Bên cạnh đoàn đại biểu từ Bộ Văn hoá Pháp, sự kiện cũng vinh dự chào đón bà Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương; bà Eva Nguyễn Bình, Chủ tịch Viện Pháp tại Việt Nam; ông Bùi Tuấn Nghĩa, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng.
Cuộc thi sáng tác truyện tranh lần thứ nhất (2024) nằm trong khuôn khổ dự án "Truyện tranh tại Việt Nam và Campuchia: Huy động chuyên môn và kinh nghiệm của Pháp" với tổng kinh phí 135.000 Euro, do Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp cùng Nhà xuất bản Kim Đồng đồng tổ chức.
Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng Bùi Tuấn Nghĩa cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viện Pháp tại Việt Nam nhằm mở rộng hơn nữa các hoạt động hợp tác văn hoá, vì một thế hệ trẻ Việt Nam sáng tạo. (Ảnh: Ngọc Anh) |
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng Bùi Tuấn Nghĩa cho biết, lễ trao giải diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường. Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn trong quan hệ Việt-Pháp, đặc biệt khi hai nước vừa chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 10/2024.
Tin liên quan |
Theo ông Bùi Tuấn Nghĩa, dự án hợp tác lần này nhằm lan toả tinh thần: Đưa sáng tạo nghệ thuật, cụ thể là truyện tranh, trở thành cây cầu văn hoá giữa các nghệ sĩ, độc giả, bạn trẻ Việt Nam và cộng đồng sáng tạo Pháp.
Ông Bùi Tuấn Nghĩa cũng đề cập mối quan hệ hợp tác lâu đời, ngày càng được củng cố, phát triển mạnh mẽ giữa Nhà xuất bản Kim Đồng và Viện Pháp tại Việt Nam. Đặc biệt, năm 2024 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng giữa hai bên với việc lần đầu tiên phối hợp tổ chức Cuộc thi sáng tác truyện tranh, mở ra sân chơi cho các tác giả trẻ Việt thể hiện tài năng và nuôi dưỡng ước mơ sáng tạo.
"Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viện Pháp nhằm mở rộng hơn nữa các hoạt động hợp tác văn hoá, vì một thế hệ trẻ Việt Nam sáng tạo, hướng tới mục tiêu lâu dài đưa công nghiệp văn hoá - sáng tạo trở thành một động lực cho phát triển tại Việt Nam", Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Văn hoá Pháp Rachida Dati mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hoá Pháp tại Việt Nam. (Ảnh: Ngọc Anh) |
Khẳng định văn hoá luôn giữ vai trò then chốt trong mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp, Bộ trưởng Rachida Dati mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hoá Pháp tại Việt Nam cũng như đưa văn hoá đất nước hình chữ S đi tới quốc gia Trung Âu xinh đẹp.
Đặc biệt, lễ trao giải cũng là dịp nhằm tôn vinh mối quan hệ hợp tác văn hoá giữa hai nước trong ngành xuất bản, đặc biệt là thể loại truyện tranh - một loại hình văn học mà người dân Pháp đặc biệt yêu thích.
"Sức mạnh của truyện tranh chính là khả năng tiếp cận rộng rãi với mọi đối tượng, là một hình thức văn hoá đại chúng, phù hợp với mọi thế hệ. Nghệ thuật thứ 9 lại thường là cánh cửa đầu tiên đưa công chúng đến gần hơn với văn hoá nghệ thuật", Bộ trưởng Văn hoá Rachida Dati chỉ rõ.
Theo bà Dati, trong ba năm qua, Viện Pháp đã hỗ trợ nhiều dự án thúc đẩy việc phổ biến sách Pháp tại Việt Nam. Trong hai năm 2024 và 2025, trọng tâm được đặt vào lĩnh vực truyện tranh, với mục tiêu xây dựng ngành truyện tranh tại Việt Nam, thông qua việc huy động chuyên môn và kinh nghiệm từ phía Pháp.
Nhân dịp này, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng tổ chức ra mắt hai tập truyện: “Bài văn về trứng vịt lộn” và “Bút chì đỏ, Lockdown xứ người & Tiệm thuê truyện”. Đây là tuyển tập các tác phẩm đoạt giải trong Cuộc thi sáng tác truyện tranh lần thứ nhất (2024).
Bộ trưởng Văn hoá Pháp Rachida Dati cùng bà Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương trao giải nhất cho thí sinh Trần Khắc Khoan với tác phẩm “Bài văn về trứng vịt lộn". (Ảnh: Ngọc Anh) |
Tác phẩm đoạt giải nhất - “Bài văn về trứng vịt lộn” - kể về một cậu bé viết bài văn tả công việc bán trứng vịt lộn của mẹ. Để rồi từ đó, câu chuyện giản dị ấy đã chạm đến trái tim một họa sĩ, làm sống lại trong lòng anh kí ức về cha mình. Sách được in song ngữ Việt-Pháp với hai chiều đảo ngược độc đáo. Theo họa sĩ Tạ Huy Long - thành viên ban giám khảo, tác phẩm được đánh giá cao nhờ vào “cách thể hiện chuyên nghiệp trong lối kể, cách triển khai đề tài, nhịp điệu câu chuyện”. Tác giả Trần Khắc Khoan đã mang đến một câu chuyện gần gũi với đời sống hiện tại, kết nối độc giả trẻ và để những người trưởng thành thấy được mình trong đó.
Một số hình ảnh trong tác phẩm “Bài văn về trứng vịt lộn". (Ảnh: Ngọc Anh) |
Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, tác giả Trần Khắc Khoan cho biết, anh chọn câu chuyện về trứng vịt lộn với mong muốn truyền tải thông điệp về sự khác biệt văn hóa.
"Trứng vịt lộn là món ăn rất đỗi bình thường ở Việt Nam, nhưng với nhiều người phương Tây, nó lại có thể gây sợ hãi. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ: Khi bản sắc văn hóa của mình khác biệt so với phần còn lại của thế giới, liệu mình có đủ can đảm để "ôm" lấy sự khác biệt đó hay không? Và liệu những người đến từ nền văn hóa khác có sẵn sàng học cách tôn trọng sự khác biệt ấy một cách đúng mực không?", anh Trần Khắc Khoan nhấn mạnh.
Toàn cảnh lễ trao giải. (Ảnh: Ngọc Anh) |
Bên cạnh đó, “Bút chì đỏ", "Lockdown xứ người" và "Tiệm thuê truyện” đưa đến ba câu chuyện từ ba tác giả với những phong cách khác nhau. Đó là chuyến phiêu lưu đến thế giới kì diệu nhờ vào quyền năng của chiếc bút chì đỏ, gắn liền nhiều yếu tố văn hóa đậm nét Việt Nam; là một ghi chép về thời kì Covid-19 đầy khó khăn nơi xứ người nhưng lại giúp con người ta trưởng thành lên rất nhiều; hay một kí ức về tiệm thuê truyện xưa cũ trong một căn chợ nhỏ là một phần kỉ niệm tuổi thơ của mỗi cô bé cậu bé thế hệ 8X, 9X.
Những tác phẩm đều đa dạng về chủ đề, phong cách, thể hiện sự sáng tạo và nhiệt huyết của các tác giả ở mọi lứa tuổi, hứa hẹn mang đến một làn gió mới cho thị trường truyện tranh trong nước.
Lễ trao giải cũng là dịp nhằm tôn vinh mối quan hệ hợp tác văn hoá giữa hai nước trong ngành xuất bản, đặc biệt là thể loại truyện tranh. (Ảnh: Ngọc Anh) |
Tiếp nối thành công, Cuộc thi sáng tác truyện tranh lần thứ hai (2025) hiện đang tiếp nhận bài dự thi đến hết tháng 6. Đây không chỉ là cơ hội để các tác giả, họa sĩ truyện tranh thể hiện tài năng, mà còn đóng góp xây dựng cộng đồng sáng tác truyện tranh và phát triển dòng sách nghệ thuật này tại Việt Nam.
Một số hình ảnh tại sự kiện:
Nguồn: https://baoquocte.vn/de-sang-tao-nghe-thuat-tro-thanh-cay-cau-van-hoa-viet-nam-phap-315717.html
Bình luận (0)