Nguyên nhân từ cả khách quan và chủ quan
Kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay, Đắk Lắk có hơn 22.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh của 53 trường THPT công lập trên toàn tỉnh là khoảng 20.700. Trừ ba trường chuyên biệt, các trường THPT công lập đều xét tuyển từ kết quả kỳ thi tuyển sinh với ba môn: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT Đắk Lắk công bố ngày 1/7, điểm chuẩn năm nay có sự chênh lệch rõ giữa các trường ở khu vực trung tâm và vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số trường có điểm chuẩn cao như Trường THPT Lê Quý Đôn (19,5 điểm), THPT Chu Văn An (15,25 điểm); trong khi nhiều trường ở vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như THPT Hai Bà Trưng, Krông Bông, Cao Bá Quát... có mức điểm chuẩn thấp, thậm chí có trường, thí sinh chỉ cần 2,5 điểm là đỗ.

Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Thanh Xuân – Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết: “Kỳ thi được tổ chức theo khung thống nhất. Điểm thi của học sinh phản ánh chất lượng giáo dục cấp THCS. Việc đánh giá cần được nhìn nhận thẳng thắn, không nhằm mục tiêu tạo sức ép, mà để xây dựng giải pháp phù hợp”.
Theo bà Xuân, đề thi năm nay không quá khó, mang tính phân hóa vừa phải, chủ yếu kiểm tra kiến thức cơ bản và năng lực vận dụng. Tuy nhiên, sự chênh lệch về điều kiện học tập, đội ngũ giáo viên, môi trường sư phạm giữa các khu vực, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là thách thức chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Một số trường có điều kiện tiếp cận tài liệu học tập và phương pháp ôn thi còn hạn chế. Ngoài ra, tâm lý dự thi “để đủ điều kiện lên lớp 10 công lập” cũng khiến một bộ phận học sinh chưa thật sự nỗ lực.
Bảo đảm quyền học tập cho mọi học sinh
Bà Lê Thị Thanh Xuân khẳng định, quan điểm nhất quán của ngành là không từ chối quyền học tập của bất cứ học sinh nào, đặc biệt là con em các gia đình khó khăn, vùng sâu, vùng xa. “Đây là nguyên tắc nhân văn trong giáo dục, gắn với định hướng phân luồng sau THCS, trong đó khoảng 80% học sinh sẽ theo học THPT và 20% vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp năng lực và điều kiện gia đình”, Giám đốc Sở nhấn mạnh.
Tỉnh cũng xác định, việc duy trì trường lớp ở những vùng khó khăn là yếu tố quan trọng để giữ học sinh không bỏ học, giảm chênh lệch vùng miền. Mức điểm liệt năm nay được xác định là 0 điểm – nhằm tạo điều kiện tối đa cho học sinh có cơ hội bước tiếp vào cấp học THPT. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với xu hướng “dễ dãi” mà cần đi kèm với cam kết nâng dần chất trong từng đơn vị.

Hướng đến giải pháp căn cơ
Theo đại diện Sở GD&ĐT, sau kỳ thi này, ngành sẽ chỉ đạo các trường THCS tổ chức rà soát, đánh giá lại kết quả học tập của học sinh, từ đó xây dựng chương trình bồi dưỡng, tập huấn giáo viên; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức ôn tập theo hướng phát triển năng lực.
Đồng thời, các trường THPT có điểm đầu vào thấp cũng được yêu cầu xây dựng kế hoạch phụ đạo, bổ sung kiến thức cho học sinh sau khi nhập học, giúp các em không bị hụt hơi trong năm học mới.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đồng thời kiến nghị Trung ương có thêm chính sách ưu tiên cho giáo dục vùng đặc biệt khó khăn. Việc phối hợp giữa các cấp quản lý, từ xã đến sở cũng được xác định là chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục bền vững.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dak-lak-dam-bao-quyen-hoc-tap-va-nang-chat-luong-tu-goc-post738013.html
Bình luận (0)