Bước chân giẫm đá
Sáng sớm, tiết trời Bảy Núi mát lành hứng những giọt nắng ban mai xuyên qua từng kẽ lá dưới tán rừng. Từ dưới chân núi, chúng tôi chuẩn bị hành trình chinh phục núi Két (TX. Tịnh Biên). Lê bước chân nặng trịch lên hàng trăm bậc thang, toàn thân mệt lã, vì leo qua những đoạn dốc cao. Vậy mà, phía trước chúng tôi là những cửu vạn vác từng cây nước đá bước thoăn thoắt lên non cao. Cố hít một hơi thật sâu, chúng tôi ráng chạy lúp xúp theo sau hỏi han mới biết, các anh vác nước đá thuê lên núi Két mỗi ngày. Anh Nguyễn Văn Dốc (45 tuổi) là người đi nhanh nhất. Anh chuyên gánh, vác hàng hóa lên núi phục vụ khách du lịch.
Vừa đi, vừa trò chuyện, 2 chân tôi đuối dần. Nhìn lên dốc núi Két rất cao và dựng đứng, các anh cửu vạn cứ bước nhanh mà không chút nghỉ ngơi. Nước đá gặp không khí tan chảy rất nhanh, vì vậy anh Dốc phải tranh thủ leo nhanh để kịp giao cho chủ quán. Nếu cứ leo chậm như du khách thì một cây nước đá nặng 40kg sẽ tan chảy chỉ còn vài ký. Anh Dốc cho hay, lúc mới vào nghề vác nước đá lên núi, gặp nhiều dốc núi dựng đứng phải nghỉ chân liên tục. Khi tới đỉnh núi, một cây nước đá to tan chảy chỉ còn nhỏ xíu. “Lần đó, mang nước đá lên vừa tốn công, vừa bán lỗ cho chủ quán, vì nước đá tan chảy gần hết” - anh Dốc kể.
Vồ Bồ Hong là nơi cao nhất trên đỉnh núi Cấm
Tại núi Két có 3 cửu vạn chuyên mang vác nước đá, đồ nhu yếu phẩm, trái cây lên núi. Thậm chí, họ còn kiêm luôn việc mang cát, đá, xi-măng lên núi khi người dân cần. Anh Khôn (chuyên mang vác nhu yếu phẩm) nói rằng, ngày trước ngọn núi này còn hoang sơ, đường lên núi hiểm trở. Sau này, người dân có nhu cầu thuê cửu vạn mang vác vật tư lên núi xây bậc thang để du khách leo núi dễ dàng. Mỗi lần vác xi-măng lên núi, ai cũng ngán ngẩm. “Từ từ rồi quen dần, mỗi bao xi-măng nặng 50kg, vác lên tận đỉnh khoảng 30 phút. Cứ như vậy, mỗi ngày vác 5 bao” - anh Khôn nhớ lại.
Niềm vui khi có thu nhập
Rời núi Két, chúng tôi tiếp tục hành trình chinh phục Thiên Cấm Sơn. Ngày nay, đường sá lên ngọn núi này được thảm nhựa phẳng phiu rất dễ đi. Những tuyến đường nhánh xuyên qua các vồ, điện dưới tán rừng cũng được bà con hiến đất mở rộng tráng bê-tông thẳng tắp. Để chở người và hàng hóa thuận tiện, sơn dân “độ” lại dây sên, nhông dĩa cho “con ngựa sắt” của mình chạy lên núi rất mượt. Sống trong gian khó, họ đã biết sáng tạo ra phương tiện phục vụ đời sống hàng ngày trên núi. Hôm leo núi, chứng kiến các anh chạy xe chở khách, hàng hóa vượt dốc đứng rất mạnh. Nếu xe gắn máy đang chạy ở đồng bằng mà đem về ngọn núi này lưu thông, thì sơn dân “chào thua”, vì xe không thể nào leo dốc!
Hôm khám phá các vồ, điện, am, cốc trên núi Cấm, chúng tôi leo qua vồ Bồ Hong, một điểm cao nhất nơi đây. Hiện nay, đường lên vồ Bồ Hong khá rộng. Nhưng đi lên chỉ một đoạn khoảng 1km thì xe dừng lại tại khu đất trống. Muốn chinh phục đỉnh Bồ Hong, du khách phải tiếp tục lội bộ qua từng bậc thang dựng đứng, vì nơi đây chưa có đường dành riêng cho xe gắn máy chạy lên núi. Tiếp tục vượt qua từng nấc thang rất mệt, ven đường là những nhà trọ, hàng quán san sát nhau. Hàng hóa nơi đây được các cửu vạn mang lên cho chủ quán để phục vụ du khách phương xa. Đi đúng ngày rằm tháng 4 âm lịch, du khách leo lên vồ Bồ Hong rất đông.
Len lách qua dòng người, chúng tôi gặp anh Chau Mây (37 tuổi) đang vác thùng trái cây lên núi. Hỏi ra mới biết, anh vác thuê cho các chủ quán trên vồ Bồ Hong. Mờ sáng, sương còn giăng trên đỉnh núi thì anh Chau Mây cùng bà con trong xóm đến đây mang, vác hàng hóa thuê. Mỗi ngày, anh Chau Mây vác, gánh hàng hóa từ 7 - 10 cuốc lên đỉnh núi. “Từ sáng đến giờ vác được 7 thùng trái cây cho người dân. Mỗi cuốc gánh, vác hàng lên núi, nhận 30.000 đồng. Từ sáng đến trưa, tôi kiếm được 210.000 đồng. Sau đó, tôi sẽ tiếp tục vác thuê cho chủ quán để kiếm thêm thu nhập” - anh Chau Mây cho biết.
Giữa trưa nắng gắt, tiết trời trên đỉnh núi Cấm vẫn mát mẻ dễ chịu. Những cửu vạn ngồi nghỉ mệt bên lán trại nhỏ, ăn vội tô cơm mang theo từ sớm. Các anh vừa ăn, vừa trò chuyện trên núi cao. Dòng người qua lại càng đông, chúng tôi thấy anh Chau Son vác thùng nước suối lê bước chân nặng trịch qua các bậc thang dựng đứng. Anh Chau Son làm nghề cửu vạn hơn 20 năm tại núi Cấm này. Hồi trước, đường núi đi lại rất khó khăn, chủ yếu leo qua đường mòn, dốc cao...
Năm 17 tuổi, anh Chau Son đã làm nghề gánh, vác thuê hàng hóa lên núi Cấm cho bà con. Muốn đem được hàng hóa lên tận đỉnh núi, anh Chau Son phải dậy từ 2 giờ sáng. Tuy nhiên, cực nhất là gánh nước đá lên cho bà con. Từ dưới chân núi gánh lên tới đỉnh, một cây nước đá nhận tiền công 100.000 đồng. “Hồi trước, mỗi cây nước đá, bà con trên núi mua khoảng 200.000 đồng” - anh Chau Son nhớ lại. Trước đây, khu vực núi Cấm có hơn 50 cửu vạn chuyên gánh, vác thuê hàng hóa. Ngày nay, đường đi dễ dàng, xe cộ chở đồ nhu yếu phẩm đến tận nơi, nên chỉ còn khoảng 10 người bám nghề vác thuê.
Hầu hết, hàng hóa, nhu yếu phẩm trên vồ Bồ Hong đều do các cửu vạn mang, vác. Ông Năm Tuấn, chủ quán giải khát trên đỉnh núi Cấm cho hay, nếu không có những cửu vạn này thì bà con trên núi rất khó khăn trong buôn bán hàng hóa và phục vụ du khách. “Đi bộ vượt qua các bậc thang dựng đứng rất khó khăn, huống hồ mang vác vật nặng. Vì vậy, mỗi ngày nhà tôi phải thuê các anh vác nước suối, nước đá, trái cây, gạo, đường… để phục vụ khách du lịch” - ông Năm Tuấn nói.
Chiều buông, sương mờ phủ kín Thiên Cấm Sơn. Cửu vạn nhanh chân tuột dốc trở về với gia đình sau một ngày mưu sinh vất vả. Hình ảnh mộc mạc này khá quen thuộc với người dân phố núi, tạo nên bức tranh đa sắc trên chốn non cao.
LƯU MỸ
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/cuu-van-non-cao-a421293.html
Bình luận (0)