Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Củng cố vị thế sâm Ngọc Linh bằng thành tựu dược lý và khoa học ứng dụng

NDO - Chiều 15/5, tại thành phố Kon Tum, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum tổ chức Hội thảo khoa học “Các nghiên cứu mới về Sâm Ngọc Linh - Thành tựu và ứng dụng” với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia và nhà quản lý đã công bố loạt kết quả nghiên cứu mới, khẳng định giá trị vượt trội của sâm Ngọc Linh.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân15/05/2025

Sâm Ngọc Linh, loài sâm quý hiếm và đặc hữu của núi Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, được khoa học hiện đại và y học cổ truyền ghi nhận có giá trị dược lý cao, với hệ hoạt chất đa dạng, nổi bật là nhóm saponin có cấu trúc phức tạp.

Trong hơn 50 năm qua, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã từng bước làm sáng tỏ những đặc điểm hình thái, giải phẫu, thành phần hóa học và tác dụng sinh học của loài sâm này.

Sự quan tâm của giới khoa học đối với sâm Ngọc Linh không chỉ dừng lại ở yếu tố “quý hiếm” hay “đặc hữu”, mà ngày càng được mở rộng sang các lĩnh vực chuyên sâu hơn như sinh học phân tử, công nghệ sinh học, hóa dược, sinh lý học, công nghệ chế biến sâu, truy xuất nguồn gốc, quản trị chất lượng và phát triển sản phẩm có hàm lượng tri thức cao.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tổng hợp, phân tích, cập nhật các kết quả nghiên cứu mới nhất từ các góc độ khoa học chuyên ngành, từ đó đặt ra những gợi mở cho việc xây dựng chiến lược phát triển sâm Ngọc Linh một cách toàn diện, bài bản và có căn cứ khoa học vững chắc.

Củng cố vị thế sâm Ngọc Linh bằng thành tựu dược lý và khoa học ứng dụng ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Đức Tuy phát biểu tại hội thảo.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum Nguyễn Đức Tuy, hội thảo khoa học "Các nghiên cứu mới về sâm Ngọc Linh - Thành tựu và ứng dụng" là hoạt động vô cùng ý nghĩa, mang tầm chiến lược về khoa học, góp phần khẳng định giá trị và vị thế của loài dược liệu quý sâm Ngọc Linh, nhất là trong giai đoạn hiện nay Đảng, Nhà nước ta đã có chủ trương xem phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển kinh tế-xã hội, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo báo cáo khoa học của nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Dương Hồng Tố Quyên (Bệnh viện Y học cổ truyền TP Hồ Chí Minh) công bố, các nghiên cứu dược lý trên động vật thử nghiệm đã chứng minh cao chiết toàn phần từ sâm Ngọc Linh trồng 6 năm tuổi có tác dụng tăng lực, chống stress tâm lý, bảo vệ gan và tăng cường miễn dịch, vượt trội hơn so với nhân sâm cùng tuổi.

“Những kết quả này là cơ sở khoa học vững chắc để phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thuốc từ Sâm Ngọc Linh trong tương lai gần”, Tiến sĩ Tố Quyên khẳng định.

Củng cố vị thế sâm Ngọc Linh bằng thành tựu dược lý và khoa học ứng dụng ảnh 2

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận trình bày báo cáo tại hội thảo.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận, Hiệu trưởng Trường đại học Tây Đô, nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh, đã tổng hợp hệ thống các nhóm hợp chất đã được phân lập từ sâm Ngọc Linh. Tính đến nay, hơn 290 hợp chất được xác định, trong đó có 97 saponin, 7 polyacetylen, 18 acid amin (trong đó nhiều acid amin thiết yếu), 5 acid béo và hơn 130 hợp chất trong tinh dầu.

Đặc biệt, các saponin nhóm ocotillol như majonosid-R2, vinaginsenosid-R2 là những hợp chất đặc trưng, không có trong các loài sâm khác như Nhân sâm hay Tam thất. Đây chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt về dược tính và giá trị của sâm Ngọc Linh.

“Với sự đa dạng và phong phú về hoạt chất sinh học, sâm Ngọc Linh không chỉ tiềm năng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà còn là nguồn nguyên liệu quý cho phát triển dược phẩm điều trị các bệnh mạn tính như trầm cảm, tổn thương gan hay bệnh lý thần kinh”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận khẳng định.

Một nội dung trọng tâm được các chuyên gia, nhà quản lý đặc biệt quan tâm tại hội thảo là vấn đề xây dựng, bảo vệ thương hiệu quốc gia “sâm Việt Nam”. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, hiện nay có ba thứ của loài Panax vietnamensis gồm: var.vietnamensis (Sâm Ngọc Linh), var.fuscidiscus (Sâm Lai Châu) và var.langbianensis (Sâm Lang Biang). Trong đó, chỉ sâm Ngọc Linh (var.vietnamensis) là loài sâm đặc hữu, được công nhận trong Dược điển Việt Nam và là đối tượng của Quyết định 787/QĐ-TTg năm 2017 về sản phẩm quốc gia.

Tuy nhiên, trên thị trường hiện đang xảy ra tình trạng nhầm lẫn, giả mạo, nhập lậu Dã Tam Thất (sâm Lai Châu trồng ở Trung Quốc) với số lượng lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của sâm Ngọc Linh.

Từ thực tế đó, các nhà khoa học kiến nghị: cần thống nhất tên gọi “sâm Việt Nam” chỉ dành cho Panax vietnamensis var.vietnamensis (sâm Ngọc Linh). Các thứ sâm khác nên có chuyên luận riêng trong Dược điển và được đặt tên rõ ràng (như: sâm Lai Châu). Đồng thời, cần tăng cường kiểm soát chất lượng, xuất xứ, mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.

Chỉ khi nội hàm khái niệm "sâm Việt Nam" được xác định rõ ràng, chúng ta mới có thể bảo vệ thương hiệu quốc gia, tránh nhầm lẫn gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín quốc gia trên thị trường quốc tế.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức,

Trường đại học Tôn Đức Thắng

Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU, đặt mục tiêu đến năm 2030 trồng được 10.000 ha sâm Ngọc Linh; đã đầu tư hơn 13 tỷ đồng cho hệ thống kiểm định ADN và chất lượng sâm, cấp phát giống sâm miễn phí cho người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển vườn sâm, đẩy mạnh công tác xóa nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Với những phát hiện khoa học mới và định hướng chiến lược rõ ràng, sâm Ngọc Linh đang đứng trước cơ hội lớn để khẳng định vị thế không chỉ là “quốc bảo” của Việt Nam mà còn là một dược liệu quý toàn cầu.

Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, khoa học và doanh nghiệp. Sự minh bạch, chính danh hóa tên gọi, đầu tư cho nghiên cứu, chế biến sâu và quản lý chất lượng sẽ là chìa khóa để thương hiệu “sâm Việt Nam - sâm Ngọc Linh” vươn tầm quốc tế.

Nguồn: https://nhandan.vn/cung-co-vi-the-sam-ngoc-linh-bang-thanh-tuu-duoc-ly-va-khoa-hoc-ung-dung-post879904.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm