi đã chạm phải những thanh đá có độ dài ngắn khác nhau nằm sâu dưới bụi le. Nhận thấy sự khác lạ của những thanh đá này, người đàn ông đã mang về nhà và câu chuyện về "những hòn đá biết hát" nhanh chóng lan truyền khắp vùng.

    Với một phần kiến thức về văn hóa truyền thống và sự đam mê với những cổ vật, nên ông đã tìm đến chủ nhân của những thanh đá vô danh kia và rước về với ngôi nhà của gia đình.

    Theo phong tục truyền thống của người M’nông R’lăm, khi gia đình rước về được những vật quý đều tổ chức nghi lễ cúng vật. Gia đình ông đã tổ chức lễ cúng bộ đàn đá một cách trang trọng, kéo dài trong nhiều ngày, nhiều khách mời gồm bà con trong buôn, cùng gia đình bên nội, bên ngoại đã đến chung vui, lắng nghe âm thanh của đàn đá. Nghệ nhân Yo Thọ tiết lộ, ở thời điểm đó, ông đã mua lại bộ đàn đá trị giá tương đương bằng 1,5 tấn cà phê nhân.

    15 năm gắn bó, ông vẫn giữ bộ đàn đá như những báu vật của lòng đất, những thanh âm của đàn vẫn vang vọng ở nếp nhà truyền thống trong sự kiện quan trọng của gia đình hoặc các dịp lễ hội lớn của buôn làng.


    Điểm nhấn khác trong bộ sưu tập của nghệ nhân Yo Thọ là 20 cái ché, mỗi chiếc mang một câu chuyện riêng, một dấu ấn thời gian và một giá trị lịch sử. Ché không chỉ là vật dụng sinh hoạt mà còn là tài sản quý giá, biểu tượng của sự giàu có, quyền lực và tinh thần của các dân tộc Tây Nguyên.

    Trong số đó, 2 chiếc ché đặc biệt là ché Tang Suk và ché Yang Mih, cả hai được ông sưu tầm và mua lại của người dân ở xã Dur Kmăn. Ché Tang Suk với điểm nhấn họa tiết cành hoa và 3 sợi dây thừng quấn quanh thân ché.

    Đây là ché thuộc dòng ché tang cũ, trước đây cha ông thường trao đổi bằng hiện vật trâu hoặc bò. Ché này thường dùng trong các lễ cúng lớn của gia đình như lễ cúng sức khỏe, mừng thọ, cúng nhà mới, bỏ mả… và được xem là cầu nối giữa con người với thần linh. Còn ché Yang Mih (có hình rồng phượng), với họa tiết rồng bay – biểu tượng của quyền lực, may mắn và thịnh vượng trong văn hóa của người Êđê, M’nông trên vùng đất Tây Nguyên.

    Nghệ nhân Yo Thọ bộc bạch, ché không chỉ là vật dụng quý mà còn được coi như một thành viên trong gia đình, được chia sẻ mọi buồn vui, chứng kiến những sự việc trọng đại trong cuộc đời của mỗi cá nhân hay gia đình hoặc cả cộng đồng. Vì vậy, khi có được ché mang về nhà, chủ nhà sẽ thực hiện nghi lễ chào đón như một thành viên mới trong gia đình, hay khi bán hoặc cho đi phải làm lễ cúng chia tay.

    Nghệ nhân Yo Thọ bên bộ sưu tập ché cổ của gia đình.

    Cùng với bộ sưu tập ché, nghệ nhân Yo Thọ còn sở hữu nhiều bộ chiêng cổ có niên đại hàng trăm năm, mỗi bộ mang một câu chuyện, một ý nghĩa riêng, được truyền từ đời này sang đời khác. Ông biết rõ xuất xứ từng chiếc chiêng, tên gọi, chức năng và vai trò của chúng trong từng nghi lễ. Không chỉ vậy, ông còn là một nghệ nhân chơi chiêng điêu luyện, là thành viên có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng tại địa phương.

    Bộ sưu tập của nghệ nhân Yo Thọ không chỉ là một tập hợp các hiện vật, đó là một bảo tàng sống động, một minh chứng cho sự giàu có về văn hóa của đồng bào Êđê, M’nông ở Tây Nguyên. Ông cho rằng, việc bảo tồn văn hóa không chỉ là cất giữ mà còn là lan tỏa. Vì vậy, ông thường xuyên đón tiếp các đoàn khách du lịch, những nhà nghiên cứu đến tham quan và tìm hiểu về bộ sưu tập của mình. Bằng những câu chuyện mộc mạc, chân thật, ông đã truyền lửa cho thế hệ trẻ, giúp họ hiểu hơn về giá trị của văn hóa truyền thống của cha ông.


    Nguồn:https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202507/nguoi-canh-giu-bau-vat-cua-tay-nguyen-d541ead/


    Chủ đề: Hồ Lắk

    Bình luận (0)

    No data
    No data

    Cùng chủ đề

    Cùng chuyên mục

    Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
    Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
    Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
    Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên

    Cùng tác giả

    Di sản

    Nhân vật

    Doanh nghiệp

    No videos available

    Thời sự

    Hệ thống Chính trị

    Địa phương

    Sản phẩm