Nông dân huyện Triệu Phong chăm sóc lúa hè thu -Ảnh: V.T.H
Những bất lợi ngắn hạn
Nông nghiệp hữu cơ không phải là phương pháp canh tác mới mà đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, sau hàng thập kỷ bị mất cân bằng môi trường sản xuất do phương pháp canh tác vô cơ mang lại như: đất đai bị chai cứng, hệ sinh vật trong đất bị hủy diệt, sâu bệnh tràn lan... thì việc trở lại phương pháp canh tác hữu cơ phải cần có thời gian để thích nghi và phải ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới thúc đẩy được sự phát triển.
Trong thời gian đầu mới chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông dân sẽ gặp phải trở ngại về sự sụt giảm năng suất do những tác động của chất hóa học trong canh tác vô cơ của thời gian trước đó còn ảnh hưởng môi trường sản xuất, hệ sinh thái tự nhiên chưa được hồi phục. Việc ngưng bón phân hóa học và phun thuốc bảo vệ thực vật tổng hợp, thay vào đó thực hiện bón phân hữu cơ và phun thuốc bảo vệ thực vật bằng chế phẩm sinh học thì môi trường sản xuất phải cần có thời gian mới phục hồi và phát triển trở lại được.
Năng suất cũng bị ảnh hưởng vì dịch bệnh trong thời gian đầu canh tác hữu cơ sẽ có nguy cơ bùng phát nhiều hơn do hệ vi sinh vật trên đồng ruộng chưa kịp phát triển cân bằng như: các đối tượng thiên địch, bảo vệ thực vật bằng chế phẩm sinh học... phải cần có thời gian.
Hơn nữa, việc chuyển đổi sang canh tác hữu cơ cũng cần thực hiện đồng loạt trong cả vùng đồng để tránh sự tác động của các diện tích bên cạnh vẫn canh tác vô cơ sử dụng hóa chất làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả.
Chị Bùi Thị Lợi ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa cho biết: Nếu vài hộ thực hiện canh tác hữu cơ, trong khi cả vùng vẫn còn phun thuốc trừ sâu hóa học thì vườn của các hộ canh tác hữu cơ vẫn bị ảnh hưởng. Không chỉ các loại sâu “di cư sang vườn an toàn hơn” làm cho các vườn canh tác hữu cơ bị sâu bệnh nhiều hơn mà sản phẩm cũng không được sạch vì vẫn bị ảnh hưởng bởi thuốc hóa học do hộ lân cận phun.
Trong giai đoạn đầu chuyển đổi, sản xuất nông nghiệp hữu cơ có chi phí cao, năng suất thấp nên sản phẩm có giá thành cao sẽ khó cạnh với sản phẩm cùng loại được canh tác vô cơ. Người tiêu dùng không phải ai cũng đủ kiến thức và tài chính để sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Hơn nữa, trong thời gian đầu, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chưa có được thương hiệu nhận diện nên chưa tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.
Vì sự phát triển bền vững
Để vượt qua khó khăn và hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, cơ quan chuyên môn và bản thân người nông dân. Đồng thời, tập trung thực hiện tốt các giải pháp: Đó là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất.
Rà soát lại diện tích sản xuất của các hộ cùng vùng đồng để tiến hành chuyển đổi cùng lúc sang canh tác hữu cơ. Tuy nhiên, bản thân mỗi hộ sản xuất nhiều vùng đồng khác nhau thì nên chuyển sang canh tác hữu cơ dần dần để giảm áp lực khi phải đầu tư nhiều về tài chính và sụt giảm năng suất trong thời gian đầu. Đây cũng là cách để nông dân tích lũy kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi.
Tăng cường ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thực hiện bón phân hữu cơ hoàn toàn, phân hữu cơ phải được ủ hoai mục khi bón kết hợp với các chế phẩm sinh học giúp cải tạo đất, tăng cường hệ vi sinh vật có lợi và nâng cao khả năng kháng bệnh của cây trồng. Tiến hành luân canh cây trồng để phòng trừ sâu bệnh. Áp dụng tưới tiêu khoa học, tưới tiết kiệm nước để hạn chế cỏ dại phát triển.
Thực hiện liên kết “4 nhà” trong quá trình thực hiện chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Đồng thời, thành lập tổ chức sản xuất như: tổ hợp tác, hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức sản xuất, tiếp cận nguồn vốn, công nghệ và đặc biệt là kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm giúp đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia chuyển đổi phương phác canh tác từ vô cơ sang hữu cơ nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho nông dân để họ thấy được lợi ích lâu dài về canh tác hữu cơ mà tự giác chuyển đổi vì một tương lai xanh.
Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ thuật để nông dân thuần thục trong các biện pháp kỹ thuật và quản lý đồng ruộng. Với việc áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật, hợp tác chặt chẽ, bền bỉ trong triển khai các mô hình, phương pháp canh tác hữu cơ, nông dân chắc chắn vượt qua được những khó khăn ngắn hạn để đạt được mục tiêu dài hạn trong công cuộc phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Võ Thái Hòa
Nguồn: https://baoquangtri.vn/chuyen-doi-sang-san-xuat-nong-nghiep-huu-co-huong-phat-trien-ben-vung-193948.htm
Bình luận (0)