Việt Nam trong thời gian qua đã có sự phát triển kinh tế đáng kinh ngạc thể hiện ở tốc độ tăng trưởng GDP khá cao và thu hút sự quan tâm rất lớn của quốc tế. Điều này cho thấy tiềm năng nổi bật của Việt Nam trong thời gian tới. Canada mong muốn được đồng hành cùng Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển và đổi mới.
Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil khẳng định như vậy khi chia sẻ với phóng viên nhân kỷ niệm 5 năm thiết lập Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam- Canada (11/2017- 11/2022). Đại sứ nhấn mạnh, trong 5 năm tới, thương mại và đầu tư sẽ có bước tiến nổi bật trong quan hệ giữa hai nước.
Đại sứ Shawn Steil chia sẻ với phóng viên. Ảnh: Internet
Trong hai năm 2020, 2021, Việt Nam là quốc gia chịu tác động rất lớn của dịch bệnh COVID-19. Việt Nam gần như là nước đi sau cùng trong tiếp cận vắc xin. Tuy nhiên, Việt Nam đã huy động nguồn lực trong và ngoài nước để có nguồn vắc xin sớm nhất, nhiều nhất tiêm cho người dân. Nhờ đó, Việt Nam rất nhanh trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về bao phủ vắc xin. Việt Nam có điều kiện mở cửa nền kinh tế từ quý IV/2021 và nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 gấp gần 2 lần GDP. Do đó, bất kỳ biến động nào trên toàn cầu cũng sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam cũng đã chịu tác động nhiều về giá cả đặc biệt là giá xăng dầu, lương thực trên thế giới; chịu tác động điều chỉnh lãi suất, chính sách tiền tệ của các nước lớn...
Việt Nam đã ứng phó với tình hình tương đối tốt nhờ những kinh nghiệm trong quản lý điều hành trước đây. Việt Nam xuất phát từng là nền kinh tế chịu tác động lớn bởi tăng trưởng thấp, lạm phát cao khoảng năm 2008-2009, đỉnh điểm là những năm 2013, 2014.
Vì vậy, Việt Nam đang cơ cấu lại chính sách tài khóa và tiền tệ để tạo dư địa điều hành. Nợ công của Việt Nam đã có thời điểm gần 65% GDP, tiếp tục có biện pháp cơ cấu lại. Đến năm 2022, nợ công đã giảm xuống còn khoảng 38% GDP. Việt Nam cũng có điều chỉnh chính sách thuế, thu chi ngân sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...
Đặc biệt, chính sách tài khóa đã góp phần tích cực vào việc giảm áp lực lạm phát năm 2022. Việt Nam đã chủ động thực hiện giảm thuế xăng dầu, qua đó giảm áp lực tăng giá trong nước; đảm bảo bố trí thanh toán tất cả khoản nợ đến hạn phù hợp, tăng cường phát triển thị trường trái phiếu trong nước để cơ cấu lại nợ...
Về định hướng phát triển, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có cân đối tài khóa và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm 2023, Việt Nam sẽ cố gắng thúc đẩy tăng chi đầu tư công để tạo nền tảng cho tăng trưởng. Việt Nam cũng sẽ tập trung vào phát triển công nghệ cao, chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn và phát triển nền kinh tế số.
Canada là 1 trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam- Canada đã liên tục được củng cố trong vòng 5 năm qua, mặc dù có những khó khăn, đặc biệt là đại dịch Covid-19. Hợp tác giữa hai nước phát triển trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, tăng trưởng thương mại song phương Việt Nam- Canada năm 2021 đã đạt 18%, với giá trị thương mại hàng hóa song phương đạt 10,5 tỷ USD, theo thống kê từ phía Canada.
Quan hệ Việt Nam- Canada đã phát triển khá bao trùm trong nhiều lĩnh vực. Ảnh minh họa
Việt Nam đang là điểm đến thứ 3 cho xuất khẩu nông phẩm và thủy hải sản của Canada trong ASEAN vào năm 2021. Đồng thời, Canada cũng là 1 trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 5 trong những nước có nhiều sinh viên nhất sang du học tại các cơ sở giáo dục ở Canada. Những cơ sở này đang tích cực thu hút sinh viên và tìm hiểu các đối tác tiềm năng tại thị trường Việt Nam.
Hợp tác phát triển với chặng đường 30 năm là một trụ cột trong mối quan hệ Việt Nam- Canada. Trong vòng 5 năm qua, hợp tác phát triển của Canada dành cho Việt Nam đã có sự thay đổi để đáp ứng những nhu cầu mới của Việt Nam trong quá trình phát triển. Chương trình phát triển song phương hiện tại trị giá 66 triệu USD phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2021-2030 của Việt Nam./.
Công Đảo
Bình luận (0)