Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Còn sống là còn tiếp tục học tập theo tấm gương của Người

Đúng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), PV Báo CAND tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm trong con hẻm 149 đường Thanh Long, phường Thanh Bình, quận Hải Châu (Đà Nẵng) và được gặp Anh hùng LLVTND Trần Thị Kim Cúc – người từng 3 lần bị địch bắt tra tấn dã man nhưng vẫn giữ trọn khí tiết kiên trung với cách mạng.

Báo Công an Nhân dânBáo Công an Nhân dân20/05/2025


Cựu nữ Đội trưởng Đội công tác đặc biệt hoạt động bí mật tại TP Đà Nẵng thời kháng chiến chống Mỹ đã kể chúng tôi nghe về 8 lần được gặp Bác Hồ.

Kỷ niệm không thể nào quên

Anh hùng Trần Thị Kim Cúc sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Từ nhỏ, cô bé Kim Cúc đã quen với việc nuôi giấu cán bộ, làm giao liên. Và 17 tuổi, cô đã 2 lần bị địch bắt nhưng đều thoát nhờ sự gan dạ và mưu trí.

Còn sống là còn tiếp tục học tập theo tấm gương của Người -0

Anh hùng Trần Thị Kim Cúc (thứ 2 từ phải sang) luôn là tấm gương yêu nước cho con cháu noi theo. 

“Năm 22 tuổi, cô được phân công làm Đội trưởng Đội công tác đặc biệt, hoạt động trong lòng địch tại Đà Nẵng. Đến lần bị bắt thứ ba, cô phải chịu đựng những trận tra tấn khủng khiếp của địch mà ít ai tưởng tượng nổi. Chúng đóng đinh vào đầu, dùng mảnh thủy tinh tra tấn đâm vào da thịt, vào vùng kín, nhiều lần cô ngất đi rồi tỉnh lại”, bà kể. Nhưng tuyệt nhiên, người nữ chiến sĩ ấy không hé nửa lời. Kẻ thù bất lực, còn đồng đội thì thêm một lần khâm phục trước ý chí kiên cường của người nữ Đội trưởng trung kiên.

Ra Bắc điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, bà Cúc có cơ duyên được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên là vào đúng ngày sinh nhật Người - 19/5/1966. “Hôm ấy, cô đang nằm điều trị thì thấy một cụ già giản dị, râu tóc bạc trắng bước vào phòng. Biết là Bác, cô định chạy ra chào thì Bác nhẹ nhàng xua tay: Cháu hãy ngồi đó, đừng chạy ra. Bác hỏi thăm cô từng chút: Đau như vậy đêm cháu có ngủ được không? Rồi Người quay sang căn dặn các bác sĩ phải chăm sóc thật chu đáo cho cháu Cúc”, bà Cúc nhớ lại, giọng nghèn nghẹn.

Những lần sau đó, Bác nhiều lần cho xe đón nữ Đội trưởng vào Phủ Chủ tịch dùng cơm, cùng với chú Phạm Văn Đồng. Bác luôn dành cho cô sự quan tâm đặc biệt – không phải chỉ vì thương một thương binh, mà vì Người nhìn thấy ở cô tinh thần bất khuất của cả một thế hệ.

Để bà có điều kiện chữa trị tốt hơn, Bác đã cho bà sang Trung Quốc. Trước lúc đi, Người ân cần dặn dò: “Sang đó cháu ráng học tiếng nước bạn. Sau này cần nói chuyện, không có phiên dịch cũng không sao”. Bác còn bảo: “Nếu có nhà báo đến hỏi, mà chưa khỏe, cháu cứ nghỉ. Khi nào có sức hãy cho họ gặp – để họ thấy tinh thần chiến đấu của dân tộc ta, và tội ác của kẻ thù”.

Những lời dặn ấy khiến bà khắc cốt ghi tâm. Bà kể: “Thời gian ở Trung Quốc, cô tranh thủ học ngày học đêm. Khi trở về nước, gặp lại Bác, Người bất ngờ hỏi cô bằng tiếng Trung, cô lúng túng trả lời tiếng Việt. Bác liền nhắc: “Phải trả lời bằng tiếng Trung Quốc chứ!”. Thấy cô đáp lại trôi chảy, Bác nở nụ cười hiền: “Giỏi! Dù ở đâu, hoàn cảnh nào, cũng phải học”. Nhớ lời Bác dạy, trong thời gian tiếp tục điều trị ở Hà Nội, cô đã âm thầm học bổ túc văn hóa, rồi thi đậu vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Khi biết chuyện, Bác không la mắng mà chỉ lo cô học quá sẽ ảnh hưởng thể lực”.

Một lần được gặp Bác rất đáng nhớ đối với bà đó là vào chiều 30 Tết 1968. Bà Cúc kể: “Chiều 30 Tết, cơm xong, Bác nói: Hai cháu ra vườn dạo chơi với các anh, Bác về phòng đọc báo, chốc nữa Bác cháu ta đi xem văn nghệ!". Hoàng hôn xuống, khí trời càng lạnh, cô đội chiếc mũ bông của Bác cho, theo anh bảo vệ cùng chị Mười ra dạo ngoài đường xoài rồi lên phía hội trường nhà Phủ Chủ tịch. Lát sau, xe đưa Bác đến.

Chú Vũ Kỳ hỗ trợ Bác bước lên các bậc tam cấp, cô và chị Mười bước theo sau Bác để vào hội trường. Bác ngồi chính giữa ở dãy ghế hàng đầu, chú Vũ Kỳ hướng dẫn cho cô và chị Mười ngồi cạnh Bác nhưng ở dãy ghế phía sau. Lần lượt, các chú, các cô bác đến rất đông, có cả các em nhỏ con, cháu của các chú, cô bác trong cơ quan Phủ Chủ tịch. Mọi người vui cười chào Bác. Các chú nhường nhau chỗ ngồi cạnh Bác.

Thấy vậy, Bác đứng dậy đưa cái cù nghéo chiếc gậy của Bác xuống dãy phía dưới nghéo, nghéo ra dấu cho chú Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng), chú Lê Duẩn, chú Trường Chinh lên. Mọi người vui vẻ cười ầm trong hội trường. Bác đánh nhịp, hát bài Kết đoàn, tất cả hội trường cùng vang lên: Kết đoàn chúng ta là sức mạnh/Kết đoàn chúng ta là sắt gang/Đoàn kết ta bền vững/Dù sắt hay là gang/Mà sắt với gang còn kém bền vững...

Bác rất vui, cả hội trường đầm ấm, hạnh phúc bên Bác như một gia đình. 7h30' đêm 30 tháng Chạp - đầu năm 1968, đoàn văn công của Tổng cục Chính trị đến biểu diễn chào mừng năm mới để chúc thọ Bác và các bậc lãnh đạo Đảng, nhà nước.

Trong đoàn văn công có chị Tường Vi lên hát rất hay. Bác rút bông hồng trong đĩa để cạnh tặng cho chị Tường Vi, chị Tường Vi mừng rỡ chạy tới Bác để nhận. Bác bảo: "Cháu mang giày cao gót, chạy khéo ngã!". Bác ngồi xem từ đầu đến cuối, cô vẫn ngồi cạnh phía sau Bác. Biết bao tiết mục đặc sắc, nhưng cô chỉ chăm chú nghe hai em Ái Hoa và Ái Vân (con của Nghệ sĩ Ái Liên), hát bài: "Chú bé liên lạc!". Cô nghe mà bỗng quặn đau nhìn Bác! Thầm nhớ đến một chiến sĩ liên lạc của Huyện đội Hoà Vang Lê Ngọc Anh.

Khi cô ra Bắc, em Ngọc Anh có dặn: "Ra đó, gặp Bác Hồ, chị chuyển lời của em, của một đứa cháu giao liên nhỏ miền Nam kính thăm, chúc Bác khoẻ mạnh. Chị nhớ xin Bác cho em chiếc huy hiệu có hình bóng của Bác gửi vào để em đeo trên lồng ngực đi đánh Mỹ, chị cố gắng nhớ chớ không được quên!". Ra chưa đến nơi, cô chưa kịp gặp Bác để chuyển lời của một liên lạc 15 tuổi Lê Ngọc Anh đang hăng say chống Mỹ ở chiến trường Hoà Vang ác liệt, thì nghe tin em đã hy sinh dũng cảm trên vành đai diệt Mỹ của đất lửa Hoà Vang. Mắt mờ lệ, cô đã giấu kín không dám nói việc này với Bác...”.

Còn sống là còn tiếp tục học tập theo tấm gương của Bác

Như bao nữ chiến sĩ cách mạng khác, cuộc đời Anh hùng Trần Thị Kim Cúc cũng là một chuỗi dài của những hy sinh lặng thầm.

Trong thời kỳ hoạt động bí mật, để giữ vỏ bọc an toàn, bà được tổ chức gả cho đồng chí Bảy Cán - người cùng hoạt động cơ sở. “Đó là một đám cưới không váy cưới, không trầu cau, chỉ có chung lý tưởng cách mạng. Khi cô bị thương, phải ra Bắc điều trị, chú Bảy vẫn ở lại chiến đấu. Sau ngày Bác mất một tháng, cô nhận thêm tin dữ: Đồng chí Bảy Cán đã hy sinh, bị địch bắn ngay trên cánh đồng nơi hai người từng hẹn hò”, bà kể.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà tiếp tục có một cơ duyên gặp gỡ Trung tá Huỳnh Thanh Trà. Chính cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đứng ra tác thành cho mối duyên trọn nghĩa này.

Sau ngày giải phóng, bà Cúc trở về TP Đà Nẵng. Mặc dù sức khỏe yếu do mang thương tật nhiều trong người (thương binh 1/4) nhưng bà vẫn hăng hái tham gia công tác phụ nữ. Bà luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công tác. Bà đã tìm hiểu, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân, nhất là hộ nghèo, khó khăn, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật để có cách giúp đỡ kịp thời; đồng thời thường xuyên sâu sát, gần gũi chị em, tìm nguồn giúp phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình...

“Chồng cô công tác tại Cục Chính trị Quân khu 5. Do tính chất công việc nên ông ấy thường xuyên vắng nhà. Công việc nội trợ, lo toan trong gia đình đều do một tay cô lo liệu. Dẫu vậy, cô luôn làm tròn hai vai, vừa là cán bộ phụ nữ nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, được chị em thương yêu, quý mến, đồng thời là người mẹ, người bà đảm đang, hết mực thương yêu con cháu. Nhưng rồi ông nhà cũng bỏ cô ra đi sau một cơn bạo bệnh”, bà kể.

Các con bà đều đã trưởng thành, trong số đó có 2 người con trai công tác trong lực lượng vũ trang. Cô còn khoe, cô vừa được hỗ trợ 30 triệu đồng sửa lại căn nhà ở số 149 Thanh Long để đỡ thấm dột vào mùa mưa. “Các cấp, ngành, đoàn thể thường xuyên đến thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời cho gia đình tôi. Tôi cảm thấy vui lắm”, bà  bộc bạch.

Ở tuổi 89 nhưng cô Cúc vẫn rất minh mẫn, kể với chúng tôi rất nhiều chuyện của những năm tháng chiến tranh đầy gian nguy; đặc biệt là chuyện về những lần được vinh dự gặp Bác vẫn nguyên vẹn. Bà cho biết giờ bà vẫn tham gia các cuộc kể chuyện lịch sử trong các buổi sinh hoạt truyền thống; vẫn tham gia sinh hoạt chi bộ tại nơi cư trú đều đặn. “Cuộc đời tôi may mắn được gặp Bác. Càng nghĩ càng thấy mình phải sống xứng đáng với niềm tin của Người. Nên nếu còn sống là tôi vẫn còn tiếp tục học tập theo tấm gương đạo đức của Bác”, Anh hùng Trần Thị Kim Cúc chia sẻ.

Trò chuyện với PV Báo CAND, Anh hùng Trần Thị Kim Cúc cho biết, bà vinh dự được 8 lần gặp Bác. Trong lần gặp cuối cùng, khi Bác đã yếu, đó là một trong những khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong cuộc đời bà. “Sau khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài viết về người con gái đất Quảng “vừa đánh giặc giỏi, vừa học giỏi”, Bác cho thư ký đến trường đón cô vào thăm. Bác chỉ kịp nắm tay cô rồi dặn dò: “Bác biết cháu trốn đi học và học rất giỏi. Bác vui, nhưng Bác không khuyên vì sợ ảnh hưởng sức khỏe”. Rồi Người quay sang căn dặn Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Tôi mà có mệnh hệ gì thì nhờ chú chăm sóc cho cháu Trần Thị Kim Cúc và cháu Trần Thị Lý (nữ Anh hùng LLVTND Trần Thị Lý, SN 1933 tại Quảng Nam)”. Nghe vậy, cô chỉ biết bật khóc. Một tháng sau đó, Bác ra đi”, Anh hùng Trần Thị Kim Cúc nhớ lại lần gặp đó, nghẹn ngào.

Nguồn: https://cand.com.vn/doi-song/con-song-la-con-tiep-tuc-hoc-tap-theo-tam-guong-cua-nguoi-i768879/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm