Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đại dương thứ 6 đang hình thành, chia tách Đông Phi thành hai lục địa

(Dân trí) - Giữa những sa mạc nóng bỏng và khắc nghiệt nhất Đông Phi, một “bi kịch địa chất” đang diễn ra một cách chậm rãi nhưng không ngừng nghỉ: mặt đất đang dần tách ra.

Báo Dân tríBáo Dân trí25/07/2025

Nổi tiếng là một trong những nơi khắc nghiệt nhất hành tinh với nhiệt độ có thể lên tới 54 độ C, vùng Afar ở Đông Phi đang thu hút sự chú ý đặc biệt của giới địa chất.

Không chỉ vì điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mà còn bởi những gì đang diễn ra sâu bên dưới lớp đất nóng bỏng: một đại dương mới đang âm thầm hình thành, có khả năng chia cắt lục địa châu Phi thành hai phần.

Vùng Afar nằm ngay tại giao điểm của ba mảng kiến tạo khổng lồ – Nubia, Somali và Ả Rập – đang dần tách rời nhau. Quá trình này, được gọi là tách giãn lục địa, không chỉ định hình lại cảnh quan mà còn mang đến cho giới khoa học một cơ hội hiếm có để nghiên cứu trực tiếp cách các lục địa bị chia cắt và một đại dương mới hình thành.

Christopher Moore, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Leeds, người sử dụng radar vệ tinh để theo dõi hoạt động núi lửa trong khu vực, khẳng định với NBC: “Đây là nơi duy nhất trên Trái đất mà bạn có thể nghiên cứu cách tách giãn lục địa trở thành tách giãn đại dương”.

Đại dương thứ 6 đang hình thành, chia tách Đông Phi thành hai lục địa - 1
Từ năm 2005, một vết nứt dài 56 km đã được hình thành (Ảnh: ZME).

Phòng thí nghiệm địa chất tự nhiên khổng lồ

Khu vực Afar là nơi có Thung lũng Tách giãn Đông Phi, một vết nứt khổng lồ trên bề mặt Trái Đất, trải dài qua Ethiopia và Kenya. Vào năm 2005, một khe nứt dài 56 km, sâu hơn 15 mét và rộng 20 mét đã bất ngờ mở ra trong sa mạc Ethiopia. Thung lũng tách giãn chính là vùng đất thấp nơi các mảng kiến tạo đang tách ra hoặc di chuyển ra xa nhau.

Cynthia Ebinger, nhà địa vật lý tại Đại học Tulane, người đã dành nhiều năm nghiên cứu khu vực này, ví quá trình này giống như việc bơm quá đầy một quả bóng bay.

Bà cho biết: “Sự phân tách dữ dội này tương đương với chuyển động của các mảng kiến tạo trong vài trăm năm chỉ trong vài ngày”. Nghiên cứu của Ebinger cũng cho thấy quá trình tách giãn không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ, mà có thể bị gián đoạn bởi những sự kiện bùng nổ bất ngờ, được thúc đẩy bởi áp lực tích tụ từ magma dâng lên, cuối cùng đẩy lớp vỏ Trái Đất nứt ra.

Qua thời gian, những vết nứt này sẽ lớn dần, và Vịnh Aden cùng Biển Đỏ sẽ tràn vào khe nứt, tạo ra một đại dương mới. Khi đó, châu Phi sẽ bị chia cắt thành hai lục địa: một lục địa nhỏ hơn bao gồm Somalia ngày nay và một phần của Kenya, Ethiopia, Tanzania; trong khi lục địa lớn hơn sẽ bao gồm tất cả các vùng còn lại của châu Phi.

“Một vết nứt như thế này cuối cùng đã từng tách rời lục địa châu Phi và Nam Mỹ để hình thành nên Đại Tây Dương, và vết nứt ở Đông Phi có thể là giai đoạn đầu của quá trình này”, Christy Till, nhà địa chất học tại Đại học Bang Arizona, cho biết. “Quá trình này diễn ra rất chậm và mất hàng triệu năm”.

Đại dương thứ 6 đang hình thành, chia tách Đông Phi thành hai lục địa - 2
Qua hàng triệu năm, lục địa châu Phi sẽ bị xé làm đôi, và các nhà khoa học dự đoán một đại dương hoàn toàn mới sẽ lấp đầy khoảng trống này, định hình lại bản đồ thế giới trong tương lai (Ảnh: USA Today).

Công nghệ GPS và “Đại dương thứ sáu”

Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã nghiên cứu khe nứt châu Phi, nhưng công nghệ hiện đại đã dần thay đổi phương thức nghiên cứu của các nhà khoa học. Các thiết bị GPS cho phép các nhà nghiên cứu đo chuyển động của các mảng kiến tạo với độ chính xác đáng kinh ngạc, xuống tới vài milimét mỗi năm.

Ken Macdonald, nhà địa vật lý biển và giáo sư danh dự tại Đại học California, Santa Barbara, tiết lộ: Mảng Ả Rập đang di chuyển ra xa châu Phi với tốc độ khoảng 2,5 cm mỗi năm, trong khi mảng Nubia và mảng Somali tách ra chậm hơn, từ 1,25 cm đến 0,2 cm mỗi năm. Những chuyển động này có vẻ không đáng kể, nhưng qua hàng triệu năm, chúng sẽ định hình lại hoàn toàn khu vực.

Khi các mảng tách ra, vật chất từ sâu bên trong Trái Đất nổi lên bề mặt, hình thành lớp vỏ đại dương mới. Moore giải thích: “Chúng ta có thể thấy lớp vỏ đại dương đang bắt đầu hình thành, bởi vì nó khác biệt rõ rệt so với lớp vỏ lục địa về thành phần và mật độ”.

Các nhà khoa học ước tính phải mất ít nhất 5 đến 10 triệu năm để vùng Afar bị ngập hoàn toàn. Khi đó, Vịnh Aden và Biển Đỏ sẽ tràn vào khe nứt, tạo ra một lưu vực đại dương mới, biến vùng Sừng Châu Phi thành một lục địa nhỏ riêng biệt, và đây chính là “Đại dương thứ sáu” trong tương lai của Trái Đất.

Hiện tại, vùng Afar vẫn là một vùng đất cực kỳ khắc nghiệt. Nhiệt độ ban ngày thường lên tới 54 độ C, và chỉ giảm xuống mức “dễ chịu” (35 độ C) vào ban đêm.

Tuy nhiên, đối với các nhà khoa học như Ebinger, đây là một phòng thí nghiệm tự nhiên mang đến những hiểu biết sâu sắc chưa từng có về các lực lượng định hình hành tinh của chúng ta.

“Nó được gọi là địa ngục của Dante”, bà nói. Nhưng với những ai sẵn sàng chịu đựng cái nóng, đây chính là cánh cửa mở ra tương lai địa chất của Trái Đất, một tương lai mà châu Phi không còn là một lục địa nữa, mà là hai lục địa, bị chia cắt bởi một đại dương mới.

Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/dai-duong-thu-6-dang-hinh-thanh-chia-tach-dong-phi-thanh-hai-luc-dia-20250725073245097.htm


Chủ đề: đại dương

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm