Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đắk Lắk: Thanh thiếu niên DTTS không còn là "nguy cơ" mà là "nguồn lực" phòng chống tảo hôn

Tại những vùng sâu, vùng xa và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk, thanh thiếu niên đang dần khẳng định vai trò là lực lượng tiên phong trong hành trình đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết – những vấn đề xã hội vẫn còn dai dẳng, cản trở sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Báo Phụ nữ Việt NamBáo Phụ nữ Việt Nam28/05/2025

Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều sáng kiến, mô hình và hoạt động thiết thực nhằm phát huy vai trò của thanh thiếu niên, đặc biệt là thanh thiếu niên dân tộc thiểu số (DTTS), trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Những hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng mà còn là bước đi cụ thể trong việc thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" – thể hiện nỗ lực bền bỉ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Báo Phụ Nữ Việt Nam đã có buổi phỏng vấn bà Kim Thoa Adrơng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk, về kinh nghiệm của Đắk Lắk trong việc phát huy nguồn lực nội sinh của chính thanh thiếu niên trong việc đẩy lùi các hủ tục, xây dựng hành trình phát triển bền vững.

PV: Theo các báo cáo gần đây cho thấy, tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra phổ biến ở nước ta, đặc biệt ở các khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Đắk Lắk là 1 tỉnh thuộc địa bàn Tây Nguyên, vậy thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thời gian gần đây diễn ra như thế nào, thưa bà!

Bà Kim Thoa Adrơng: Tỉnh Đắk Lắk có gần 2 triệu dân, với 49/54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm 35%, chủ yếu là dân tộc Ê Đê (chiếm 19%).

Theo thống kê của tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2020 - 2024, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận hơn 1.700 trường hợp tảo hôn, tập trung chủ yếu ở các nhóm dân tộc Ê Đê, M'nông, Mông, Gia Rai. Tình trạng tảo hôn diễn ra phổ biến ở các địa bàn kinh tế khó khăn, nơi nhận thức pháp luật, sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới còn hạn chế.

Hôn nhân cận huyết thống vẫn còn những ít phổ biến hơn về số lượng. Các trường hợp này thường xảy ra trong các nhóm đồng bào dân tộc sống biệt lập, với mối quan hệ huyết thống gần.

Đắk Lắk: Thanh thiếu niên DTTS không còn là "nguy cơ" mà là "nguồn lực" phòng chống tảo hôn- Ảnh 1.

Một chương trình truyền thông về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk

PV: Từ thực tiễn công tác tại cơ sở, theo bà, những nguyên nhân nào khiến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn dai dẳng trong vùng đồng bào DTTS trên Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng?

Bà Kim Thoa Adrơng: Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn dai dẳng tại vùng sâu, vùng xa Đắk Lắk là do một bộ phận người dân còn thiếu hiểu biết về pháp luật, chịu ảnh hưởng nặng nề từ tập quán và truyền thống văn hóa lâu đời.

Như một số dân tộc, các hủ tục như hứa hôn từ nhỏ, kết hôn cận huyết để "giữ gìn dòng tộc" vẫn tồn tại. Đáng chú ý, tình trạng kết hôn cận huyết lại có xu hướng xuất hiện nhiều hơn trong các gia đình khá giả, với suy nghĩ rằng con cháu kết hôn trong họ hàng sẽ giúp tài sản không bị thất thoát ra ngoài. Con cô con cậu vẫn kết hôn được với nhau miễn là khác họ là được.

Bên cạnh đó, những khó khăn về kinh tế - xã hội như nghèo đói, thiếu việc làm khiến nhiều gia đình buộc phải gả con sớm để giảm bớt gánh nặng. Nhiều thanh thiếu niên xem hôn nhân là lối thoát cho tương lai mờ mịt. Ở một số nơi, con trai đến tuổi trưởng thành bị "đẩy đi lấy vợ" sớm để tránh chia tài sản – vốn chủ yếu được ưu tiên cho con gái. Một số trường hợp bé gái phải kết hôn sớm vì cần người làm nương rẫy giúp bố mẹ…

PV: Được biết, Đắk Lắk có cách tiếp cận sáng tạo, lấy thanh thiếu niên làm trung tâm, tiên phong triển khai nhiều mô hình để thanh thiếu niên phát huy sức mạnh nội lực của mình trong việc đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng như các hủ tục khác. Bà có thể cho biết, tại sao lại có cách tiếp cận như thế?

Bà Kim Thoa Adrơng: Trước đây, thanh thiếu niên đồng bào DTTS bị đặt ra ngoài của đời sống cộng đồng, bị xem là những người có tâm trí "non nớt", là đối tượng "có nguy cơ" gây ra tảo hôn… Mọi người tiếp cận thanh thiếu niên như những "đối tượng cần giúp đỡ".

Bây giờ hướng tiếp cận đã thay đổi, thanh thiếu niên được xem là "nguồn lực cộng đồng", các em không chỉ là nhóm cần được bảo vệ mà còn là lực lượng chủ lực trong quá trình phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần lan tỏa nhận thức và tạo chuyển biến tích cực trong cộng đồng.

Phát huy vai trò của thanh thiếu niên không chỉ là giải pháp mang tính nhân văn mà còn là chiến lược hiệu quả. Bởi lẽ, thanh thiếu niên có nhiều tài sản quý giá như: thời gian, ý tưởng sáng tạo, sự gắn kết với địa phương, ước mơ và khát vọng, quan hệ gia đình, vai trò là người dạy và sự nhiệt tình và năng lượng. Các tài sản này nếu được phát huy sẽ đóng góp hiệu quả trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tôi có thể phân tích sơ lược như sau: Thanh thiếu niên có nhiều thời gian rảnh, đặc biệt vào cuối tuần và kỳ nghỉ, nhưng thường chưa được tận dụng hiệu quả. Thay vì để thời gian này trôi qua trong các hoạt động không định hướng, các em có thể tham gia vào các câu lạc bộ, nhóm truyền thông đồng đẳng hoặc diễn đàn thanh niên để nâng cao nhận thức về giới, sức khỏe sinh sản và pháp luật, từ đó tự bảo vệ mình trước nguy cơ tảo hôn.

Giới trẻ có tư duy mới mẻ, dễ tiếp thu các phương pháp truyền thông hiện đại như video, mạng xã hội, kịch tương tác, vẽ tranh, rap… Khi được tạo điều kiện để thiết kế và thực hiện các hoạt động truyền thông sáng tạo, thanh thiếu niên có thể tạo ra ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng, đặc biệt là với những người cùng độ tuổi - nhóm dễ bị tác động nhất bởi tảo hôn.

Thanh thiếu niên đồng bào DTTS có lợi thế trong việc gắn kết với địa phương bởi các em sinh ra và lớn lên tại đại phương, hiểu rõ phong tục, tập quán và dễ tiếp cận với bạn bè cùng trang lứa. Họ chính là những "người trong cuộc" có thể truyền tải thông điệp một cách dễ hiểu, chân thật nhất.

Những bạn trẻ từng vượt qua nguy cơ tảo hôn hoặc tích cực tham gia cộng đồng có thể trở thành "đại sứ thay đổi", góp phần xây dựng thế hệ mới có nhận thức và hành vi tích cực hơn…

Đắk Lắk: Thanh thiếu niên DTTS không còn là "nguy cơ" mà là "nguồn lực" phòng chống tảo hôn- Ảnh 4.

Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk cùng các cấp hội phối hợp với các ban ngành đoàn thể đã triển khai nhiều sáng kiến, mô hình và hoạt động thiết thực nhằm phát huy vai trò của thanh thiếu niên, đặc biệt là thanh thiếu niên dân tộc thiểu số đẩy lùi các hủ tục. Ảnh: Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk

PV: Các mô hình phát huy vai trò trung tâm của thanh thiếu niên tại Đắk Lắk là gì, thưa bà?

Bà Kim Thoa Adrơng: Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk cùng các cấp Hội đã phối hợp với chính quyền, ban ngành tại địa phương triển khai nhiều mô hình nhằm phát huy vai trò của thanh thiếu niên đồng bào DTTS trong việc phòng chống, đẩy lùi các hủ tục. Qua các mô hình, chúng tôi đúc kết rằng: Khi thanh thiếu niên được tin tưởng, trao quyền và hỗ trợ, họ có thể trở thành người truyền cảm hứng, người giữ gìn di sản và người kiến tạo thay đổi.

Một số mô hình nổi bật như: CLB "Phụ nữ DTTS nói không với tảo hôn". Dù tên gọi nhấn mạnh đến phụ nữ, nhưng mô hình có sự tham gia tích cực của cả thanh niên nam và nữ. Thành viên được tập huấn về kỹ năng truyền thông, hiểu biết pháp luật, chăm sóc sức khỏe sinh sản, từ đó trở thành nòng cốt thúc đẩy thay đổi nhận thức cộng đồng.

Câu lạc bộ "Thanh niên nói không với tảo hôn": Là sân chơi học thuật và thực hành kỹ năng, nơi thanh niên DTTS tự nguyện tham gia, chủ động tuyên truyền, đối thoại và can thiệp tại cộng đồng.

Diễn đàn "Tiếng nói tuổi trẻ": Mô hình này khuyến khích thanh thiếu niên thể hiện chính kiến qua hình thức đối thoại trực tiếp với đại diện chính quyền, già làng và phụ huynh. Không gian mở này giúp thanh niên rèn luyện tư duy pháp lý, kỹ năng phản biện, từ đó nâng cao năng lực làm chủ hành vi và xây dựng chính sách phù hợp hơn với cộng đồng mình.

Thanh thiếu niên cùng với người có uy tín địa phương như già làng, trưởng bản hình thành "liên minh truyền thông" đầy bản sắc. Già làng như chiếc cầu nối văn hóa, còn thanh niên là lực đẩy đổi mới cùng nhau xây dựng tiếng nói đa chiều, dễ tiếp nhận, giàu tính thuyết phục.

PV: Xin cảm ơn bà!

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/dak-lak-thanh-thieu-nien-dtts-khong-con-la-nguy-co-ma-la-nguon-luc-phong-chong-tao-hon-20250528212255187.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm