Phim tài liệu "Anh trai vượt ngàn chông gai" gây sốt, kéo hàng chục ngàn fan ra rạp
Gần đây, phim Mưa lửa - phim tài liệu về Anh trai vượt ngàn chông gai - gây chú ý trong cộng đồng khán giả. Theo số liệu của Box Office Vietnam, đến ngày 22/5, phim thu về hơn 8 tỷ đồng.
Trước đó, nhà sản xuất công bố Mưa lửa là phim tài liệu hòa nhạc (phim concert) Việt Nam có doanh thu sau 3 ngày công chiếu cao nhất.
Tác phẩm cũng đạt một số thành tích cho dòng phim concert nội địa: Đạt 13.000 vé bán ra sau 24 tiếng đầu mở bán vé; đón hơn 5.000 lượt khách ở rạp Galaxy Nguyễn Du (TPHCM) trong ngày đầu công chiếu.
Ngay trong ngày đầu ra rạp, phim thu về hơn 2,3 tỷ đồng, vượt qua Lật mặt 8: Vòng tay nắng của Lý Hải (1,7 tỷ đồng) và chỉ xếp sau Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu (3 tỷ đồng) về doanh thu trong ngày.

Cảnh trong phim "Mưa lửa" (Ảnh: Ban tổ chức).
Trên mạng xã hội, khán giả nhận xét phim Mưa lửa không đi vào những tình huống kịch tính mà nhấn vào cảm xúc cho người xem. Câu chuyện hậu trường được kể theo tuyến thời gian nhưng vẫn có điểm nhấn, như những thước phim "quay lén", những tình huống mâu thuẫn và cách các "anh tài" thể hiện con người thật với góc nhìn cởi mở, thẳng thắn.
Người xem khen phim có thời lượng 125 phút với kết cấu nhịp nhàng, gọn gàng, chứng minh tay nghề dày dặn kinh nghiệm của đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư.
Một trong những tình huống gây chú ý là việc NSND Tự Long từng không đồng ý việc nhà sản xuất giữ nguyên những đoạn hát chênh, phô của các "anh tài" để phát sóng. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Tuấn Hưng và (S)TRONG Trọng Hiếu cũng gây chú ý khi cả hai xảy ra những bất đồng, xuất phát từ những khác biệt khó dung hòa về khoảng cách thế hệ, quan điểm...
Trong phim, những khoảnh khắc ấy được bóc trần một cách chân thực, không né tránh, để khán giả được hiểu rõ hơn về cá tính của mỗi người, về tình anh em nghệ sĩ sâu sắc, về việc xây dựng tinh thần đồng đội và sự thấu hiểu. Cuối cùng những căng thẳng đó đều được giải quyết bằng tình yêu thương, sự cảm thông mà các "anh tài" dành cho nhau.
Sau một số suất chiếu, khán giả chia sẻ cảm xúc, viết bài bình luận về phim đăng lên mạng xã hội. Nhiều fan cho biết họ rơi nước mắt vì những tình tiết, câu chuyện trong phim. Qua đó, tác phẩm lan tỏa thông điệp tích cực về những giá trị khác biệt của 33 "anh tài", cách họ đồng hành với nhau bằng tình yêu thương, đam mê âm nhạc.

Phim "Mưa lửa" hé lộ nhiều góc khuất chưa từng công bố về chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai" (Ảnh: Yeah1).
Hồi tháng 3, phim concert Anh trai say hi: Kẻ phản diện tạo nên người hùng cũng từng gây chú ý khi ra rạp. Bộ phim thu về 15,4 tỷ đồng, hiện giữ kỷ lục phim tài liệu âm nhạc có doanh thu cao nhất màn ảnh Việt.
Các bộ phim nói trên có một số điểm tương đồng như: Phim ra rạp sau thành công của chuỗi concert "cháy vé", ghi lại những hình ảnh hậu trường trong chương trình gameshow, những câu chuyện cảm xúc, phút giây thăng hoa và nước mắt nghệ sĩ... Loạt khoảnh khắc khán giả hòa mình cùng những đêm diễn cũng được tái hiện trong các bộ phim tài liệu một cách chân thực, xúc động.
Để ủng hộ cho phim, cộng đồng khán giả các chương trình thực hiện nhiều hình thức cổ vũ, mang băng rôn, gậy ánh sáng ùn ùn kéo đến rạp. Các đoàn phim cũng có những buổi giao lưu giữa nghệ sĩ và fan, đáp ứng nhu cầu của đông đảo khán giả.

Khán giả tập trung tại trung tâm thương mại trong buổi công chiếu phim "Anh trai say hi: Kẻ phản diện tạo nên người hùng" hôm 26/2 (Ảnh: Ban tổ chức).
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nhận định việc các phim tài liệu âm nhạc về loạt chương trình "Anh trai" được khán giả ủng hộ gần đây là dấu hiệu cho thấy thị trường âm nhạc Việt Nam đang dần bước sang một giai đoạn trưởng thành hơn về mặt tiếp nhận và tiêu dùng cảm xúc.
Ông Minh cho rằng người hâm mộ đến rạp không phải để giải trí đơn thuần, mà để "kết nối lại" với điều từng khiến họ xúc động, vui sướng và chính cảm xúc đó mới là thứ tạo nên doanh thu, chứ không phải kỹ thuật làm phim hay độ nổi tiếng của nghệ sĩ.
"Khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ, sẵn sàng bỏ tiền để đi xem thứ tưởng chừng chỉ là hậu trường, hay ghi chép lại một buổi biểu diễn đã qua. Tức là họ không đi xem concert nữa, mà đi xem lại chính những khoảnh khắc khiến họ cảm động, được kể lại theo cách điện ảnh, có lớp lang, có không gian chiêm nghiệm.
Điều này chứng minh một nhu cầu đang lớn dần: Nhu cầu được thấy thần tượng không chỉ ở những lần phát hành MV, phát sóng trực tiếp, biểu diễn, mà là được thấy hành trình, thấy góc khuất, thấy con người thật, quan trọng hơn hết là được cảm thấy mình là một phần trong câu chuyện ấy", chuyên gia cho hay.
Sơn Tùng M-TP tiên phong, Hoàng Thùy Linh thất bại
Trước hiện tượng về loạt phim tài liệu âm nhạc Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi, thị trường giải trí Việt Nam từng chứng kiến dấu ấn của một số tác phẩm cùng thể loại. Điển hình là Sky tour: The movie - bộ phim âm nhạc đầu tiên của Việt Nam, ra rạp năm 2020.
Tác phẩm là những thước phim tài liệu xoay quanh chuyến lưu diễn của Sơn Tùng M-TP tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. Điểm nhấn giúp phim gây tò mò là những chia sẻ của giọng ca Thái Bình về áp lực tiền bạc, cách ca sĩ vượt qua những khó khăn, thể hiện quyết tâm để mang đến khán giả màn trình diễn ấn tượng.

Sơn Tùng M-TP trong bộ phim "Sky tour: The movie" (Ảnh: Netflix).
Thời điểm Sky tour: The movie ra rạp, giới chuyên gia nhận định đây là phim tài liệu âm nhạc có quy mô phát hành rộng lớn, không chỉ chiếu nội địa mà còn được phát trực tuyến ở 109 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Bộ phim cũng lập kỷ lục thời bấy giờ như bán 10.000 vé trong vòng 48 giờ, đạt doanh thu 5,5 tỷ đồng sau 3 ngày công chiếu, sau đó thu về tổng doanh thu 11,5 tỷ đồng.
Năm 2023, Mỹ Tâm cũng gây chú ý khi phát hành phim tài liệu Tri âm the movie: Người giữ thời gian. Giới chuyên gia nhận xét tác phẩm được đầu tư kịch bản, có câu chuyện tròn trịa, tạo cảm xúc cho người xem. Bộ phim rời rạp sau 9 ngày, đạt doanh thu 12 tỷ đồng.

Phim của Mỹ Tâm ghi lại quá trình ca sĩ cùng ê-kíp chuẩn bị cho 2 đêm diễn "Tri âm" ở TPHCM (tháng 4/2021) và Hà Nội (tháng 11/2022) (Ảnh: Ban tổ chức).
Tuy nhiên, không phải ca sĩ Việt nào cũng đạt được những thành tích doanh thu nhất định khi thực hiện phim tài liệu. Đặc trưng của dòng phim này là doanh thu dựa vào danh tiếng nghệ sĩ và quy mô cộng đồng fan. Khi 2 yếu tố này không đủ lớn, việc làm phim tài liệu là "canh bạc" mang nguy cơ thất bại cao bởi nội dung phim rất kén khán giả trung lập.
Hồi tháng 3, phim Vietnamese concert: Chúng ta là người Việt Nam của Hoàng Thùy Linh ra rạp với suất chiếu giới hạn sau 18 tiếng ở Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Tuy nhiên, sau khoảng 1 tuần, ê-kíp thông báo rút phim khỏi rạp, đạt doanh thu khiêm tốn ở mức 200 triệu đồng.
Về trường hợp của Hoàng Thùy Linh, chuyên gia Hồng Quang Minh nhận định cô là ca sĩ tài năng, có bản sắc âm nhạc riêng. Tuy nhiên, phim tài liệu Chúng ta là người Việt Nam được đánh giá dừng ở mức an toàn. Doanh thu ít ỏi của bộ phim cũng đã được người trong ngành dự đoán từ trước.
"Điểm mấu chốt nằm ở chỗ khán giả không chỉ đi xem phim tài liệu âm nhạc để xem thần tượng đẹp thế nào, hát hay ra sao, mà là để thấy họ thật đến mức nào, tổn thương đến đâu, và vượt qua như thế nào. Đó phải là một hành trình đầy cảm xúc, đôi khi còn phải khiến người xem cảm thấy đồng cảm, thậm chí muốn khóc cùng.
Nếu một bộ phim giữ cảm xúc ở mức an toàn, chỉ chọn những đoạn đẹp, những lời chia sẻ được chuẩn bị kỹ lưỡng, thì rất khó để khán giả cảm thấy mình được "mời vào" thế giới thật của nghệ sĩ. Phim tài liệu âm nhạc, về bản chất, không phải là công cụ quảng bá, mà là một "lời tâm sự lớn", nơi nghệ sĩ bày ra cả ánh sáng lẫn bóng tối của chính mình.
Khi điều đó không đủ rõ ràng, hoặc không đủ sâu, thì dù hình ảnh có chỉn chu đến đâu, phim vẫn không tạo được động lực để người ta bỏ tiền, bỏ thời gian ra rạp. Vì rốt cuộc, cái người ta cần không phải là biết thêm về nghệ sĩ, mà là được thấy chính mình trong câu chuyện đó", chuyên gia cho hay.

Mặc dù được một bộ phận người hâm mộ ủng hộ, phim tài liệu của Hoàng Thùy Linh rời rạp nhanh chóng, doanh thu ít ỏi (Ảnh: Ban tổ chức).
Tương lai nào cho phim âm nhạc Việt Nam?
Mặc dù phim âm nhạc Việt Nam đã có những tác phẩm đạt ít nhiều thành tích, nhưng có ý kiến cho rằng so với thế giới, sự chênh lệch doanh thu, chất lượng vẫn ở khoảng cách khá xa.
"Còn quá sớm để nhận định đây có phải là "mỏ vàng" của ngành công nghiệp giải trí Việt Nam hay không", một khán giả đưa ra nhận xét.
Tại thị trường Âu Mỹ, Hàn Quốc, nhiều ngôi sao quốc tế như Lady Gaga, Taylor Swift, BTS, Blackpink… đều từng ra mắt những bộ phim tài liệu về sự nghiệp, cuộc sống sau ánh hào quang, góc khuất các chuyến lưu diễn và thu về hàng triệu USD. Lịch sử dòng phim này cũng từng ghi nhận những tác phẩm đặc sắc, được đánh giá cao về chất điện ảnh như phim về Nina Simone, Amy Winehouse, Bob Dylan…
Nhiều ý kiến cho rằng phim âm nhạc Việt Nam đa số rơi vào công thức nhồi nhét cảnh quay hậu trường, kết hợp một vài chia sẻ của nghệ sĩ, thiếu ngôn ngữ điện ảnh, thiếu câu chuyện lớp lang, kết cấu chưa chặt chẽ, thời lượng dài dòng.
Loạt phim từng giữ kỷ lục doanh thu cũng từng gây tranh cãi về chất lượng. Phim tài liệu về Anh trai say hi bị chê như "video hậu trường", cách khai thác thiếu chuyên nghiệp, biên tập cẩu thả. Phim về Sơn Tùng M-TP được nhận xét nội dung đơn điệu, thiếu góc nhìn chân thật về nhân vật.

Danh tiếng nghệ sĩ, quy mô cộng đồng fan đóng vai trò lớn trong thành công của một bộ phim âm nhạc (Ảnh: Ban tổ chức).
Chuyên gia Hồng Quang Minh cho rằng, việc các ê-kíp tận dụng làn sóng hâm mộ để kinh doanh phim âm nhạc không là "nước cờ thông minh" trong chiến lược truyền thông, bước đi hợp lý trong tiến trình mở rộng hệ sinh thái nghệ sĩ. Tuy nhiên, hướng đi này không thể chỉ dựa vào lượng fan đông hay tình cảm yêu mến đơn thuần mà người hâm mộ dành cho nghệ sĩ.
"Điều quan trọng nhất là nghệ sĩ có đủ "câu chuyện", chất liệu để kể chuyện hay không và câu chuyện đó có chạm được vào trải nghiệm sống của người xem không.
Nếu nhìn rộng hơn, các bộ phim tài liệu của nghệ sĩ quốc tế như Taylor Swift, BTS, Blackpink hay Beyoncé đã cho thấy rất rõ rằng: Việc kể lại hành trình nghệ thuật bằng điện ảnh không phải là một "ý tưởng hay", mà là một chiến lược xây dựng di sản.
Điều tôi ngưỡng mộ nhất không phải là mức độ đầu tư hoành tráng, mà là sự can đảm để họ trở nên trần trụi, thật đến tận cùng, khi dám thừa nhận sai lầm, dám khóc, dám lùi lại, dám thể hiện cả những điều không đẹp. Và điều đó không chỉ khiến fan yêu họ hơn, mà còn khiến họ trở thành biểu tượng văn hóa", chuyên gia cho biết.
Ông Minh cho rằng nghệ sĩ Việt nên học hỏi cách kể chuyện của nghệ sĩ quốc tế trong các bộ phim tài liệu: Không kể lể quá nhiều mà chọn một cốt truyện rõ ràng, có sức nặng. Điều này đòi hỏi nghệ sĩ và ê-kíp phải dũng cảm nhìn lại chính mình, có một tầm nhìn rộng mở, có niềm tin về câu chuyện họ đưa ra đủ lớn để người khác nhìn thấy chính họ trong đó.
"Khi ấy, một bộ phim tài liệu âm nhạc không chỉ là "một sự hứng khởi hậu concert", mà là một phần trong hành trình xây nên tượng đài cá nhân, một cách rất nghệ thuật và đầy nhân văn", chuyên gia nhận định.

Tương lai dòng phim tư liệu âm nhạc Việt Nam vẫn để ngỏ sau xu hướng làm phim về "Anh trai" (Ảnh: Ban tổ chức).
Phóng viên Dân trí cũng đặt câu hỏi cho chuyên gia trong ngành về khả năng bộ phim Mưa lửa của Anh trai vượt ngàn chông gai liệu có thể phá vỡ kỷ lục doanh thu do phim Anh trai say hi đang nắm giữ hay không.
Nhiều người cho rằng phim Mưa lửa được đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư thực hiện bài bản, có nút thắt, cao trào, tạo được cảm xúc cho người xem, cải thiện được nhiều điểm trừ so với một số phim âm nhạc Việt Nam trước đó. Tuy nhiên, khả năng phim tạo nên được lịch sử mới cho doanh thu dòng phim này hay không vẫn còn đang để ngỏ.
Hiện tại, bộ phim chỉ được phát hành ở 4 hệ thống rạp là Galaxy, Lotte, BHD và Trung tâm chiếu phim quốc gia. Vắng mặt ở hệ thống rạp CGV, phim gặp thách thức không nhỏ về việc duy trì suất chiếu, tiếp cận số đông khán giả. Ngoài ra, phim cũng đang cạnh tranh với nhiều đối thủ nặng ký như: Doreamon: Nobita và cuộc phiêu lưu vào thế giới trong tranh, Lilo & Stitch…
Nguồn: https://dantri.com.vn/giai-tri/con-sot-phim-tai-lieu-anh-trai-thu-ve-chuc-ty-mo-vang-cho-nghe-si-viet-20250522072853590.htm
Bình luận (0)