Xe máy điện đang trở thành loại phương tiện giao thông thu hút sự quan tâm của nhiều người Việt trong thời gian gần đây. Nhất là khi một số thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM đang có kế hoạch, chủ trương khuyến khích người dân sử dụng loại xe này, như một phần trong chiến lược hạn chế ô nhiễm không khí, bảo vệ môi trường đô thị.
Mặc dù vậy, so với xe chạy xăng, xe máy điện vẫn là loại phương tiện còn khá mới mẻ, đồng thời có một số khác biệt nhất định về cấu tạo cũng như cách sử dụng; buộc các tài xế phải làm quen để đảm bảo an toàn khi điều khiển xe.
Dung lượng pin và thời gian sạc điện
Khác biệt lớn nhất giữa xe máy điện và xe máy xăng nằm ở trang bị động cơ. Nếu như xe máy xăng sử dụng động cơ đốt trong, hoạt động nhờ năng lượng từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch (chủ yếu là xăng); thì trái lại, xe máy điện lại dùng mô-tơ điện, hoạt động nhờ nguồn điện tích hợp trong ắc-quy hoặc pin lưu trữ đi kèm.
Chính vì có thêm bộ pin này, người dùng xe máy điện cần lưu ý đến dung lượng pin và tính toán được thời gian sạc để đảm bảo hiệu quả sử dụng. Bởi khác với xe chạy xăng (vốn tiện lợi nhờ hệ thống trạm nhiên liệu dày đặc và có mặt ở mọi vùng, miền, thời gian cho mỗi lần đổ xăng cũng rất nhanh chóng); người dùng xe máy điện sẽ phải tốn nhiều thời gian hơn để sạc điện cho xe.
Hiện nay, trên các dòng xe máy điện phổ thông, thời gian cho mỗi lần sạc đầy pin thường kéo dài từ 4 - 10 giờ, tùy vào mức pin của xe hoặc công nghệ pin của từng hãng. Chính vì vậy, việc đầu tiên cần thay đổi khi chuyển sang sử dụng xe máy điện chính là thói quen theo dõi pin và tính toán thời gian sạc hợp lý. Thông thường, thời điểm lý tưởng nhất để sạc điện cho xe là vào buổi tối, trước khi đi ngủ.
Kỹ năng lái
Ngoài lưu ý về pin và cách tính toán thời gian sạc, kỹ năng lái cũng là thứ người dùng cần trang bị khi chuyển từ xe máy xăng sang xe máy điện. Lý do là vì động cơ điện có thể đạt mô-men xoắn và công suất tối đa tức thì, gần như không có độ trễ như trên xe máy xăng. Vậy nên, độ nhạy cũng như khả năng tăng tốc của xe máy điện vượt trội hơn hẳn.
Để đảm bảo an toàn, người lái cần thận trọng và "từ tốn" khi kéo ga, đặc biệt thời điểm xe xuất phát; tránh trường hợp giật mình, mất kiểm soát khi xe bất ngờ vọt lên và lao về phía trước.
Cách dùng phanh
Một điểm cần chú ý nữa khi cầm lái xe máy điện là cách bóp phanh. Hiện nay, hầu hết dòng xe máy điện đang phân phối tại Việt Nam đều trang bị loại phanh điện tử, có đi kèm các công tắc, cảm biến để có thể ngắt mô-tơ điện trong trường hợp người lái bóp phanh; kể cả khi lực bóp phanh rất nhẹ.
Theo lý giải của nhiều chuyên gia, đây chính là cơ chế an toàn trên xe điện, nhằm làm giảm tốc độ của xe một cách an toàn. Bởi lẽ, nếu mô-tơ vẫn hoạt động khi tài xế bóp phanh, hiệu quả của việc giảm tốc độ sẽ rất kém. Lúc này quãng đường phanh sẽ dài hơn và xe có thể bị mất kiểm soát. Trong khi đó, đối với các dòng xe máy xăng thông thường, người lái hoàn toàn có thể rà ga nhẹ kết hợp với việc bóp phanh để điều khiển giảm tốc độ theo ý muốn. Xe không có cơ chế tự động ngắt nhả hay tắt máy.
Chính vì vậy, một lưu ý với người dùng xe máy điện là khi bóp phanh, cần dứt khoát giảm hết ga, tránh trường hợp kéo giữ ga. Vì lực kéo từ mô-tơ điện rất nhạy và tức thời, nên khi giữ nguyên ga và nhả phanh, chiếc xe sẽ lao nhanh về phía trước khiến người lái giật mình và mất kiểm soát.
Làm sao để xe điện bền hơn?
Ngoài kỹ năng lái để đảm bảo an toàn, người dùng xe máy điện cũng cần tìm hiểu thêm các mẹo để sử dụng xe đúng cách, nhằm giúp "xế cưng" kéo dài tuổi thọ và hoạt động ổn định hơn.
Chẳng hạn như sạc pin thế nào cho đúng? Theo các chuyên gia và kỹ thuật viên, để pin bền bỉ, không xảy ra các hiện tượng cháy nổ hoặc chai, người dùng chỉ nên cắm sạc khi đã sử dụng hết hơn 50% dung lượng. Đặc biệt, không nên sạc pin ngay khi xe mới ngưng hoạt động. Thay vào đó, cần chờ khoảng 30 phút, khi hệ thống động cơ và pin đã hạ nhiệt mới tiến hành sạc.
Hay cách chọn chế độ khi di chuyển. Để động cơ hoạt động bền bỉ, người lái tốt nhất cần duy trì tốc độ xe ổn định, không nên lái xe quá nhanh hoặc quá chậm. Đồng thời cũng hạn chế kiểu "giật ga".
Ngoài ra, nhiều dòng xe máy điện hiện nay đã trang bị các tùy chọn chế độ lái (thường là 2 chế độ Eco và Sport), mỗi chế độ sẽ phù hợp với từng điều kiện vận hành. Người dùng cần tìm hiểu sự khác biệt của các chế độ này để biết cách tùy chỉnh cho phù hợp.
Nguồn: https://baonghean.vn/chuyen-tu-xe-may-xang-sang-xe-may-dien-nguoi-dung-can-luu-y-gi-10302875.html
Bình luận (0)