Lớp học thông minh của cô và trò Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định). |
Theo đó, thực hiện chủ trương đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, Trường THCS Tống Văn Trân (thành phố Nam Định) đã có nhiều giải pháp cụ thể và hiệu quả. Nhà trường đã thực hiện nâng cấp cơ sở hạ tầng internet, khai thác sử dụng các phần mềm phục vụ dạy học và quản lý, tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên sử dụng các phần mềm liên quan. Hiện tại, 100% các lớp học có máy tính, kết nối internet cáp quang tốc độ cao, phục vụ tốt việc giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Nhà trường có 1 phòng máy vi tính với 23 máy và 1 máy chủ. Các phòng chức năng, hiệu bộ có đầy đủ máy tính kết nối internet tốc độ cao. 100% cán bộ quản lý và giáo viên đều ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và giảng dạy. Giáo viên nhận thông tin và trao đổi thông tin, thông báo, trao đổi chuyên môn qua địa chỉ email, zalo cá nhân, nhóm zalo hội đồng sư phạm. Để tạo thuận lợi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào thực hiện nhiệm vụ, tất cả cán bộ, giáo viên đều được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tổ chức, quản lý các hoạt động dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến; kỹ năng thiết kế bài giảng e-learning, video bài giảng, thiết bị dạy học số; kỹ năng quản lý, triển khai có hiệu quả các phần mềm quản trị trong cơ sở giáo dục kỹ năng về an toàn thông tin; triển khai áp dụng các phần mềm quản trị trường học; thu dịch vụ giáo dục theo hình thức không dùng tiền mặt và 100% phụ huynh đều thực hiện tốt. Trong công tác chuyên môn, cán bộ quản lý sử dụng các phần mềm Vnedu, cơ sở dữ liệu để quản lý đánh giá xếp loại học sinh; giáo viên cơ bản sử dụng thành thạo phần mềm Vnedu để quản lý thông tin cá nhân và thông tin học sinh của lớp; sử dụng PowerPoint để thiết kế bài giảng; sử dụng phần mềm Camtasia để làm các video; phần mềm xếp thời khóa biểu... Nhiều nội dung chuyển đổi số được 100% giáo viên nhà trường tích cực thực hiện giúp tăng hiệu quả tiếp thu kiến thức và tạo hứng thú cho học sinh trong mỗi giờ học, tiết dạy, môn học. Từ việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục của nhà trường. Trong năm học vừa qua, tại cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, nhóm học sinh của trường dự thi đã đoạt giải Ba; thi IOE cấp tỉnh đoạt 1 giải Nhì, 2 giải Ba; 1 học sinh đoạt giải Ba môn Văn cấp tỉnh. Tỷ lệ học sinh đạt học lực khá, giỏi đạt 69,3%. Nhà trường duy trì “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xanh - sạch - đẹp mức độ cao, trường đạt chuẩn quốc gia và trường đạt chất lượng giáo dục cấp độ ba.
Với mục tiêu không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định) đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số ở tất cả các cấp học, xây dựng mô hình các lớp học thông minh, trường học thông minh. Nhà trường vinh dự được lựa chọn trong Đề án xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao của thành phố Nam Định, là đơn vị đầu tiên triển khai thí điểm chuyển đổi số từ năm học 2023-2024. Hiện tại, nhà trường có 2 lớp học thông minh ở khối lớp 2 và 3 với số lượng 80 học sinh. Các lớp học này đều kết nối mạng internet tốc độ cao, có máy chiếu, bảng tương tác thông minh. Thông qua hệ thống thiết bị học thông minh, câu trả lời của các em được đồng bộ lên bảng, nhờ vậy giáo viên nắm bắt được tiến độ hoàn thành và chất lượng câu trả lời của cả lớp. Giáo viên cũng có thể chữa bài từ xa, hoặc chủ động chọn bài làm của một học sinh, trình chiếu lên bảng để chữa bài; đồng thời giúp giảm tải công việc và thời gian nhờ các công cụ hỗ trợ soạn bài, chấm bài, và chữa bài tự động. Hệ thống báo cáo học tập theo thời gian thực cho phép giáo viên nắm bắt tình hình học tập của từng học sinh một cách nhanh chóng, từ đó có thể cá nhân hóa lộ trình học tập, hỗ trợ đúng lúc và đúng nhu cầu của từng em, đảm bảo sự kịp thời và công bằng trong lớp học. Để thực hiện mô hình lớp học thông minh, Ban giám hiệu nhà trường đã lựa chọn những giáo viên có trình độ sư phạm, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, khả năng ứng dụng thành thạo CNTT, các thiết bị thông minh trong giảng dạy; đồng thời thường xuyên đổi mới hình thức dạy và học, sử dụng các phương pháp học mở. Tích cực hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu và khích lệ các em say mê khám phá kiến thức. Công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh được đơn giản hóa nhờ mô hình này. Việc đưa các thiết bị thông minh vào giảng dạy giúp giáo viên hiện thực hóa các ý tưởng, bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Học sinh tiếp nhận kiến thức bằng phương thức mới nên hào hứng, say mê, kết quả học tập tốt hơn, khả năng sáng tạo và tư duy được cải thiện... Điều này không chỉ phát huy tính chủ động và rèn luyện kỹ năng tự học mà còn giúp các em tiếp cận công nghệ một cách an toàn, có kiểm soát và có mục tiêu. Bên cạnh đó, việc học sinh được học tập thông qua những bài giảng sinh động trực quan, thông qua việc games hóa các tiết học hay được các giáo viên hỗ trợ một cách kịp thời trong quá trình học cũng là động lực giúp các em yêu thích việc học hơn.
Hiện nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ số trong phương pháp giảng dạy và quản lý giáo dục, 100% cơ sở giáo dục đã triển khai sử dụng: phần mềm quản lý nhà trường (Vnedu của VNPT và Smas của Viettel) hỗ trợ công tác quản trị nhà trường tích hợp không gian làm việc số; các ứng dụng hồ sơ điện tử (sổ điểm điện tử, học bạ điện tử); thanh toán trực tuyến các loại phí giáo dục; ứng dụng kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường trên nền tảng số, áp dụng các giải pháp miễn phí như tin nhắn OTT, email, ứng dụng trên thiết bị di động và website giáo dục; hệ thống quản lý hành chính điện tử (E-Office); cổng thông tin điện tử, thư điện tử giáo dục... Hàng năm, Sở GD và ĐT tăng cường bồi dưỡng tập huấn nâng cao kỹ năng về CNTT cho đội ngũ nhà giáo; triển khai các ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và quản lý giáo dục; triển khai các ứng dụng CNTT hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy, học và kiểm tra đánh giá; các hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục; triển khai hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin và các điều kiện bảo đảm khác... Đến nay, tất cả giáo viên phổ thông đã được hướng dẫn tổ chức và quản lý lớp học trực tuyến, xây dựng học liệu số, khai thác nguồn học liệu trên internet và sử dụng các phần mềm soạn bài giảng E-Learning, câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến, thí nghiệm ảo. Giáo viên còn được đào tạo tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kỹ năng quản lý. Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT đã triển khai dạy học kết nối "xuyên biên giới", giúp giáo viên và học sinh giao lưu chuyên môn, trao đổi văn hóa quốc tế. Ngoài ra, hàng nghìn bài giảng điện tử và thiết bị dạy học số đã được giáo viên xây dựng, đạt giải cao trong các cuộc thi cấp bộ và quốc gia. Trong cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định năm 2024”, toàn ngành đã có 1.808 sản phẩm dự thi, ban tổ chức đã công nhận 1.440 sản phẩm, trong đó có 31 giải Nhất, 70 giải Nhi, 113 giải Ba, 370 giải Khuyến khích, 856 sản phẩm “Đạt”.
Để tích cực thực hiện chuyển đổi số, thời gian tới, Sở GD và ĐT tiếp tục hoàn thiện các chính sách, mô hình giáo dục sáng tạo dựa trên nền tảng số; bảo đảm 100% số cơ sở giáo dục được tiếp cận với công nghệ hiện đại, cải thiện khả năng ứng dụng AI, VR, AR trong giảng dạy và quản lý; tiếp tục số hóa toàn diện dữ liệu giáo dục, từ thông tin học sinh đến hồ sơ, sổ sách, tạo điều kiện tối ưu cho công tác quản lý, điều hành; mở rộng các dịch vụ công trực tuyến, cải thiện tính tiện lợi, minh bạch trong các thủ tục hành chính giáo dục.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Nguồn: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202505/chuyen-doi-so-gop-phannang-cao-chat-luong-day-va-hoc-73244f2/
Bình luận (0)