Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Con căng thẳng chạy đua vào lớp 10, mẹ lo tới mức phải khám tâm thần

Tỷ lệ cạnh tranh gắt gao để vào lớp 10 công lập ở Hà Nội khiến nhiều phụ huynh có con thi năm nay như ngồi trên đống lửa, tâm lý hoang mang cực độ.

VTC NewsVTC News24/05/2025

Có con trai chuẩn bị bước vào kỳ tuyển sinh lớp 10 công lập, thay vì háo hức hay kỳ vọng, chị Phạm Lan Phương (42 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) luôn sống trong tâm trạng nặng trĩu lo âu suốt nhiều tuần nay. Với chị, thi vào lớp 10 từ lâu không còn là kỳ thi thông thường, mà trở thành cuộc cạnh tranh khốc liệt.

"Năm nay, có khoảng 30.000 học sinh lớp 9 không thể vào được các trường công lập - đọc những số liệu dự báo đó mà lòng tôi chùng xuống, không biết con mình có nằm trong đó không?”, nữ phụ huynh thở dài.

Con trai chị thuộc nhóm học lực khá, điểm số không tệ nhưng cũng không nổi bật giữa mặt bằng cạnh tranh ngày càng cao. Mặc dù con nỗ lực trong suốt năm học cuối cấp, nhưng với lượng kiến thức lớn và áp lực tâm lý đè nặng, sự tiến bộ ấy chưa đủ mang lại cho chị Phương sự yên tâm.

Năm nay, gần 30.000 học sinh tại Hà Nội không có chỗ vào lớp 10 công lập. (Ảnh minh hoạ)

Năm nay, gần 30.000 học sinh tại Hà Nội không có chỗ vào lớp 10 công lập. (Ảnh minh hoạ)

“Tôi hiểu con rất áp lực và căng thẳng sát ngày thi. Dù muốn động viên con cố lên, nhưng chính tôi cũng không biết rồi mọi thứ sẽ đi về đâu. Nếu con trượt, gia đình tôi sẽ phải đối diện với bài toán không dễ giải”, chị nói.

Giải pháp cho học sinh không đỗ công lập không thiếu, từ trường tư thục đến trung tâm giáo dục thường xuyên hay học nghề, nhưng theo chị Phương, mỗi phương án đều đi kèm với không ít nỗi lo.

“Trường tư tốt thì học phí cao, mỗi năm lên đến vài chục triệu đồng, chưa kể các khoản chi khác. Với mức thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng, hai vợ chồng chỉ vừa đủ trang trải, chúng tôi khó lòng gồng gánh nổi. Còn trung tâm giáo dục thường xuyên hay học nghề thì tôi thật sự chưa yên tâm về môi trường, về chất lượng và cả cơ hội học tiếp sau này cho cháu”, nữ phụ huynh bày tỏ.

Câu chuyện của chị Phương chỉ là lát cắt nhỏ trong bức tranh chung về nỗi lo của các gia đình có con chuẩn bị thi vào lớp 10 công lập Hà Nội. Chị Trần Thị Hạnh (45 tuổi, quận Đống Đa) cũng sống trong những ngày "mất ăn mất ngủ cùng con chạy nước rút vào lớp 10.

“Con tôi học từ sáng tới đêm. Hết giờ trên lớp là đi học thêm, tối về lại tự học tới tận 12 giờ khuya. Có hôm tôi vào phòng, thấy con ngủ gục trên bàn, tay vẫn cầm chặt cây bút”, chị Hạnh kể trong xót xa. Dù ngoài mặt luôn động viên con rằng "trượt đâu phải là hết", nhưng trong thâm tâm, chị vẫn đau đáu một nỗi lo không tên.

Chị đã "căng" mình theo kỳ thi vào lớp 10 của con gái gần hai năm nay. Từ quá trình con ôn thi, chọn nguyện vọng cho đến khi sát ngày thi, sự mệt mỏi, căng thẳng đến gần như bùng nổ.

Con gái chị những ngày cao điểm này luôn khó ngủ, bỏ ăn, lo lắng quá độ. Con bé nếu không lầm lì, đăm chiêu thì cũng cáu gắt, nổi giận, thậm chí la hét giữa đêm.

Không chỉ con mà chính chị Hạnh cũng rơi vào trạng thái bất an như vậy. Chị luôn bứt rứt, nhấp nhổm, dễ cáu gắt, khó ngủ, thay đổi tâm trạng bất ngờ, làm việc không hiệu quả và tăng cân mất kiểm soát. Biết không ổn, cuối tuần vừa rồi, chị bàn với chồng đi đến phòng khám tâm thần để nhờ bác sĩ làm công tác tư vấn tâm lý.

Một trong những điều khiến nữ phụ huynh trăn trở nhất, nếu con không đỗ công lập con sẽ học ở đâu? Liệu các lựa chọn thay thế có đảm bảo được chất lượng giáo dục và tương lai cho con?

"Không phụ huynh nào mong con mình bị rơi vào nhóm trượt tuyển. Cũng không học sinh nào muốn phải dừng bước nửa chừng chỉ vì không đỗ vào trường công lập. Càng không ai muốn con em mình phải dang dở việc học chỉ vì hoàn cảnh gia đình không cho phép", chị Hạnh bày tỏ.

Tỷ lệ cạnh tranh gắt gao để vào lớp 10 công lập ở Hà Nội khiến học sinh và phụ huỵnh đầy lo lắng, áp lực. (Ảnh minh hoạ)

Tỷ lệ cạnh tranh gắt gao để vào lớp 10 công lập ở Hà Nội khiến học sinh và phụ huỵnh đầy lo lắng, áp lực. (Ảnh minh hoạ)

Theo thầy Nguyễn Việt Dũng, giáo viên Vật lý tại Hà Nội, phụ huynh nên nhìn nhận sự cạnh tranh khốc liệt của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 một cách thực tế, thay vì chỉ lo lắng hay trông chờ may mắn.

"Hệ thống các trường công lập luôn được ưu tiên vì chi phí thấp và chất lượng ổn định, nhưng trong bối cảnh tỷ lệ 'chọi' cao, chỉ bám víu vào một lối đi duy nhất là quá mạo hiểm. Phụ huynh cần sớm cân nhắc các phương án khác”, thầy Dũng nói.

Không ít phụ huynh vẫn mang tâm lý trượt công lập là thất bại. Điều này không chỉ khiến học sinh chịu áp lực lớn, mà còn đẩy cả gia đình vào trạng thái căng thẳng nếu kết quả không như mong đợi. Theo nam giáo viên, nhiều phụ huynh đang đánh giá thấp các mô hình giáo dục thay thế, trong khi thực tế cho thấy nhiều trường ngoài công lập hiện được đầu tư bài bản, chú trọng phát triển năng lực cá nhân, kỹ năng mềm và khả năng hội nhập cho học sinh.

Ngoài ra, hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo mô hình hợp tác song song với doanh nghiệp cũng đang tạo ra những cơ hội thiết thực và tương lai vững chắc cho học sinh. "Điều then chốt là lựa chọn được phương án phù hợp với khả năng và định hướng cá nhân của từng em, thay vì cố gắng áp đặt một tiêu chuẩn chung mang tên trường công lập", thầy Dũng nhấn mạnh.

Năm nay, trong 127.000 học sinh tốt nghiệp THCS, có hơn 103.456 em đăng ký thi lớp 10 THPT công lập. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 được Sở GD&ĐT Hà Nội giao cho 115 trường công lập không chuyên là 75.670, số còn lại gần 30.000 học sinh có thể chọn trường tư, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên hay trường trung cấp, cao đẳng nghề đào tạo chương trình 9+.

Về con số này, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết ngành giáo dục Thủ đô đã rất cố gắng tăng tỷ lệ học sinh được tuyển vào lớp 10 của các trường THPT công lập lên mức 64%, cao hơn so với mức 60-61% của các năm học trước.

Kim Anh

Nguồn: https://vtcnews.vn/con-cang-thang-chay-dua-vao-lop-10-me-lo-toi-muc-phai-kham-tam-than-ar944268.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa
Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm