Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đại biểu Quốc hội đề xuất xác thực người bán hàng online, chặn hàng giả tràn lan

Trước tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan, đại biểu Quốc hội đề xuất bắt buộc xác thực danh tính người bán, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ vững sự minh bạch của môi trường kinh doanh số.

Hà Nội MớiHà Nội Mới23/05/2025

Thảo luận tổ vào sáng 23-5, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến vào nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.

z6630290623352_a464b4074cc22bc2abcf9da8a0ffd69c.jpg
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ sáng 23-5. Ảnh: Đỗ Trung

Đề xuất buộc sàn thương mại điện tử xác thực danh tính người bán

Thảo luận vấn đề đang nóng hiện nay là hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, tình trạng này gây thiệt hại lớn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh chân chính và ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin đối với môi trường kinh doanh số. Do vậy, nếu không siết chặt quản lý, thì môi trường thương mại điện tử sẽ mất dần tính minh bạch, bền vững và sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất trong nước.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị Chính phủ chỉ đạo ban hành quy định với các nội dung chặt chẽ, bắt buộc các sàn thương mại điện tử phải xác thực danh tính người bán; chỉ đạo triển khai quy định về “ứng dụng AI để phát hiện dấu hiệu bất thường” về giá, hình ảnh, mô tả sản phẩm.

“Cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt xây dựng gian hàng chính hãng, ưu tiên quảng bá và vận chuyển - logistics; thí điểm bộ cơ chế kiểm soát hàng giả online tại 3 ngành hàng trọng điểm (mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm chức năng) trong năm 2025, áp dụng trên các sàn thương mại điện tử lớn (Tiki, Shopee, Tiktok Shop...) sau đó tổng kết, áp dụng đại trà từ năm 2026 trở đi”, đại biểu Tuấn kiến nghị.

Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cho biết, việc công bố chất lượng sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp thực hiện thì sẽ được kiểm soát như thế nào là băn khoăn của cử tri. Có ý kiến đề nghị nên chăng đẩy mạnh cơ chế xã hội hóa về kiểm định độc lập; lấy những mặt hàng đang lưu thông trên thị trường để kiểm định, thay vì kiểm định những hàng hóa doanh nghiệp chủ động đăng ký với cơ quan quản lý.

Do đó, đại biểu Ngọc Xuân đề nghị, cần xem xét có cơ chế cho phép các tổ chức tư nhân giúp Nhà nước kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Nhìn nhận lĩnh vực nông nghiệp luôn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu nông sản, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) nêu thực tế, hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập trong khâu chế biến, tổ chức thương mại, nên nông sản chủ yếu bán ở dạng thô, giá trị thấp.

“Nếu chúng ta không cải thiện tình hình này thì khó khắc phục được tình trạng được mùa rớt giá, bán sản phẩm thô giá trị không cao”, đại biểu Nguyễn Thị Lan phân tích.

z6630189838019_ea86fe9cebea0619e0352885bcd25c2a.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) thảo luận ở tổ. Ảnh: Đỗ Chí

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, thời gian tới cần lấy trọng tâm là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, phát huy các ngành nghề có lợi thế và phát triển vùng nguyên liệu. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương cần tập trung sản xuất chế biến sâu, hạn chế tối đa xuất khẩu thô; xây dựng cơ chế ràng buộc gắn quyền lợi, trách nhiệm giữa các chủ thể, từ cung ứng vật tư, sản xuất chế biến đến tiêu thụ sản phẩm...

Đặt hàng doanh nghiệp tư nhân làm dự án đầu tư công

Góp ý vào các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phân tích, hiện nước ta vẫn dựa vào 3 động lực chính cho phát triển là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư. Tuy nhiên, động lực xuất khẩu đang gặp khó khăn nhất định, đã tác động đến việc làm và thu nhập của người lao động, từ đó lĩnh vực tiêu dùng cũng bị tác động.

9.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) thảo luận ở tổ. Ảnh: Đỗ Chí

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất các giải pháp: Giữ vững thị trường xuất khẩu đang có; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; giữ vững và mở rộng thị trường nội địa. Đồng thời, quyết liệt kiểm soát, xử lý nghiêm hàng giả, hàng nhái, hàng lậu; thúc đẩy tiêu dùng trong nước và khuyến khích du lịch phát triển; thúc đẩy phát triển kinh tế đêm...

Đề cập Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá, đây là chính sách quan trọng khích lệ tinh thần doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, Nhà nước cần đẩy nhanh cơ chế đặt hàng cho các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn làm dự án đầu tư công, tạo động lực lan tỏa sang các doanh nghiệp khác.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) nêu thực tế, theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, vấn đề tiếp cận đất đai hay xây dựng nhà xưởng của doanh nghiệp ngày càng khó khăn. Nếu như năm 2021 có 55% doanh nghiệp gặp thuận lợi khi tiếp cận mặt bằng kinh doanh thì năm 2024 chỉ còn 33%. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là kéo dài thời gian làm thủ tục, đặc biệt là thủ tục xác định giá đất.

“Tôi cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn cho dự án đầu tư phải được coi là trọng tâm của trọng tâm khi muốn đặt mục tiêu tăng trưởng cao liên tục nhiều năm. Tôi đề nghị Chính phủ phải rất quyết liệt trong việc này và cần lập tổ công tác gồm nhiều chuyên gia kinh tế và pháp luật để đề xuất tháo gỡ, đơn giản hóa thủ tục về đầu tư dự án, tập trung vào việc cắt giảm, hợp nhất hoặc liên thông thủ tục hành chính”, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề xuất.

z6630241126067_1658f5bc5d65743970ab1d4fb2797f75.jpg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận ở tổ. Ảnh: Đỗ Trung

Quan tâm đến vấn đề phòng, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, thực tế còn xảy ra nhiều lãng phí trên bình diện chung của cả nước. Chúng ta thấy rất rõ, nhiều khu nhà đang bị bỏ hoang, vắng lặng người qua lại, nhiều dự án chưa giải quyết được vẫn phải nằm chờ. Bên cạnh đó, là lãng phí trong ăn uống, liên hoan. Đây là vấn đề chúng ta tưởng nhỏ nhưng thực sự là rất lớn.

"Tôi ao ước chúng ta phát động rộng rãi, mạnh mẽ thực hành tiết kiệm trong các bữa tiệc liên hoan, chiêu đãi. Tiết kiệm phải là lẽ sống, là đạo đức cơ bản của con người, thì lúc ấy mới thực hiện thường xuyên được", đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ.

Trong phiên thảo luận tổ sáng 23-5, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến vào các nội dung: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-xac-thuc-nguoi-ban-hang-online-chan-hang-gia-tran-lan-703241.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm