Ông Hơn được nhiều người quen trong cộng đồng hoạt động từ thiện gọi là anh Ba hoặc chú Ba. Hàng xóm thường gọi bà Phái là bà Hơn. Ông Hơn từng là công nhân Nhà máy xe đạp Đà Nẵng. Bà Hơn mở tiệm gội đầu trong nhà, chuyên phục vụ khách trung niên, cao tuổi. Một thời gian dài ông Hơn phụ vợ nuôi heo bán lấy tiền cho con ăn học.
Cuối những năm 1980, tình hình kinh tế vẫn chưa hết khó khăn. Lúc ấy, hầu hết bà con trong xóm là lao động nghèo, buôn gánh bán bưng. Nhiều người đạp xích lô, chạy xe thồ. Tôi biết, có người lao động cật lực vẫn không thoát được nghèo.
Trước tình cảnh này, dù chẳng khá giả chi, nhưng động lòng trắc ẩn, vợ chồng ông Hơn đôi khi mua cho họ tô bún, bát mì. "Mình giúp họ lúc ngặt nghèo, khốn đốn, lúc chiếc áo ấm, lúc ổ bánh mì, khi gói xôi bắp. Có người mất, gia đình không đủ tiền thuê xe chở hàng xóm đi đưa. Tôi cho con trai mình chở giúp. Kệ, như làm phước vậy. Hồi nớ có ai nói làm từ thiện, thiện nguyện chi đâu!", ông bộc bạch.
Ông bà Hơn đi trao quà về
ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP
Chung tay làm việc thiện
Hai ông bà cùng nhiều đạo hữu chùa Vĩnh An (phường Vĩnh Trung trước kia, nay là phường Thạc Gián) nấu cháo, cơm chay giúp người nghèo khó đang chữa trị tại bệnh viện. Chị Điểu, cô Chi cùng xóm đến nhà phụ lặt rau, gọt củ… Họ mang bánh mì, cơm chay, cháo chay đến giúp đỡ bệnh nhân các bệnh viện trong thành phố, đến các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn ở Tam Kỳ, Hội An, Huế.
Khi thành phố có chủ trương hạn chế nuôi heo tràn lan trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình và cộng đồng, vợ chồng ông bán dần hết đàn heo, dỡ chuồng lấy mặt bằng, dựng thêm mái làm nơi chế biến nấu nướng.
Thấy ông bà thường làm việc thiện, một số người trong xóm rủ nhau chung tay. Họ cùng góp gạo nấu cơm, nấu cháo, phụ vợ chồng ông mang xuống Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, mang lên Bệnh viện Tâm thần thành phố phân phát cho những bệnh nhân nghèo.
Đến đầu những năm 2000, số người tham gia với ông bà ít dần. Dù vậy, hai ông bà vẫn lặng lẽ làm việc thiện. Các con ông bà Hơn đăng ký đóng góp tiền hằng tháng cho ba mẹ tiếp tục hành trình thiện nguyện. Bạn bè hàng xóm của các con ông bà cũng đóng góp công sức lẫn tiền bạc nhiều năm qua. Mỗi người góp 50.000 đồng, 100.000 đồng, có người góp 500.000 đồng. Mỗi dịp tết, hai ông bà đều dành quà tặng cho những người cao tuổi trong xóm, sống neo đơn hoặc bệnh nặng nằm một chỗ.
Ông Hơn (đội mũ trắng) và nhóm từ thiện chùa Vĩnh An
ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP
Tâm huyết với hoạt động thiện nguyện
Sau này, tuổi đã gần 80, vợ chồng ông bà đổi cách làm thay vì tự tay nấu nướng. "Càng ngày tuổi càng cao. Bà vợ tôi đứng bếp hơi khó. Vì vậy bọn tôi bàn tính với các con và bạn bè nó, thuê người nấu cho nhẹ nhàng. Mấy đứa nó đều đồng thuận. Bọn trẻ đứng ra thuê người nấu sữa đậu nành mang đến bệnh viện trước. Rồi thuê người nấu cháo. Sáng sớm họ chở xe máy ra để mấy thùng cháo ở đầu kiệt. Mình chạy ô tô ngang qua lấy mang đi. 4 giờ 30 sáng có người mang bánh mì để sẵn trước cửa nhà rồi. Trước đây tôi cũng xông xáo mang vác. Nay con cái, dâu rể và các bạn trẻ... giành hết. Hai vợ chồng tôi trở thành phụ việc", ông Hơn cười.
Xe 7 chỗ của vợ chồng anh Nhơn, chị Hạnh, bán giày dép ở Shop Thanh Hòa (số 20 Lý Thái Tổ, Đà Nẵng) chuyên chở cháo, sữa, bánh mì đã nhiều năm nay.
Sáng 27.5.2025 tôi gặp ông bà Hơn trên đường làm từ thiện về. Hai người mang thùng đựng cháo, sữa về rửa, sau khi tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng (còn gọi là bệnh viện 600 giường).
Quà tặng mỗi lần có 6 thùng cháo, 8 thùng sữa đậu nành, 500 ổ bánh mì, tổng trị giá hơn 6.000.000 đồng. Ông bà thường xuyên tặng quà mỗi tháng một lần vào ngày mùng 1 hoặc đột xuất vào dịp lễ Vu lan, Phật đản… Thỉnh thoảng ông bà đi trao quà cùng vợ chồng người em em ruột của bà Hơn (đều là giáo viên).
"Trước đây vợ chồng tôi từng mang cháo, sữa lên phân phát cho bệnh nhân Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Tâm thần thành phố ở Hòa Khánh. Vô Đại Lộc, Hội An, Tam Kỳ tặng quà những người già neo đơn không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, khuyết tật. Nay thì đi với con gái và bạn bè của nó tặng cháo, sữa, bánh mì ở gần thôi", bà Hơn góp chuyện.
Bà Hơn (áo xanh đậm) trong một lần trao quà tặng tại bệnh viện
ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP
Một số lãnh đạo bệnh viện, trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, nhân viên công tác xã hội bệnh viện hoặc sư thầy một số chùa ở Đà Nẵng, Huế... không lạ gì chú Ba (anh Ba).
Năm 2023, gia đình ông Bùi Hơn được Hội Chữ thập đỏ TP. Đà Nẵng tặng giấy khen do có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" giai đoạn 2019 - 2023.
Ông Lê Tấn Hồng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật (nay là Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi và người khuyết tật Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng) chia sẻ: "Hai vợ chồng anh Ba rất nhiệt tình, gắn bó với các hoạt động trung tâm từ rất lâu. Vợ chồng anh ấy và con trong nhà cùng các bạn trẻ thường đến tặng gạo, mắm hoặc tổ chức bữa ăn cho các em".
"Tôi thấy cuộc đời mình nó ngắn lắm nên làm được việc chi tốt thì làm. Trao đi món quà không lớn nhưng mình thấy lòng thanh thản, vui lắm anh à!", ông Hơn trải lòng mình.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chung-tay-giup-nguoi-gap-kho-185250704160542432.htm
Bình luận (0)