Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những người lặng thầm gìn giữ di sản Hồ Chí Minh

Giữa những nếp nhà tranh mộc mạc ở Làng Sen, giữa mùi hương trầm thoảng nhẹ mỗi sớm, có những con người âm thầm thay mặt gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh, gìn giữ từng kỷ vật, từng khoảng trời ký ức ở Khu Di tích Kim Liên. Họ lặng lẽ trông nom, chăm sóc những mảnh ký ức giản dị nhưng thiêng liêng trên quê hương Bác.

Báo Nghệ AnBáo Nghệ An15/05/2025

Giữ “hơi ấm” của Người trong mỗi kỷ vật

Một chiều tháng Năm, khi nắng hè phủ vàng trên những mái nhà tranh cũ kỹ ở Làng Sen, tôi gặp anh Trần Đình Thục - nhân viên Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Trưng bày và Bảo quản, Ban Quản lý Khu Di tích Kim Liên. Lúc này, anh cùng vài đồng nghiệp đang lặng lẽ thắp hương tại ban thờ gia tiên nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm - ông nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

khu di tích Kim Liên Ảnh Diệp Thanh00001
Anh Trần Đình Thục cùng các đồng nghiệp thắp hương cho bàn thờ gia tiên nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm. Ảnh: Diệp Thanh

Giữa hương trầm thoảng nhẹ, khung cảnh Kim Liên hiện lên như một bức tranh trầm mặc. Ở đó, 18 nhân viên Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Trưng bày và Bảo quản, Ban Quản lý Khu Di tích Kim Liên giống như 18 thành viên trong một gia đình lớn, âm thầm thay mặt người thân gia đình Bác trông coi từng mái nhà, chăm chút từng kỷ vật, vun vén hương khói tổ tiên. Công việc ấy, tưởng đơn giản, nhưng đòi hỏi những tình cảm đặc biệt, không thể chỉ làm bằng bổn phận.

Là một trong những người gắn bó lâu năm nhất với khu di tích, anh Thục sinh ra và lớn lên ngay tại Kim Liên. Mẹ anh thuộc dòng họ Nguyễn Sinh, nên từ nhỏ, hình ảnh Bác Hồ đã gần gũi, thân thuộc như máu thịt. 32 năm gắn bó tại khu di tích, anh không xem đó chỉ là công việc, mà còn là nguồn cội, một nơi thuộc về.

khu di tích Kim Liên Ảnh Diệp Thanh00003
Những người làm công tác bảo quản dọn dẹp, vệ sinh khu di tích. Ảnh: CSCC

Mỗi ngày, trước 7 giờ sáng - thời điểm khu di tích mở cửa đón khách, anh Thục cùng đồng nghiệp đã hoàn tất việc quét dọn, lau chùi, kiểm tra từng mái tranh, khung gỗ, hiện vật. Công việc không ồn ào nhưng đầy kỷ luật, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng từng chi tiết nhỏ nhất. Những ngày mưa dầm, nắng gắt hay bão gió, những người "giữ nhà" cho Bác phải cẩn thận kiểm tra, chỉnh trang từng cột kèo, bức vách, để đảm bảo mọi thứ luôn vẹn nguyên, chắc chắn như thuở ban đầu.

Kể về những kỷ niệm trong công việc, anh Thục nhớ lại: Một lần, khi đang hướng dẫn khách tham quan, một vị chính khách Nhật Bản đã xin phép anh để được chạm tay vào tấm phản nơi Bác Hồ từng nằm nghỉ. "Tôi muốn cảm nhận hơi ấm của Chủ tịch Hồ Chí Minh" - vị khách nói, không giấu nổi xúc động. Khoảnh khắc ấy, anh Thục hiểu rõ hơn bao giờ hết ý nghĩa của công việc mình đang làm.

khu di tích Kim Liên Ảnh Diệp Thanh00006
Anh Thục bên cây phượng vàng do đồng chí Đỗ Mười trồng. Ảnh: Diệp Thanh

Không chỉ gìn giữ hiện vật, anh Thục còn từng được giao nhiệm vụ chọn cây cho các nguyên thủ trồng lưu niệm tại khu di tích. Trong lần chọn cây cho Tổng Bí thư Đỗ Mười trồng, khi được hỏi lý do không chọn cây đa, anh trả lời: "Vì mỗi dịp sinh nhật Bác, loài cây này sẽ nở hoa, như lời chúc mừng tốt đẹp gửi tới Người”. Câu trả lời ấy khiến Tổng Bí thư rất hài lòng. Cây phượng vàng năm ấy, giờ đã cao lớn, vượt hơn hẳn những cây xung quanh, khoe sắc rực rỡ mỗi độ tháng Năm về.

Trong thế hệ trẻ Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Trưng bày và Bảo quản, Trần Thị Hoài Thương - sinh năm 1997, là người trẻ nhất. Khi mới vào nghề, chị từng cảm thấy bỡ ngỡ trước những yêu cầu khắt khe. Nhưng dần dần, trong từng buổi lau bụi, từng lần kiểm tra các hạng mục, Thương nhận ra, được làm việc trong không gian thấm đẫm giá trị lịch sử này, được lắng nghe, kể lại những câu chuyện về Bác, là một may mắn hiếm có.

kim liên
Du khách đến với Khu Di tích Kim Liên trong những ngày lễ lớn của dân tộc. Ảnh: CSCC

Chị Nguyễn Thị Minh Huệ, Trưởng Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Trưng bày và Bảo quản, chia sẻ: "Di tích như ngôi nhà thứ hai của chúng tôi. Mỗi lần đón các đoàn khách, mỗi lần được thắp hương chúng tôi lại mang trong mình niềm tự hào thầm lặng. Chúng tôi hiểu rằng, bảo quản di tích không chỉ gìn giữ vật chất, mà còn gìn giữ cả những giá trị vô hình - những ký ức, những rung cảm, những bài học về nhân cách về Người".

Người giúp kỷ vật “kể chuyện”

Ở Khu Di tích Kim Liên, trong 18 con người ngày ngày lặng lẽ gìn giữ từng mái tranh, hiện vật, có một người đảm nhận sứ mệnh đặc biệt hơn: Lưu giữ, hệ thống hóa và kể tiếp câu chuyện về Bác Hồ qua từng tài liệu, từng tấm hình, từng mẩu kỷ vật. Người đó là chị Vương Thị Nga - một người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng bền bỉ, lặng thầm như chính công việc chị theo đuổi.

khu di tích Kim Liên Ảnh Diệp Thanh00005
Chị Vương Thị Nga là người lưu giữ, hệ thống hóa kỷ vật và tài liệu về Bác. Ảnh: Diệp Thanh

Tốt nghiệp khoa Sử Đại học Vinh, từng có hơn 10 năm làm việc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), cuối năm 2023, chị Nga quyết định trở về quê hương Nam Đàn, xin công tác tại Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Trưng bày và Bảo quản của Khu Di tích Kim Liên. Tại đây, chị là người duy nhất đảm nhận toàn bộ công tác lưu trữ, kiểm kê hiện vật, tư liệu và xây dựng các triển lãm chuyên đề về Bác.

Công việc của chị Nga bắt đầu từ những chi tiết tưởng chừng như đơn giản. Đó là quản lý kho tư liệu, sắp xếp, phân loại, cập nhật từng hiện vật, từng hồ sơ gốc. Nhưng phía sau đó là cả một áp lực âm thầm, làm sao để không bỏ sót bất kỳ một mảnh ký ức nào, làm sao để mỗi hiện vật được bảo tồn chính xác nhất, chuẩn mực nhất, khi tất cả đều mang hơi thở của lịch sử.

khu di tích Kim Liên Ảnh Diệp Thanh00009
Các cuộc triển lãm tại Khu Di tích Kim Liên đang được chị Nga đảm nhận, phụ trách. Ảnh: CSCC

Với chị, mỗi lần xây dựng một cuộc triển lãm là một hành trình không đơn giản. Chị kể, phần khó nhất không phải ở khâu trưng bày, mà là ở việc chọn đề tài và xây dựng đề cương. “Khi chưa nghĩ ra ý tưởng, có khi trằn trọc trắng đêm, vì từng chủ đề đều phải phản ánh được chiều sâu nhân cách của Bác, lại phải mới mẻ, gần gũi với người dân” - chị chia sẻ.

Khi đề cương đã thành hình, công việc tiếp theo còn khắt khe hơn: Tìm kiếm, tổng hợp, xác minh từng dòng tư liệu, từng bức ảnh, đảm bảo tuyệt đối tính xác thực. Có những lần, để chọn được vài bức ảnh tiêu biểu cho một chủ đề, chị Nga phải rà soát hàng nghìn tấm ảnh tư liệu, làm việc cùng lúc trên nhiều màn hình máy tính, ghi chú, đối chiếu từng chi tiết nhỏ. Làm ở cơ quan chưa xong thì mang về nhà. Những buổi tối hun hút bên đèn bàn, những ngày dài cặm cụi kiểm tra từng bản in, từng chú thích nhỏ dưới mỗi hiện vật, đã trở thành một phần quen thuộc trong nhịp sống của chị.

khu di tích Kim Liên Ảnh Diệp Thanh00000
Chị Vương Thị Nga còn là người bảo quản các kỷ vật liên quan đến Bác. Ảnh: Diệp Thanh

"Mỗi bức ảnh, mỗi hiện vật trưng bày, đều phải đủ sức kể một câu chuyện về Bác - giản dị mà sâu sắc" - chị nói, ánh mắt ánh lên đam mê.

Không chỉ dừng lại ở việc trưng bày, chị Nga còn đặc biệt chú trọng đến việc truyền tải các giá trị về Bác tới đối tượng thiếu nhi – thế hệ tương lai của đất nước. Những câu chuyện nhỏ, những chi tiết đời thường giản dị về Người được chị khéo léo lồng ghép, để hình ảnh Bác Hồ hiện lên thân thuộc, gần gũi và mẫu mực trong những trang báo Nhi đồng. Công việc của chị Nga không ồn ào, không màu sắc, nhưng lại góp phần không nhỏ để mỗi người khách, mỗi thế hệ, khi trở về Kim Liên, đều có thể nhìn thấy ở đó một Bác Hồ gần gũi, vĩ đại mà rất đỗi đời thường.

khu di tích Kim Liên Ảnh Diệp Thanh00002
Thông qua những bài viết, chị Nga lan toả tình yêu bao la của Người đến thế hệ tương lai của đất nước. Ảnh: Diệp Thanh

Giữa muôn vàn đổi thay, nơi đây vẫn có những con người chọn ở lại để gìn giữ. Gìn giữ không chỉ mái nhà, kỷ vật, mà gìn giữ cả ký ức một con người, một dân tộc. Để mỗi bước chân về Kim Liên, vẫn có thể nghe vang vọng tiếng gọi từ lịch sử./.

Nguồn: https://baonghean.vn/nhung-nguoi-lang-tham-gin-giu-di-san-ho-chi-minh-10297299.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm