Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Công nghiệp hóa miền Tây: Chìa khóa giải bài toán xuất cư và tạo sinh kế bền vững

STO - Trong suốt hơn 2 thập niên qua, dòng người rời khỏi đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để mưu sinh tại các đô thị lớn đã trở thành một hiện tượng kinh tế - xã hội nổi bật. Tuy nhiên, trong bối cảnh vùng ĐBSCL đang từng bước được quy hoạch lại theo hướng phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, thì công nghiệp hóa đang nổi lên như một hướng đi mới: không chỉ tạo ra tăng trưởng, mà còn có thể giúp giữ chân người trẻ, thậm chí thu hút họ quay về quê hương lập nghiệp. Giấc mơ “ly nông bất ly hương” đang dần trở thành hiện thực, nếu chính sách phát triển vùng được thực thi đồng bộ và hiệu quả.

Báo Sóc TrăngBáo Sóc Trăng20/05/2025

Tình trạng xuất cư và hệ lụy lâu dài đối với đồng bằng sông Cửu Long

ĐBSCL là vựa lúa, vựa trái cây và thủy sản lớn nhất cả nước, nhưng lại là vùng có tỷ lệ xuất cư cao nhất Việt Nam trong suốt hơn 2 thập kỷ qua. Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019, toàn vùng có tới 1,3 triệu người di cư ra ngoài, chiếm hơn 50% tổng lượng xuất cư toàn quốc. Đáng lo ngại hơn, phần lớn người rời đi là lao động trẻ trong độ tuổi 18 - 35, kéo theo hiện tượng già hóa dân số, thiếu hụt lực lượng lao động nòng cốt và làm suy giảm động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương[1].

Theo nhiều chuyên gia, di cư từ miền Tây không đơn thuần là lựa chọn cá nhân, mà đã trở thành hiện tượng “cơ cấu”, có nguyên nhân sâu xa từ thiếu việc làm ổn định tại chỗ, mức thu nhập thấp, điều kiện dịch vụ xã hội còn hạn chế, đặc biệt là sự thiếu vắng các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao. Như Báo Nhân Dân phân tích, trong khi các vùng kinh tế trọng điểm khác như Đông Nam Bộ, Hà Nội, Đà Nẵng thu hút dân cư nhờ phát triển công nghiệp - dịch vụ, thì miền Tây vẫn loay hoay trong thế “thuần nông”, không đủ hấp lực giữ chân thế hệ trẻ[2].

Không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế địa phương, tình trạng xuất cư kéo dài còn kéo theo hệ lụy xã hội sâu rộng. Gia đình ly tán, thiếu hụt sự chăm sóc đối với trẻ em và người già, rạn nứt cấu trúc cộng đồng truyền thống... là những vết hằn xã hội đang hiện hữu ở nhiều vùng quê miền Tây. Đặc biệt, làn sóng người lao động trở về ồ ạt trong thời kỳ giãn cách Covid-19 năm 2021 đã phơi bày rõ mức độ lệ thuộc của người dân ĐBSCL vào các vùng phát triển công nghiệp khác - không chỉ về thu nhập, mà cả về sinh kế dài hạn.

Công nghiệp hóa - chìa khóa giải bài toán xuất cư ở đồng bằng sông Cửu Long

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, vùng ĐBSCL được xác định là khu vực trọng điểm về nông nghiệp, nhưng cũng đang được điều chỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống người dân và giảm chênh lệch vùng miền. Trong đó, công nghiệp hóa - vốn là một “khoảng trống” của miền Tây suốt nhiều thập kỷ - nay được coi là động lực mới của tăng trưởng.

Làn sóng đầu tư vào hạ tầng KCN đang tăng tốc rõ rệt tại nhiều tỉnh, thành trong vùng. Ảnh: PHÚC THỊNH

Thực tế cho thấy, làn sóng đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp (KCN) đang tăng tốc rõ rệt tại nhiều tỉnh, thành trong vùng. Theo số liệu tổng hợp từ các ban quản lý KCN, khu kinh tế (KKT) vùng ĐBSCL, hiện trong vùng có 122 KCN, KKT với tổng diện tích 137.516ha. Trong đó, có 52 KCN, KKT đã đi vào hoạt động, tổng diện tích 106.874ha[3]. Trong báo cáo mới đây của Tạp chí Tài chính[4], các chuyên gia nhận định ĐBSCL đang dần chuyển mình từ một vùng thuần nông sang mô hình phát triển đa ngành, lấy công nghiệp chế biến và dịch vụ logistics làm khâu then chốt để gia tăng giá trị. Nhiều tỉnh đã ban hành cơ chế ưu đãi, rút ngắn thủ tục đầu tư và gắn quy hoạch KCN với phát triển hạ tầng giao thông liên vùng như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Hậu Giang, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng...

Trong bối cảnh dân số trẻ ở ĐBSCL đang sụt giảm vì dòng chảy xuất cư dai dẳng, công nghiệp hóa không còn là lựa chọn mà là đòi hỏi tất yếu để giữ chân người trẻ, tạo dựng sinh kế ổn định và khơi thông năng lượng phát triển nội sinh cho toàn vùng.

Từ sau năm 2021, đặc biệt từ khi triển khai các nghị quyết mới về quy hoạch vùng, một làn sóng đầu tư công nghiệp đang dịch chuyển mạnh về ĐBSCL. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các KCN, KKT trong vùng ĐBSCL thu hút 65 dự án đầu tư mới[5]. Nhiều dự án quy mô lớn bắt đầu đổ bộ như VSIP Cần Thơ (293ha, vốn đầu tư giai đoạn 1 lên đến 3.717 tỷ đồng), KCN Đông Bình, Gilimex (Vĩnh Long), Đông Phú 2 (Hậu Giang), hay các cụm công nghiệp chế biến tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang... Những dự án này không chỉ tạo việc làm tại chỗ mà còn thay đổi cục diện cơ cấu kinh tế - từ sản xuất nhỏ lẻ sang tổ chức công nghiệp hóa theo chuỗi.

Công nghiệp chế biến nông sản đang được xác định là mũi nhọn phù hợp với lợi thế nền tảng của miền Tây. Việc thu hút các doanh nghiệp chế biến sâu trong lĩnh vực lúa gạo, trái cây, thủy sản - đi đôi với các ngành công nghiệp phụ trợ và logistics - không chỉ nâng giá trị nông sản mà còn gia tăng nhu cầu lao động kỹ thuật, công nhân chuyên môn, từ đó tạo điều kiện để người dân địa phương, nhất là lao động trẻ tiếp cận với việc làm, có thu nhập ổn định mà không cần rời quê.

Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã nhận diện rõ xu hướng này. Tỉnh Hậu Giang định hướng phát triển thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030; Tiền Giang đang khởi động cụm công nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến thủy sản[6]; Trà Vinh thúc đẩy công nghiệp xanh và năng lượng tái tạo, hướng đến xuất khẩu lao động kỹ thuật[7]. Trong khi đó, các dự án bất động sản công nghiệp, nhà ở công nhân và dịch vụ hậu cần đang được triển khai đồng bộ tại Bình Minh (Vĩnh Long), Vị Thanh (Hậu Giang), Long An và Kiên Giang.

Những bước đi cần thiết để biến giấc mơ lập nghiệp tại quê nhà thành hiện thực

Việc phát triển công nghiệp ở ĐBSCL không thể chỉ dừng lại ở các KCN, nhà máy, hay con số thu hút đầu tư. Nếu mục tiêu sau cùng là giữ người ở lại và tạo cơ hội cho người trẻ lập nghiệp tại quê hương, thì chính sách cần đi xa hơn - bao gồm hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng, và đặc biệt là môi trường sống hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh với các vùng kinh tế phát triển khác.

Thứ nhất, quy hoạch công nghiệp phải gắn với quy hoạch tổng thể vùng và liên kết hạ tầng giao thông. Việc phát triển KCN một cách rải rác, thiếu kết nối và không tương thích với năng lực hạ tầng sẽ không tạo được hệ sinh thái phát triển. Như chỉ đạo của Thủ tướng tại các cuộc họp vùng gần đây, các địa phương phải ưu tiên hoàn thành cao tốc trục ngang và trục dọc như Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, nhằm kết nối các vùng nguyên liệu, trung tâm logistics và cụm công nghiệp. Đồng thời, quy hoạch các KCN cần bám sát Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - một trong những quy hoạch tích hợp đầu tiên theo Luật Quy hoạch mới.

Thứ hai, phát triển công nghiệp đi đôi với đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ. Đây là điểm nghẽn lớn nếu không được giải quyết đồng bộ. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp trong vùng cần chuyển dịch đào tạo theo hướng gắn với nhu cầu doanh nghiệp - từ kỹ năng cơ bản đến kỹ thuật số, sản xuất thông minh và an toàn lao động. Cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp phối hợp đào tạo, và đặc biệt là chương trình “hồi hương” lao động tay nghề cao - những người đã rời quê làm việc tại các KCN phía Nam - nay trở về với cơ hội việc làm mới.

Thứ ba, tạo dựng hệ sinh thái sống đủ hấp dẫn để người dân an cư, không chỉ làm việc. Công nghiệp hóa không thể bền vững nếu thiếu đô thị hóa đi kèm. Các địa phương cần phát triển đồng bộ nhà ở công nhân, dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, giải trí… để người trẻ có thể hình dung về một cuộc sống trọn vẹn tại quê nhà. Việc xây dựng các khu đô thị vệ tinh quanh các KCN tại Cần Thơ, Hậu Giang, Long An, Trà Vinh, Kiên Giang… đang là tín hiệu tích cực, nhưng cần được nhân rộng, bài bản và gắn với nhu cầu thực tế.

Thứ tư, chuyển đổi số và công nghiệp xanh phải trở thành ưu tiên hàng đầu. Nếu ĐBSCL tiếp tục phát triển công nghiệp theo mô hình cũ - nặng khai thác tài nguyên, thiếu đổi mới công nghệ - thì không những khó thu hút nhân lực trẻ, mà còn xung đột với mục tiêu phát triển bền vững của vùng. Phát triển các KCN sinh thái, sử dụng năng lượng tái tạo, xử lý nước thải tuần hoàn, ứng dụng công nghệ số vào quản lý vận hành… sẽ là “tấm vé dài hạn” để giữ chân những người trẻ có trình độ và có khát vọng sống văn minh, hiện đại tại chính quê hương mình.

Thứ năm, cần khơi dậy tâm thế chủ động từ chính người dân địa phương. Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp khởi nghiệp, truyền thông địa phương... là rất quan trọng trong việc truyền cảm hứng, dẫn dắt lối sống mới và định hình lại tư duy phát triển gắn với bản sắc địa phương.

Phát triển các KCN ở ĐBSCL không chỉ là một giải pháp kinh tế đơn thuần, mà còn là một chiến lược toàn diện nhằm giải quyết bài toán phát triển bền vững của vùng. Khi công nghiệp hóa được triển khai một cách hợp lý, đi đôi với phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, môi trường sống, nó sẽ tạo ra động lực lớn cho các thế hệ trẻ ở lại quê hương lập nghiệp và thu hút người lao động đã di cư quay về. Chính vì vậy, phát triển KCN ở ĐBSCL vừa là chìa khóa để giải quyết vấn đề xuất cư, vừa là cơ hội để người trẻ miền Tây tiếp tục khẳng định sức mạnh và trí tuệ của mình trong công cuộc xây dựng quê hương, đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

TS Nguyễn Hữu Dũng - Học viện Chính trị khu vực IV

[1] Làn sóng di cư ở miền Tây: Chuyên gia nói gì về giải pháp căn cơ?

[2] Bài toán di cư ở vùng châu thổ Cửu Long

[3] Phát triển khu công nghiệp: Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long

[4] Đồng bằng Sông Cửu Long: Điểm mới để phát triển bất động sản khu công nghiệp

[5] Phát triển khu công nghiệp: Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long

[6] Tiền Giang tập trung chế biến thủy sản xuất khẩu

[7] Phát triển Trà Vinh thành trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo

Nguồn: https://baosoctrang.org.vn/cong-nghiep/202505/cong-nghiep-hoa-mien-tay-chia-khoa-giai-bai-toan-xuat-cu-va-tao-sinh-ke-ben-vung-bee7ee6/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm